Quy định tuổi nghỉ hưu cần đảm bảo bình đẳng, có lộ trình

12/09/2019
Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều qua, 11/9 tại Hà Nội.

Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 11/9 tại Hà Nội. Nhiều vấn đề nóng được đặt ra liên quan đến lao động nữ, đã được sôi nổi thảo luận dưới các góc nhìn khác nhau, như tăng tuổi hưu, bảo vệ thai sản hay tăng thời gian làm thêm…

Nhất quán bảo vệ quyền lợi thai sản của lao động nữ

Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, bổ sung hoàn thiện một số nội dung quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Ở góc độ giới, Hội LHPN Việt Nam quan tâm đến các vấn đề về lao động nữ, đặc biệt là các quy định liên quan đến chế độ thai sản của lao động nữ. Điều này được bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, dự luật có nhiều vấn đề để bàn thảo liên quan đến góc độ giới, chăm lo bảo vệ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn mang thai, nuôi con nhỏ hoặc có hoàn cảnh lao động đặc thù.

Bà Thu Hà cho biết, dự thảo sửa đổi mới nhất của Bộ luật Lao Động quy định tại điều 137 về bảo vệ thai sản đã sửa theo hướng, nếu không được sự đồng ý của người lao động (NLĐ) thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi...

Nội dung này hiện có hai luồng ý kiến: Một số ý kiến cho rằng đó là quyền được mưu sinh, bản thân phụ nữ mang thai 7 tháng nếu thấy đủ sức khỏe và khả năng vẫn được quyền làm thêm giờ. Bên cạnh đó, ý kiến khác cho rằng với đối tượng mang thai từ 7 tháng trở lên dù rằng có muốn, luật cũng không cho phép làm thêm để bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

“Quan điểm nhất quán của Hội LHPN Việt Nam ngay từ đầu là không đồng ý làm thêm giờ (đặc biệt là làm thêm giờ vào ban đêm) đối với lao động nữ mang thai 6 hoặc 7 tháng tuổi trở lên nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em. Bà mẹ mang thai 6, 7 tháng tuổi mà vẫn đi làm thêm giờ thì rất không tốt cho sức khỏe bà mẹ, thai nhi, bất trắc xảy ra thì hệ lụy khôn lường” – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tham gia hội thảo


Là công nhân thủy sản trực tiếp sản xuất tại công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long (Quảng Ninh), chị Trần Thị Hường chia sẻ rằng, nếu thể hiện theo tính chất thỏa thuận như dự thảo luật sẽ là bất lợi rất lớn cho các công nhân nữ. “Với công nhân thì thu nhập rất quan trọng, vì mưu sinh. Nhưng luật đồng ý để họ được  làm thêm giờ theo thỏa thuận, vô tình kích thích những chị em mang thai 6 – 7 tháng đi làm thêm để tăng thu nhập, điều này không hề hợp lý với người lao động trực tiếp như chị em chúng tôi” – chị Hường cho biết.

 Ảnh minh họa

 Chị Trần Thị Hường, công nhân công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long (Quảng Ninh)


Bà Nguyễn Thị Ngân (MTTQ Việt Nam) cũng nhấn mạnh rằng, yếu tố mang tính thỏa thuận theo điều 137 của dự luật cần xem xét kỹ lưỡng. Theo bà, quy định nào thuộc về đảm bảo quyền lợi của NLĐ bắt buộc phải bảo vệ thì cần cứng rắn, điều này sẽ hợp lý hơn là hướng thỏa thuận của hai bên.

Ở góc độ khoa học về sức khỏe của bà mẹ trẻ em, đại diện Cục Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) đồng tình rằng, không nên để phụ nữ mang thai làm thêm giờ, kể cả khi họ đồng thuận. Pháp luật cần chặt chẽ quy định không cho phép họ làm. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần cụ thể hóa hơn khi quy định danh mục ngành nghề không được phép làm đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú như những ngành hóa chất độc hại, tránh tình trạng vì mưu sinh mà những đối tượng này vẫn bất chấp để làm.

Tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng linh hoạt

Vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của dự thảo luật cũng được nhiều diễn giả quan tâm, cho ý kiến. Ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, phương án cơ bản là nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi vào năm 2028 và nữ lên 60 tuổi vào năm 2035. Theo lộ trình, từ năm 2021, mỗi năm sẽ tăng 3 tháng tuổi hưu cho nam và 4 tháng cho nữ. Việc tăng tuổi hưu, theo ông Bùi Sĩ Lợi là việc cần thiết phải làm, nhằm đáp ứng yêu cầu già hóa dân số của Việt Nam trong tương lai.

Riêng với các ngành nghề nặng nhọc độc hại, NLĐ được quyền nghỉ hưu trước 5 năm hoặc có thể dài hơn do các luật khác quy định. “Chính phủ sẽ có phụ quy định danh mục toàn bộ 1.748 ngành nghề, lĩnh vực trong diện được giảm tuổi hưu từ tối thiểu 5 năm trở lên” – ông Lợi thông tin.

 Ảnh minh họa

 Ông Bùi Sĩ Lợi thông tin thêm về vấn đề tăng tuổi hưu của dự thảo BLLĐ (sửa đổi)

Điều này nhận được sự chia sẻ của chị Trần Thị Hường, người trực tiếp sản xuất ở lĩnh vực thủy sản. Chị Hường cho biết, công nhân ngành thủy sản rất vất vả, gần như phải đứng trong gần 48 tiếng liên tục, thường xuyên tiếp xúc với nóng và lạnh, rất vất vả nặng nhọc. “Thực tế tại công ty chúng tôi là những ai đủ tuổi đóng bảo hiểm 20 năm đều xin về hưu sớm chưa chưa cần chờ đến đủ 55 tuổi” – chị Hường cho hay.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, nếu chỉ quy định giảm tuổi hưu cho NLĐ thuộc các lĩnh vực nặng nhọc độc hại, thì vô hình chung tuổi hưu của đối tượng này vẫn là ở mốc 55 tuổi – giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu hiện tại. “ Chúng tôi ủng hộ quan điểm có những ngành nghề không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định” – bà Hà nói.

Cũng tại hội nghị, bà Thu Hà lần đầu tiên công bố số liệu khảo sát do Hội LHPN Việt Nam thực hiện trên hơn 1 triệu lao động các tỉnh thành liên quan đến tăng tuổi hưu. Theo đó, có 49,3% NLĐ được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng; 50,7% NLĐ không đồng ý tăng tuổi hưu và cho rằng NLĐ cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ cả quyền và trách nhiệm của NLĐ, tính đến các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau.

Còn theo bà Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội, việc quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và nữ là 60 cần có cơ sở khoa học về quy định chênh lệch tuổi của hai đối tượng. “Tôi đề nghị việc này cần nghiên cứu thực hiện sớm, đừng quá kéo dài, sớm đưa ra cơ sở khoa học để quy định tuổi hưu khác nhau giữa nam và nữ để tăng tính thuyết phục khi đưa ra quy định mới này” – bà An nói.

Làm thêm giờ: Nhiều góc nhìn phản biện

Chị Trần Thị Hường, công nhân công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long cho rằng, khá mâu thuẫn khi luật thiết kế bớt thời gian trực tiếp làm việc nhưng lại tăng thêm giờ làm. “Nếu cấp bách thì doanh nghiệp đã xây dựng hình thức thời vụ cho công nhân. Tôi nghĩ cần “mở ngoặc” việc tăng thêm giờ làm cho từng ngành nghề và từng thời điểm nhất định” – chị Hường kiến nghị.

Trong khi đó , theo bà Đào Thị Thu Huyền – đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện Canon (doanh nghiệp có hơn 23.000 cán bộ nhân viên tại Việt Nam), sẽ rất bất cập nếu áp dụng giảm thời giờ làm việc chính thức và không tăng giờ làm thêm, với riêng một số ngành công nghiệp điện, điện tử.

 Ảnh minh họa

 Bà Đào Thị Thu Huyền nêu khó khăn khi giảm giờ làm chính thức, không tăng giờ làm thêm


Phân tích của bà Huyền cho thấy, thời điểm “vàng” khi Việt Nam thu hút FDI với lợi thế nhân công rẻ, lao động dồi dào, NLĐ chăm chỉ … đã qua. Hiện nay, điểm duy nhất còn lại, theo bà Huyền chỉ là yếu tố chăm chỉ và ý chí, còn chi phí cho nhân công thì không còn sức cạnh tranh nữa, dựa theo thống kê báo cáo của một số tổ chức lao động trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam không mạnh về các ngành công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại rằng việc duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam đang trong ngưỡng khó. Hiện doanh nghiệp sử dụng nhiều trí tuệ vào máy móc thiết bị để nâng cao năng suất lao động chứ NLĐ ko tự ý nâng cao sức lao động của mình.

“Nếu dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ và không nới rộng làm thêm giờ thì hiện nay tuyển lao động vốn đã khó khăn rồi, sẽ còn khó khăn hơn. Bối cảnh là đơn hàng nhiều, NLĐ đang ở thế sẵn sàng bỏ việc, chủ sở hữu rất khó tuyển lao động thay thế. Doanh nghiệp sẵn sàng dịch chuyển sản xuất sang các khu vực khác. Với bối cảnh đang mất dần thế cạnh tranh về nguồn nhân công thì các sửa đổi này rất bất lợi cho chính NLĐ, tác động không nhỏ, làm giảm toàn bộ nền kinh tế trong thời gian ngắn” – bà Huyền dự báo.

Với các phân tích trên, bà Huyền kiến nghị nếu không được phép nới thời gian làm thêm thì ít nhất cần giữ nguyên quy định hiện hành, tăng từ 200h lên 300h, trên cơ sở NLĐ thỏa thuận với người sử dụng LĐ.

Đại diện Công ty May 10 cũng đồng tình khi cho rằng, xu hướng tăng lương, giảm giờ làm là đúng và phù hợp xu thế, song cần cân nhắc liệu thời điểm này có phù hợp với bối cảnh Việt Nam hay không. Bà Vi Thị Hồng Minh - đại diện VCCI cũng tình với việc cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh. Đặc biệt, nhất thiết cần nới khung thời gian làm thêm với những ngành nghề mang tính thời vụ có kim ngạch xuất khẩu cao, thay vì quy định mức trần chung về làm thêm theo tháng, theo tuần.

Nêu quan điểm của mình, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam lại cho rằng, cần nhìn rộng hơn ở góc độ quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, theo đó đừng nên kỳ vọng quá nhiều về việc thay đổi năng suất lao động ở phía NLĐ làm thêm giờ. “Hãy để họ minh mẫn, có sức khỏe khi đến công xưởng và hơn thế nữa, hãy quan tâm hơn đến yếu tố tương lai, sức khỏe của các thế hệ tiếp theo” – ông Hiểu nói.

 Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu kết luận hội nghị


Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá kết quả thành công của Hội nghị, ghi nhận các ý kiến, lập luận của đại biểu. “Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của các đại biểu, bởi các ý kiến hôm nay đạt đúng quy trình xây dựng luật khi được nghe tất cả ý kiến của các đối tượng liên quan về dự thảo Bộ luật Lao động, ở góc độ giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dự luật dựa trên các ý kiến để đề xuất trong quá trình sửa đổi luật vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển của đất nước” – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Thu Hà ghi nhận.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video