Quốc hội tiếp tục thảo luận về Luật Bình đẳng giới

27/10/2006
Chiều 26/10, tại phiên họp toàn thể, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Bình đẳng giới.

Cũng như các phiên họp trước, các đại biểu đều nhất trí, sự ban hành Luật là hết sức cần thiết, đồng thời tập trung thảo luận về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Về vấn đề này có 3 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Luật này không nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mà nên để Bộ luật Lao động; pháp luật về cán bộ, công chức và Luật BHXH quy định cho thống nhất. Ý kiến thứ hai: không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mà chỉ quy định tuổi nghỉ hưu trên nguyên tắc bình đẳng giới (nam nữ có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi ngang nhau). Tuy nhiên phụ nữ có quyền lựa chọn, nếu có nhu cầu nghỉ sớm được quyền nghỉ trước 5 năm mà không bị trừ phần trăm lương. Ý kiến thứ ba cho rằng nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như hiện nay nhằm bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ chăm sóc gia đình.

 

Theo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cùng với sự phát triển của đất nước, đến nay một nhóm dân số đã đạt điều kiện để có thể chấm dứt áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vừa đảm bảo sự bình đẳng, vừa tránh lãng phí nguồn nhân lực nữ lớn có nhiều kinh nghiệm, tri thức, đặc biệt là đối với các nhà khoa học, quản lý; còn nhóm dân số nào chưa đạt điều kiện để chấm dứt biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì tuổi nghỉ hưu vẫn nên giữ như quy định hiện hành. Do đó, đề nghị quy định độ tuổi nghỉ hưu của nam, nữ trong một số ngành nghề như nhau do Chính phủ quy định.

 

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề tuổi nghỉ hưu của nam nữ còn khác nhau nên cần được tiếp tục khảo sát thêm thực tiễn, lấy ý kiến đối tượng, tiến hành tổng kết, làm cơ sở sửa đổi cơ bản các pháp luật chuyên ngành có liên quan.

 

Vấn đề quy định tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử và tham gia quản lý Nhà nước cũng được nhiều đại biểu đưa ra bàn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng để nâng được cơ cấu trong các cơ quan dân cử hay cơ quan quản lý Nhà nước, nhất thiết phải quy định tỷ lệ, ít nhất là quy định tỷ lệ tối thiểu. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định tỷ lệ một cách cứng nhắc, mà nên để nhân dân tín nhiệm bầu và tự quyết định.

 

Một số ý kiến cũng đề cập đến tên gọi, bố cục của Luật, cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, công tác thanh tra việc thực hiện Luật…

 

Các ý kiến khác nhau của các đại biểu sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý để Dự án Luật được thông qua tại cuối kỳ họp này.

 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video