Quốc tế Phụ nữ 8/3/2019: 'Suy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh, đổi mới để thay đổi'

08/03/2019
Đó là chủ đề chính cho Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay mà Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố.

UN Women tập trung vào những cách thức sáng tạo để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng bền vững.

Hướng tới cộng đồng ASEAN là nơi đáng sống 

Năm nay, UN Women chú trọng đến các dịch vụ công cộng, an ninh thu nhập, không gian an toàn và công nghệ để thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em gái. Theo Giám đốc điều hành UN Women toàn cầu Phumzile Mlambo-Ngcuka, cần lập kế hoạch với một tư duy đổi mới, cân bằng, bình đẳng, tính đến nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái ngay từ khi bắt đầu quy hoạch đô thị, thiết kế hệ thống giao thông an toàn. Các nhà lãnh đạo công nghiệp, khởi nghiệp, các nhà hoạt động bình đẳng giới cần tìm ra cách thức đổi mới để xóa bỏ rào cản và đẩy nhanh tiến độ cho bình đẳng giới.

Mới đây, các nước ASEAN đã tổ chức hội thảo với chủ đề “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025” nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN, đảm bảo bình đẳng giới trong khu vực, tăng cường quyền năng cho phụ nữ. Kể từ năm 1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên. Tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Theo báo cáo của UN Women, nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỉ vừa qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong giai đoạn 2013-2025 nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN.  Những vấn đề này thúc giục các nước phải chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Hướng tới Cộng đồng ASEAN luôn là một nơi đáng sống và một khu vực an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người; đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, các nước tích cực đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, các nước cam kết đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm. Tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.

Những chính sách cụ thể hỗ trợ phụ nữ 

Phụ nữ Singapore hiện được hỗ trợ tốt hơn và có nhiều lựa chọn hơn giúp họ cân bằng cuộc sống công việc và gia đình. “Chương trình hỗ trợ cân bằng công việc và gia đình” đã được đưa ra nhằm khuyến khích các công ty bố trí các công việc linh hoạt cho phụ nữ. Mô hình này cũng được mở rộng cho người chồng và người cha để khuyến khích họ đảm nhiệm tốt vai trò của mình. Chính phủ Singapore cũng đang tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em, đặc biệt là ở khu vực có nhiều gia đình trẻ và mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để hỗ trợ người chăm sóc còn đang làm việc. Các bà mẹ quay trở lại lực lượng lao động sau thời gian sinh con có thể tham gia các sáng kiến kỹ năng nghề cho tương lai để nâng cao kỹ năng của họ.

 Ảnh minh họa

 Phụ nữ trẻ em Indonesia


Còn theo Kế hoạch phát triển trung hạn của Indonesia giai đoạn 2015-2019, Chính phủ Indonesia dự kiến sử dụng 4 chiến lược tương trợ lẫn nhau gồm: Xây dựng một nền tảng bền vững cho tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhiều cơ hội việc làm chất lượng cho phụ nữ; thiết lập một hệ thống an sinh sinh xã hội toàn diện; thúc đẩy sinh kế bền vững; tăng cường và mở rộng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với phụ nữ trong lực lượng lao động, Bộ Bảo vệ Trẻ em và Quyền lợi phụ nữ đang thiết kế các chính sách can thiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ cũng như khả năng tiếp cận với đào tạo, thị trường và thông tin.

Trong đó, Bộ này tập trung vào các nhân tố vi mô và doanh nghiệp nhỏ thu hút 60% lao động cả nước và đóng góp 56% vào GDP cả nước, trong đó phụ nữ chiếm 70% nhân lực của lĩnh vực này. Bộ đã có một chương trình khởi đầu của ngành công nghiệp tiểu thủ công hiện đang được triển khai tại 21 quận thí điểm với tổng số hơn 3.000 phụ nữ. Dựa trên đánh giá và giám sát, chương trình thực tế đã giúp tăng thu nhập của phụ nữ và phúc lợi gia đình cũng như kinh tế bền vững.

Mặt khác, chương trình nghị sự về phụ nữ tiếp tục là một trọng tâm chính trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 11 (2016-2020), đặc biệt là sự phát triển kinh tế của phụ nữ và tăng sự tham gia của lao động nữ từ 54,3% (2016) lên 59% vào năm 2020. Số lượng phụ nữ có việc làm đã tăng từ 3,3 triệu năm 2010 lên 5,55 triệu năm 2017. Kể từ năm 2017, tỷ lệ lao động nữ đã đạt con số 54,7%. Chính phủ đã có nhiều sáng kiến để hỗ trợ phụ nữ trong lực lượng lao động trên toàn quốc như cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ tốt hơn, dịch vụ chăm sóc ban ngày cho người cao tuổi, người khuyết tật và ban hành chính sách tiền lương tối thiểu từ năm 2012. Ngoài ra, chính phủ ban hành quy chế về việc làm bán thời gian để khuyến khích phụ nữ, đặc biệt là người nội trợ, tham gia lực lượng lao động. 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video