Sắc hoa thổ cẩm trên 'vùng đất khô' Cán Tỷ

26/09/2020
Để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và thương mại của nghề truyền thống, HTX lanh Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang) đã đưa những sản phẩm thổ cẩm dệt từ lanh của các thành viên tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã đạt được những thành công nhất định.
Thành viên HTX đang hướng dẫn các bạn trẻ hoàn thiện sản phẩm.

Cán Tỷ theo tiếng Mông nghĩa là “vùng đất khô”. Người Mông thường sống trên các vùng núi cao, hẻo lánh. Ngoài cây lương thực chính là cây ngô, người dân còn trồng lanh lấy sợi dệt vải làm quần áo. Cuộc sống của đồng bào gắn liền với cây lanh, sống cùng với lanh và chết cũng phải có lanh mang theo.

Nền văn hóa của người Mông đầy sức sống và rất gần gũi với thiên nhiên. Với sự hỗ trợ của chính quyền, HTX lanh Cán Tỷ đã được thành lập và đi vào hoạt động, từng bước trở thành nhân tố điển hình trong phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Phát triển giá trị văn hóa

Ban đầu, để bà con và các thành viên nâng cao tay nghề, HTX Cán Tỷ chủ động vận động, tuyên truyền chị em tham gia theo học lớp tập huấn, khóa học dệt từ những người cao tuổi trong xã có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề dệt, thêu lanh.

Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thổ cẩm chính là sợi của cây lanh. Sau khi trải qua các bước như: gieo trồng, thu hoạch, tước vỏ, giã sợi cho đến bước nhuộm vải, vẽ hoa văn… mới cho ra một tấm vải hoàn chỉnh.

Để sản phẩm có thể bắt kịp với nhu cầu của thị trường, HTX không ngừng học hỏi, cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với trên 18 mẫu sản phẩm gồm: Đồ để trang trí, tranh treo tường, miếng trải gối, túi xách, ba lô, túi đựng điện thoại… với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào Mông.

Đặc biệt, các họa tiết, hoa văn trang trí trên các sản phẩm đều được các chị em thêu tay hoặc vẽ bằng sáp ong. Thành viên dùng sáp ong được đun nóng để vẽ trên nền vải những họa tiết truyền thống của người Mông. Sau khi vẽ xong, vải được nhuộm màu từ cây, lá rừng, phần sáp ong không thấm màu sẽ để lại những hình hoa văn sinh động trên vải.

Trung bình các sản phẩm có giá trị dao động 60.000 - 1.500.000 tùy từng kích thước, chủng loại. Đến nay, HTX đã tìm được thị trường ổn định như Hà Nội, Điện Biên… Ngoài ra, sản phẩm bán cho khách du lịch đến địa phương.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, những cuộn lanh đã trở thành những tấm vải thổ cẩm có giá trị cao với nhiều hoa văn, họa tiết và màu sắc rực rỡ. Những tấm thổ cẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo tài hoa của người phụ nữ Mông, mà còn là nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng. Theo thời gian, sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hóa sống động của người Mông ở Quản Bạ và giờ đây còn giúp cuộc sống của bà con sung túc hơn.

Vươn xa nhờ OCOP

Từ năm 2018, thực hiện Chương trình OCOP, huyện Quản Bạ đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chuyên trách và xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia.

Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững. Theo đó, HTX lanh Cán Tỷ đã đưa các sản phẩm dệt từ lanh tham gia chương trình OCOP.

Đạt tiêu chuẩn 4 sao khi tham gia OCOP giúp HTX khẳng định giá trị sản phẩm với khách hàng.

Vào tháng 1/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã công bố huyện Quản Bạ có 16 sản phẩm OCOP đạt hạng 3, 4 sao trên tổng số 93 sản phẩm toàn tỉnh. Trong đó, HTX Cán Tỷ có 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao là ví kính dệt lanh, ví dài dệt lanh và ba lô dệt lanh nhỏ. Đây là những sản phẩm được đánh giá cao sau khi nghiêm túc nghiên cứu, xem xét theo đúng các tiêu chí quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ban giám đốc HTX, việc tham gia chương trình OCOP ban đầu khiến các thành viên gặp không ít khó khăn vì phải thay đổi nhiều thứ để đáp ứng các yêu cầu của chương trình. Tuy nhiên, với những ưu điểm vượt trội, một số sản phẩm của HTX đã được Chương trình OCOP đánh giá cao và xếp hạng.

Đây là hướng đi đúng, là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy HTX phát triển theo hướng bền vững, mở ra cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp ở Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM… Tham gia OCOP cũng là cách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phù hợp với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video