Quốc hội sẽ có kênh đối thoại với Việt kiều

21/01/2006
"Cái khó của thế hệ Việt kiều thứ hai là họ sống ở nước ngoài từ nhỏ, không quen với cuộc sống, lề lối hành chính, kinh doanh ở Việt Nam. Nếu chúng ta chỉ mời gọi chung chung có lẽ không ổ

Sau đây là cuộc trò chuyện của Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh về vấn đề thu hút trí thức Việt kiều.

- Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định, kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc việt Nam . Tuy nhiên, đến năm 2006 Việt kiều vẫn phản ánh việc đi lại, thủ tục đầu tư trong nước còn nhiều khó khăn. Bà nghĩ sao?

 

- Việt kiều phản ánh còn khó khăn là đúng nhưng nếu nói nhiều khó khăn thì chưa hẳn chính xác. Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội trong quá trình giám sát các quy định người ngước ngoài cũng đã ghi nhận đầy đủ những phân vân của bà con. Ví dụ, trong khi chúng ta đã miễn thị thực cho công dân nước ngoài thì những người gốc Việt lại yêu cầu thị thực. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này trên thực tiễn không đơn giản.

 

Vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay là thu hút trí thức Việt kiều về làm việc tại quê nhà. Ví dụ tại TP HCM vừa qua thành lập câu lạc bộ khoa học kỹ thuật quy tụ những nhà khoa học trong cộng đồng người Việt. Tôi hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ chủ động mời những giáo sư, nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc cho các dự án, trường đại học. Chúng ta phải chủ động mời chứ không phải đợi họ về nước.

 

- Vậy làm thế nào để mời được họ về nước?

 

- Việc thu hút kiều bào về phục vụ đất nước, Trung Quốc họ làm rất giỏi. Còn ở ta, đây vẫn còn là vấn đề mới. Tôi cho rằng, năm 2006, cần có những chính sách bài bản hơn, phải xác định đâu là những lĩnh vực trong nước còn yếu, trong khi các trí thức Việt kiều có thế mạnh. Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là làm sao khép lại quá khứ, xoá những mặc cảm của cả hai bên. Qua đó, xích lại gần nhau, đối thoại cởi mở để đoàn kết dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước.

 

- Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, số Việt kiều về nước chủ yếu ở tuổi ngoài 50. Bà nghĩ gì về ý kiến này?

 

- Đâu chỉ có người già, tôi được biết có nhiều Việt kiều trẻ đã về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Họ chủ động về nước, xuất phát từ sức hấp dẫn môi trường đầu tư Việt Nam. Ví dụ như anh Nguyễn Hoàng Đạo hiện làm Tổng giám đốc của một công ty lớn. Tôi được biết nhiều dự án trong nước hiện cũng có sự tham gia của những trí thức trẻ là Việt kiều.

 

- Trong số 3 triệu Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài có thế hệ sinh ra sau năm 1975 và chưa từng về Việt Nam. Theo bà, cần có chính sách gì để thu hút chất xám của đội ngũ trí thức trẻ này?

 

- Cái khó hiện nay là thế hệ Việt kiều thứ hai sống ở nước ngoài từ nhỏ, họ chưa quen với cuộc sống, lề lối hành chính, kinh doanh trong nước. Khi về nước, có thể họ sẽ khó thích nghi bộ máy của mình. Nếu chúng ta mời gọi chung chung có lẽ không ổn. Chúng ta phải tạo khuôn khổ thông tin đầy đủ hơn, rõ ràng hơn, làm cầu nối để thu hút họ. Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài cần phải phối hợp với tổ chức khác nhau như: hội doanh nghiệp trẻ, hội sinh viên...

 

Tôi được biết Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức 2 trại hè cho thanh thiếu niên Việt kiều. Những hoạt động như vậy nếu tổ chức thường xuyên, hấp dẫn tôi tin chắc đó sẽ tạo ra làn sóng thanh niên Việt kiều quyết định về Việt Nam thử sức một số năm. Ngoài ra, chúng ta phải có những dự án về công nghệ thông tin, từ thiện, nhân đạo để kêu gọi thanh niên Việt kiều thế hệ thứ hai góp sức. Trong cuộc họp mặt vừa qua ở California, có hàng trăm dự án cho Việt Nam có sự góp sức của Việt kiều trẻ.

 

 - Khi về Việt Nam làm ăn, mối quan tâm hàng đầu của Việt kiều là nhà ở, môi trường đầu tư. Khi Quốc hội thảo luận về Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, vấn đề ưu đãi cho Việt kiều đã được tính đến như thế nào?

 

- Khi chúng ta hội nhập kinh tế thế giới thì sẽ không còn ưu đãi nữa, mà tinh thần là cạnh tranh trên cùng một mặt bằng. Cái ưu ái ở đây là cách ứng xử, quan hệ cụ thể giữa những người mang dòng máu Việt chứ không phải thông qua ưu đãi công khai bằng chính sách.

 

Trong chính sách đầu tư, nếu chúng ta ưu ái đối với Việt kiều thì người nước ngoài sẽ thắc mắc. Các công ty trong nước phải cạnh tranh với nước ngoài thì bà con Việt kiều cũng chấp nhận sân chơi bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài. Còn về vấn đề nhà ở, nếu Việt kiều làm việc lâu dài ở Việt Nam thì sẽ được tạo điều kiện mua 1 căn nhà.

 

- Không ít Việt kiều cho biết đang gặp khó khăn khi tiếp nhận thông tin trong nước, thậm chí có nhiều thông tin sai lạc. Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội thể hiện vai trò thế nào, thưa bà?

 

- Bây giờ là thời đại của thông tin Internet. Báo điện tử là kênh thông tin để Việt kiều chủ động tiếp cận cuộc sống ở Việt Nam. Nói thật, Việt kiều đang sống ở xã hội khác họ không nhất thiết phải nghe tiếng nói của một tổ chức chính thức Việt Nam, mà đôi khi từ những cá nhân cụ thể. Ví dụ trong Quốc hội, ý kiến của nhiều đại biểu được cộng đồng người Việt quan tâm như: ông Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc...

 

Năm 2006, Uỷ ban Đối ngoại sẽ góp một viên gạch nhỏ, đó là mở trên trang web của Quốc hội một kênh đối thoại cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài tham gia ý kiến.

 

Theo Tiền Phong Online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video