Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

09/11/2017
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới; triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thẩm định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật bình đẳng giới ở các Bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định với nỗ lực của các cấp, các ngành đã mang lại một số kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới: Hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã được các Bộ, ngành quan tâm thực hiện và từng bước có hiệu quả thiết thực. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…

Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 với 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay chỉ có 08 chỉ tiêu đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020, 02 chỉ tiêu không đạt và một số chỉ tiêu đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo thẩm tra về Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Ủy ban về các vấn đề xã hội thống nhất những nội dung đánh giá ưu điểm và những kết quả được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, hiện nay một số văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực bình đẳng giới ban hành còn chậm; báo cáo lồng ghép giới còn mang tính hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra về bình đẳng giới còn hình thức, kết quả hạn chế; vẫn còn tình trạng phụ nữ và trẻ em gái về cơ bản vẫn thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới. Các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới chủ yếu vẫn là phụ nữ tham gia, việc tham gia, ủng hộ của nam giới còn hạn chế; Trong lĩnh vực chính trị, mặc dù các tỷ lệ có xu hướng tăng nhưng đều chưa đạt chỉ tiêu. Nhìn chung, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng, so với nam giới còn khoảng cách rất xa; Phụ nữ vẫn chịu gánh nặng “kép” về công việc xã hội và chăm sóc gia đình...

Để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc thực hiện các  giải pháp đã đề ra trong Báo cáo của Chính phủ, kết hợp với rà soát và xem xét thực hiện các kiến nghị của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong các Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới hằng năm, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, quy định chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Bộ chỉ tiêu thống kê giới quốc gia phản ánh được bức tranh tổng thể về bình đẳng giới thực chất; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép giới trong quy trình xây dựng pháp luật, trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lựa chọn ưu tiên và tập trung ngân sách thực hiện một số chỉ tiêu trong các năm tiếp theo để đảm bảo kết thúc Chiến lược mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đạt một số kết quả khả quan; tận dụng nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua việc lồng ghép hoạt động vào các chương trình, dự án được tài trợ… Ngoài ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiến nghị Quốc hội tiếp tục thúc đẩy việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; trong quá trình việc xem xét, quyết định ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; quan tâm khía cạnh giới trong hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật và việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất theo mục tiêu bình đẳng giới.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương nhằm đưa Luật bình đẳng giới vào cuộc sống; cho rằng bình đẳng giới được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao…và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới thời gian qua vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế.

Lo ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến - tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các vùng miền. Năm 2006 tỷ số này là 109/100 và tăng lên rất nhanh, và ước tính trong năm 2017 là 113/100. Đặc biệt, số tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tăng nhanh. Năm 2009 là 45/63 tỉnh thì đến năm 2015 là 55/63 tỉnh. Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của văn hóa nho giáo khi muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ, nay lại có xu hướng gia đình ít con, trong khi hệ thống nuôi dưỡng người cao tuổi chưa phát triển, người cao tuổi vẫn mong muốn được ở cùng con trai. Mong muốn sinh được con trai lại trở nên rất dễ thực hiện khi khoa học, công nghệ y tế phát triển có thể chuẩn đoán sớm giới tính thai nhi và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi một cách dễ dàng. Đại biểu cho rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra và không có giải pháp hữu hiệu thì theo dự báo của Quỹ dân số Liên hợp quốc đến giữa thế kỷ này ở nước ta sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững của đất nước, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đại biểu cho biết, tại Ấn Độ, Trung Quốc, nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, phải tìm cô dâu là người nước ngoài sẽ làm gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, tăng tỷ lệ mại dâm, hiếp dâm. Theo đại biểu, đây là những hậu quả hoàn toàn có thể phòng, tránh được nếu chúng ta có ngay những giải pháp tích cực ngay từ hôm nay.

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân- tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, tình trạng tỷ số giới tính khi sinh tăng đều theo từng năm từ 2014 đến 2016. Hiện nay có hơn 50% số tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017 tỷ số giới tính khi sinh tại một số tỉnh, thành phố có chiều hướng tăng mạnh đến mức cảnh báo, trên 120 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Từ những thống kê trên cho thấy sự mất cân bằng giới tính hiện nay đang ở mức đáng báo động. Theo đại biểu, sự mất cân bằng này không chỉ đơn thuần là sắp tới nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời, mà có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn như tăng tệ nạn mua bán phụ nữ, trẻ em, mua bán tình dục, xâm hại tình dục, tăng tỷ lệ phụ nữ kết hôn sớm, ly hôn, tái hôn và tương lai có thể thiếu hụt lao động trong một số ngành nghề như may mặc, giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…Do vậy, trong thời gian sắp tới, đại biểu đề nghị cần phải có biện pháp cụ thể và những chính sách mang tính đặc thù dành riêng cho sự phát triển nguồn nhân lực giới. Xác định trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực nữ nói riêng. Phát huy vai trò tiềm năng của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó,  tiếp tục xây dựng tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp chính sách tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình theo quy định tại Điều 26 Hiến pháp. Đó là chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo bồi dưỡng dậy nghề có chứng chỉ. Các chính sách khuyến khích hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp, chính sách khởi nghiệp, chính sách thai sản cho phụ nữ không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; tổ chức nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất; quan tâm xây dựng và thực hiện hỗ trợ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực trong nhóm nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục người dân thấy được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Quan tâm đến vấn đề lương hưu của lao động nữ, đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan- tỉnh Lạng Sơn đề cập, quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động tại Điều 56, Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 7 Nghị Định 115 của Chính phủ ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đại biểu, do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam giới dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới và so với người cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu trong năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội. Đại biểu cho rằng cách tính này đối với lao động nữ là chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Cùng chung nhận định, đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh– tỉnh Bình Dương cũng cho rằng điều này thật sự gây thiệt thòi cho lao động nữ. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định về thời điểm có hiệu lực của quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ, không tạo ra những bức xúc trong xã hội và cũng để đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động vào những tháng cuối năm.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều ý kiến về việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phụ nữ; nâng cao hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới; bảo đảm bình đẳng giới trong giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đầu tư kinh phí cho công tác bình đẳng giới; nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lao động, cống hiến cho phụ nữ…

chinhphu.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video