Quốc hội Việt Nam với sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong Quốc hội

06/01/2006
(Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2006)

Bài phát biểu của đồng chí Hà Thị Khiết - Uỷ viên TW Đảng, Đại biểu Quốc hội (khoá IX, X, XI) - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - Chủ tịch UBQGVSTBCPN Việt Nam tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm QH Việt Nam.

 

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa toàn thể các đồng chí!

 

Hôm nay trong niềm vui, phấn khởi kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép tôi được dự và phát biểu trong cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này về Quốc hội Việt nam với sự tiến bộ của phụ nữ Việt nam và vai trò của nữ đại biểu Quốc hội.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thưa toàn thể các đồng chí!

 

Từ tư tưởng giải phóng phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vàCương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 10/1930 đã xác định “Nam nữ bình quyền” là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của Cách mạng Việt Nam. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm về nhiều mặt, phụ nữ không chỉ là người được hưởng lợi từ những thành quả của đất nước mà còn là nhân tố quan trọng tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và quản lý đất nước có hiệu quả.

 

Vai trò của Quốc hội đối với sự tiến bộ của phụ nữ Việt Namđược thể hiện rất rõ thông qua việc thực hiện quyền lập pháp tối cao của mình. Trải qua 60 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 đã được sửa đổi vào năm 1959, 1980 và 1992 cho phù hợp với tình hình mới của đất nước nhưng đều khẳng định bình đẳng nam nữ là nguyên tắc hiến định, mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ đều bị cấm và Nhà nước tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng ... Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, các đạo luật và pháp lệnh do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã có những quy định bảo đảm về mặt pháp lý việc thực hiện và được hưởng các quyền con người của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới, với tư cách là một công dân và là một công dân có đặc thù riêng, thể hiện trên một số điểm như sau:

 

Thứ nhất, với quy định “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” tại điều 9 Hiến pháp 1946, Quốc hội đã chính thức công nhận và bảo đảm về mặt pháp lý quyền bình đẳng nam nữ, đặt nền móng xoá bỏ tư tưởng trọng nam hơn nữ mấy ngàn năm ăn sâu trong đầu óc của người dân Việt Nam, nhằm bảo đảm cho phụ nữ phát huy khả năng, tiềm năng, sức sáng tạo và phát triển toàn diện về mọi mặt.

 

Năm 1959, Quốc hội ban hành Hiến pháp sửa đổi 1959 kế thừa và phát triển hơn các quy định về quyền của phụ nữ trong hiến pháp 1946 và bổ sung thêm những quy định cụ thể, đặt phụ nữ bên cạnh nam giới “cùng làm việc như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước đảm bảo cho nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, đảm bảo phát triển các nhà hộ sinh, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.”

 

Năm 1980, Quốc hội ban hành Hiến pháp sửa đổi 1980 không những chỉ kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1946 và 1959 mà còn nâng cao lên một bước, đó là “ Nhà nước có chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ...”, “Nhà nước và xã hội chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi xã hội khác, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập và nghỉ ngơi”.

 

Năm 1992, Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở kế thừa sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1980 cho phù hợp với tình hình mới, tiếp tục khẳng định công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Đồng thời quy định bổ sung các quyền của phụ nữ “ Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong trong xã hội và làm trong bổn phận của người mẹ”.

 

Thứ hai, các đạo luật và pháp lệnh được Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã thể chế hoá các quy định của Hiến pháp, bảo đảm các quyền con người của phụ nữ theo hướng quyền phụ nữ được đặt trong mối quan hệ với các quyền công dân, quyền con người nhưng có chú ý tới các quyền mang tính đặc thù bởi chức năng sinh sản cuả phụ nữ.

 

Với vai trò là người lao động, người vợ, người mẹ trong gia đình và là người công dân trước pháp luật, phụ nữ được tạo điều kiện để thực hiện tốt chức năng của người mẹ, không bị hạn chế trong việc xin ly hôn khi đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; nuôi con còn bú, con dưới 3 tuổi khi ly hôn; được bảo đảm các chế độ làm việc và điều kiện lao động, đào tạo nghề khi có thai, sinh con và nuôi con nhỏ, kể cả khi phạm tội ...

 

Với vai trò là tác nhân của sự phát triển, phụ nữ được tham gia quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và các cơ quan, tổ chức khác.

 

Với vai trò là thành viên xã hội, phụ nữ được bảo vệ thông qua việc ngăn ngừa và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng chống nhiễm HIV/AIDS; phụ nữ sống độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa; phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập, từ đủ 55 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội ...

 

Với những quy định về quyền phụ nữ và bình đẳng nam nữ trong các bản Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã tạo dựng cho phụ nữ Việt Nam địa vị pháp lý rõ ràng là người chủ đất nước, có đầy đủ mọi quyền như nam giới, nhưng được quan tâm hơn vì phụ nữ là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

 

Đồng thời các quy định của pháp luật do Quốc hội ban hành vừa tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phấn đấu vươn lên, vừa đặt ra yêu cầu đối với phụ nữ phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và kỹ năng, năng động sáng tạo để tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động và có đóng góp ngày càng tăng cho sự phát triển chung của đất nước và mỗi gia đình.

 

Thông qua việc thực hiện chức năng giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã tác động mạnh mẽ đến sự tiến bộ của phụ nữ, làm cho những quy định của pháp luật nói chung, đặc biệt là những quy định riêng đối với phụ nữ có tính khả thi cao, phát huy tác dụng trong thực tế cuộc sống và cải thiện điều kiện về mọi mặt cho phụ nữ vươn lên.

 

Từ những quy định của Hiến pháp, pháp luật và những quyết sách lớn do Quốc hội ban hành, phụ nữ Việt Nam ngày càng có vai trò lớn hơn với tư cách là những người đóng góp và tham gia vào phát triển và địa vị pháp lý; vai trò, đóng góp của các tầng lớp phụ nữ được nâng lên rõ nét so với giai đoạn đầu sau Cách mạng tháng 8/1945 trên tất cả các lĩnh vực của xã hội và gia đình. Phụ nữ đã tham gia và trở thành một lực lượng quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Vượt ra ngoài lĩnh vực truyền thống tập trung đông nữ như nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp nhẹ, thương nghiệp, dịch vụ, giáo dục, y tế ... (tỷ lệ nữ từ 60-70%), trong cơ chế mới phụ nữ đã tham gia vào tất cả các hoạt động mà trước đây chủ yếu do nam giới đảm nhiệm như công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, ngoại giao, du lịch, tư pháp, công nghệ thông tin ... Phụ nữ không chỉ là lực lượng lao động mà còn tham gia lãnh đạo, quản lý các cơ quan Nhà nước, các cơ sở kinh tế, doanh nghiệp đã và đang hoạt động tương đối ổn định và tạo được thương hiệu có uy tín trong nước và ngoài nước.

 

Có thể khẳng định rằng trong 60 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tạo dựng cho phụ nữ Việt Nam địa vị pháp lý, cơ hội và điều kiện bình đẳng để tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển chung của đất nước. Mặc dù tỷ lệ tham gia Quốc hội của phụ nữ còn khá khiêm tốn, có sự tăng giảm trong 11 nhiệm kỳ và đại biểu Quốc hội nữ chủ yếu tập trung trong các Uỷ ban có liên quan nhiều đến các vấn đề xã hội, ở các Uỷ ban khác đều chiếm chưa đến 20%; nhưng sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, nhất là sự gia tăng trở lại tỷ lệ đại biểu nữ từ 17,8% của khóa VIII (nhiệm kỳ 1987-1992) lên 27,31% của khóa XI (nhiệm kỳ 2002-2007) đã đưa nước ta đứng thứ nhất ở Châu Á và đứng thứ hai ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ trong Quốc hội.

 

Từ sự quan tâm của Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong từng nhiệm kỳ. Là một bộ phận của đại biểu Quốc hội nên khó có thể tách riêng những đóng góp của nữ đại biểu trong đóng góp chung của Quốc hội đối với sự phát triển và tiến bộ của đất nước, nhưng đại biểu nữ đã cùng với đại biểu nam đóng góp trí tuệ trong việc ban hành Hiến pháp, các đạo luật và pháp lệnh, quyết định những chính sách trọng đại của đất nước. Đóng góp vào việc thực thi chính sách, pháp luật trên các cương vị là những người đứng đầu hoặc có vai trò quan trọng trong các hoạt động bảo đảm quyền con người, quyền công dân có chú ý đến bình đẳng giới của cơ quan, tổ chức và từng địa phương. Đóng góp trực tiếp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu xã hội thông qua việc tự nâng cao trình độ, năng lực, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các phong trào quần chúng, các hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đóng góp vào các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh bảo vệ Tổ quốc và đối ngoại của quốc gia, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và thế giới...

 

Cùng với sự phát triển không ngừng của Quốc hội trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, sự tiến bộ và phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được củng cố và nâng cao hơn trong những năm tới, đặc biệt khi Quốc hội xem xét và thông qua Luật Bình đẳng giới trong năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trên thực tế, tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam nối tiếp truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trước đây và “năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới đất nước để đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh; vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XXI.

 

Nhân dịp năm mới tôi xin gửi tới các đồng chí, các quý vị đại biểu lời chúc mừng năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video