Sản phẩm "xanh" từ niềm đam mê sáng tạo của hai "nhà khoa học" nhỏ

28/06/2020
Bằng niềm đam mê sáng tạo, 2 em học sinh lớp 10 Đỗ Thị Đình và Võ Đức Dũng trường THCS & THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) mang Dự án “Sản xuất thìa, đĩa dùng một lần từ hạt bơ và gạo” tới Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019 – 2020, và đạt giải Ba.
Cô Lê Thị Hoàng Phương và hai học trò cùng thực hiện công đoạn định khuôn sản phẩm.

Vừa trở về từ Vòng chung kết Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020 được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, cô giáo Lê Thị Hoàng Phương cùng hai học trò là Đỗ Thị Đình Nguyên (lớp 10A2) và Võ Đức Dũng (lớp 10A4) của Trường Tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn còn cảm thấy dư âm của niềm vui chiến thắng khi Dự án “Sản xuất thìa, đĩa dùng một lần từ hạt bơ và gạo” của nhóm đoạt giải Ba.

Là người hướng dẫn trực tiếp nhóm tác giả thực hiện Dự án trên từ những ngày đầu, cô giáo Phương chia sẻ: “Khi tham gia Vòng chung kết Cuộc thi, thấy dự án của các đơn vị khác, cô trò cũng hơi “khớp” vì sự đầu tư cũng như đề tài rất phong phú. Lúc ấy, chỉ nghĩ học sinh của mình tham gia Cuộc thi để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nên không đặt nặng giải thưởng hay thắng – thua. Do đó tôi rất bất ngờ, cảm thấy vinh dự, tự hào khi Dự án của các em  xuất sắc vượt qua hơn 130 dự án khác để đoạt giải…”.

Giới thiệu về Dự án của nhóm mình, em Đỗ Thị Đình Nguyên cho hay: “Xuất phát từ thực tế hằng ngày lượng rác thải nhựa từ các sản phẩm sử dụng một lần như: ống hút, thìa, đĩa… rất lớn, làm ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe con người, nên chúng em đã có ý tưởng làm ra những sản phẩm vừa đảm bảo sự tiện lợi, thích hợp với nhu cầu sử dụng mà lại thân thiện với môi trường. Ý tưởng đã có, song để giải được bài toán ấy quả thật không đơn giản chút nào. Đầu tiên là phải tìm ra được những nguyên liệu thay thế sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường". Nhờ chịu khó tìm đọc tài liệu, Nguyên và Dũng nhận thấy hạt bơ có chứa chất xơ, nhiều protein, vitamin, lại là nguyên liệu ít người sử dụng (chỉ dùng một số lượng nhỏ trong ươm giống), trong khi sản lượng bơ ở Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung rất lớn, riêng hạt bơ bỏ đi lên tới khoảng 18.000 - 27.000 tấn; do đó hai em quyết định chọn đây là nguyên liệu chính cho sản phẩm của mình.

Tìm được nguyên liệu thì một khó khăn khác lại đặt ra, đó là làm sao để sản phẩm có độ kết dính tốt, dễ tạo khuôn mẫu, ngăn chặn được vi sinh vật xâm nhiễm và không bị tan nhanh trong nước. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, với rất nhiều lần thử nghiệm để cho ra nhiều mẫu khác nhau, Nguyên và Dũng đã tìm ra được quy trình cũng như tỷ lệ thích hợp cho sản phẩm thìa, đĩa dùng một lần từ hạt bơ và gạo. Để đảm bảo có độ kết dính tốt, dễ tạo khuôn thì tỷ lệ phối trộn tối ưu giữa hạt bơ và gạo là 3:1; ngoài ra, để tăng tính kháng khuẩn, kháng nước thì cần phủ nguyên liệu Chitosan cho sản phẩm. Em Võ Đức Dũng chia sẻ: “Nhiều lần thử nghiệm thất bại, rồi việc học tập bận rộn khiến chúng em có đôi lúc nản lòng. Nhưng chính sự ủng hộ, động viên của gia đình, các thầy cô giáo cũng như nhà trường đã đầu tư máy móc, tạo mọi điều kiện thuận lợi là nguồn cổ vũ, khích lệ rất lớn để chúng em hoàn thiện sản phẩm được tốt hơn…”.

Cô giáo Lê Thị Hồng Phương cùng hai học trò Đỗ Thị Đình Nguyên và Võ Đức Dũng trao đổi về hướng phát triển của sản phẩm.

Ưu điểm nổi bật của sản phẩm thìa, đĩa dùng một lần từ hạt bơ và gạo mà Nguyên và Dũng làm ra đó là an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường, chịu lực tốt, sử dụng được trong lò vi sóng, thời gian phân rã trong nước khá lâu (từ 30 - 50 phút)… Đây cũng chính là những đặc điểm được giới chuyên môn đánh giá cao và nhận được 5 giải thưởng từ các nhà tài trợ: Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khánh Hòa, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Công ty Sách và Công nghệ Giáo dục, Công ty NETPLUS.

Nói về hướng phát triển sản phẩm này trong thời gian tới, Nguyên và Dũng cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu để khử đi vị đắng của hạt bơ, tạo ra sản phẩm ăn được; đồng thời kéo dài thời gian phân rã trong nước; đa dạng hơn về chủng loại, màu sắc để sản phẩm có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng hơn nữa.

Gắn học tập với thực tiễn

Giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020 của học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt thật đặc biệt. Bởi vì Cuộc thi cấp quốc gia năm nay được Bộ GD-ĐT tổ chức tại một địa điểm thi duy nhất trong toàn quốc thay vì tổ chức thành 2 khu vực: phía Bắc và phía Nam như các năm trước. Thêm một điều đặc biệt nữa là thể thức Cuộc thi cấp quốc gia đã thay đổi; mỗi đơn vị chỉ được tham gia 2 dự án, sản phẩm thay vì 6 dự án, sản phẩm (ngoại trừ đơn vị đăng cai và một số đơn vị có truyền thống, từng đạt thành tích cao tại cuộc thi như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… được tham dự 4 dự án, sản phẩm). Toàn quốc có 141 dự án (cấp THPT 123 dự án, cấp THCS 18 dự án) của 69 đơn vị (gồm: 62 sở GD-ĐT, 6 trường đại học và 1 trường phổ thông vùng cao Việt Bắc) tham gia cuộc thi. "Thành tích này là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để các trường học trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới dạy học, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tế, gắn học tập với thực tiễn, hướng tới phát triển, nâng cao phẩm chất năng lực cho học sinh”  – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp khẳng định.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video