Rào cản trong phát triển kinh tế cho phụ nữ nhiễm H

07/12/2010
Khả năng tiếp cận vay vốn của những người có H để phát triển kinh tế vẫn gặp nhiều rào cản. Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người có H do Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa qua là một trong những diễn đàn đầu tiên bàn về thực trạng này.

Khó khăn trong tiếp cận vốn

 

Chị Bùi Thị Hiền, thành viên câu lạc bộ “Cùng chia sẻ” ở Lương Sơn, Hoà Bình, bùi ngùi kể: Chị lấy chồng năm 2005. Khi mang thai đứa con đầu lòng, chị mới biết mình bị lây nhiễm HIV từ chính người chồng. Vượt qua cú sốc khủng khiếp, chị dần lấy lại niềm tin, nghị lực và quyết tâm tìm việc làm để nuôi con. Không thể chị dựa vào 200m2 ruộng ít ỏi với vài chục kg thóc mỗi vụ, chị lên kế hoạch đi học nghề và dự định sẽ vay vốn làm ăn. Niềm hy vọng mới nhen nhóm lập tức bị dập tắt khi chị đi đăng kí học nghề nhưng không được chấp nhận chỉ vì lý do chị là người có H. Niềm tin bị lung lay, chị không còn dám nghĩ đến việc những người có H như chị sẽ được vay vốn. Chị cũng như các thành viên trong câu lạc bộ băn khoăn không biết đến với địa chỉ nào để người có H được vay vốn một cách dễ dàng, thuận lợi.


Chị Đoàn Thị Khuyên, một người nhiễm HIV ở thành phố Hải Phòng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục vay vốn. Khi chưa biết chị nhiễm HIV, chị được NHXH địa phương cho vay 3 triệu đồng. Tới kỳ hạn, chị đến trả cả gốc cả lãi và mong muốn được vay tiếp để mua 1 cái máy khâu làm nghề may. Tuy nhiên lần này thông tin chị bị nhiễm HIV đã tới ngân hàng nên những người làm thủ tục đã viện rất nhiều cớ để gây khó khăn cho đến khi chị từ bỏ ý định tiếp tục vay vốn, cụ thể: để được vay, ngân hàng yêu cầu chị phải có người đến xác nhận thừa kế. Nhưng với hoàn cảnh chồng đã mất do AIDS, con trai mới 3 tuổi, chị không còn ai đứng ra xác nhận cho mình. Chị mất cơ hội đó chỉ vì bản thân là người nhiễm HIV.

 

Giải pháp nào

 

Những trường hợp như chị Hiền, chị Khuyên không hiếm gặp trong thực tế. Câu chuyện của các chị phần nào chỉ ra nguyên nhân vô cùng khó khăn mà người có H gặp phải trong quá trình tiếp cận nguồn vốn.


Quỹ khuyến khích phát triển Uông Bí, một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 2004 có hoạt động tín dụng tiết kiệm cho người nhiễm H, người sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV thuộc khu vực thị xã Uông Bí (Quảng Ninh). Chị Lê Thị Hải Yến, Giám đốc Quỹ chia sẻ: Quỹ đã xây dựng các mô hình sinh kế cho người nhiễm HIV và trên cơ sở đó triển khai hoạt động hoạt động cho vay tín dụng nhỏ đối với thành viên là những người nhiễm HIV và gia đình họ. Trong tổng số 120 thành viên thuộc diện hỗ trợ, hiện nay có 58 người đang được vay với mức từ 3 đến 8 triệu đồng với nguyên tắc cho vay không đòi hỏi về thế chấp mà chỉ dựa trên lòng tin và sự tôn trọng của tổ chức với người có H, thực hiện lãi suất ưu đãi để người nhiễm HIV thấy không bị phân biệt đối xử. Áp dụng nguyên tắc của tài chính vi mô, người vay được chia nhỏ, trả dần khoản vay. Tuy nhiên, sau năm 5, tỷ lệ thu hồi vốn của Quỹ chỉ đạt trên 80%. “Với tỷ lệ này, việc duy trì hoạt động của Quỹ trong thời gian dài là một thách thức rất lớn đối với chúng tôi”, chị Yến cho biết.


Điều này cho thấy không chỉ người nhiễm HIV gặp cản trở trong quá trình tiếp cận với nguồn vốn mà chính các đơn vị, tổ chức có chính sách cho đối tượng này vay vốn cũng gặp những thách thức không kém.


Với ngân hàng CSXH, đơn vị thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác theo các chương trình tín dụng của Chính phủ, hoạt động cho vay đối với nhóm xã hội này vẫn còn hạn chế. Theo chị Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế, Ngân hàng CSXH thì họ vẫn được vay. Tuy nhiên bà Chương thừa nhận, vì nhiều lý do, nhóm đối tượng này vẫn khó tiếp cận với vốn vay.


Nguyên nhân quan trọng là rào cản với người có H khi tiếp cận với nguồn vốn chính là khả năng rủi ro cao và sự nghi ngơ về khả năng sử dụng vốn vay có hiệu quả. Đã đến lúc các tổ chức tín dụng cũng như nhóm đối tượng này cần sự hỗ trợ lớn hơn nữa từ phía nhà nước cũng như cộng đồng.

Theo Báo phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video