Sản phẩm làng nghề Bình Định tạo được ấn tượng

07/01/2006
Hội chợ "Làng nghề truyền thống Việt Nam - ASEAN 2005" diễn ra tại Công viên Văn hóa Tao Đàn (TP.HCM) từ ngày 2 đến 6-12, quy tụ 260 gian hàng của hơn 100 làng nghề trong nước và quốc tế. Tại hội chợ này, tỉnh Bình Định tham gia 2 gian hàng và đã gặt hái được một số kết quả nhất định.

* Quảng bá sản phẩm

Mục tiêu của Hội chợ làng nghề truyền thống Việt Nam - ASEAN 2005 là giới thiệu bản sắc văn hóa cũng như quảng bá cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn các làng nghề truyền thống của Việt Nam cùng khu vực ASEAN.

Về phía Việt Nam, các gian hàng trưng bày tại hội chợ đã giới thiệu các sản phẩm thủ công đặc sắc, tiêu biểu nhất của các làng nghề như dệt thổ cẩm, gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, chạm khắc gỗ, dệt chiếu Nga Sơn (miền Bắc), dệt thảm, cây kiểng, trái cây miệt vườn, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm, Khơme (miền Nam), khảm xà cừ Cẩm Văn, đúc đồng Bình Định, tạc đá, chiếu cói, thực phẩm (miền Trung)…. Trong đó, Bình Định tham gia 2 gian hàng, với 12 sản phẩm là: rượu Bầu Đá, thổ cẩm của đồng bào Bana, gỗ mỹ nghệ, khảm xà cừ, đúc đồng, thảm xơ dừa, bún Song Thằng, bánh tráng nước dừa, bánh tráng gạo, hàng thủ công mỹ nghệ mây tre lá, cói.

Theo ông Cao Xuân Lương, tại hội chợ, sản phẩm làng nghề Bình Định được nhiều khách hàng quan tâm và đánh giá cao. Hầu hết các sản phẩm mang đi hội chợ đều bán hết. Có nhiều sản phẩm phải "viện trợ" nhiều lần mới đủ cung ứng nhu cầu của khách hàng, như rượu Bầu Đá, bánh tráng nước dừa…

Ban tổ chức cũng đã dành thời gian để các gian hàng, các đối tác có thể trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng mua bán và tổ chức hai cuộc hội thảo với chủ đề "Thực trạng và giải pháp để các sản phẩm làng nghề đến được với người yêu thích", "Thực trạng và giải pháp để các sản phẩm gỗ mỹ nghệ phát triển". Đây là dịp để các nghệ nhân Bình Định gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu tiềm năng, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ… với các nghệ nhân, các làng nghề, các hiệp hội ngành nghề trong nước và khu vực.

Các sản phẩm làng nghề của Bình Định như rượu Bầu Đá, khảm xà cừ, gỗ mỹ nghệ, nón lá… đã được nhiều đơn vị quan tâm và ký hợp đồng làm đại lý tiêu thụ, cũng như đặt vấn đề hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến.

* Thấy được những khiếm khuyết

Theo các chủ cơ sở sản xuất ở các làng nghề Bình Định tham gia hội chợ, tuy sản phẩm làng nghề Bình Định được đánh giá cao về những nét đặc trưng riêng, nhưng để vươn ra "biển lớn" thì còn gặp phải nhiều khó khăn.

Hiện nay, thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của các làng nghề không còn nằm trong phạm vi một vùng, một khu vực mà là giữa các địa phương trong cả nước và quan trọng hơn là hướng ra thị trường quốc tế. Sản phẩm của làng nghề cần phải có thương hiệu, nhãn mác; các mặt hàng thực phẩm cần có các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, chất luợng vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể cạnh tranh được.

Thế nhưng, phần lớn sản phẩm làng nghề của Bình Định không có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lần đầu tiên tham gia hội chợ, những sản phẩm bánh tráng nước dừa Tam Quan, nón ngựa Gò Găng… được nhiều khách hàng chú ý nhưng còn ái ngại vì các sản phẩm này không có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

Hầu như các cơ sở sản xuất, các làng nghề ở Bình Định đều làm ăn riêng biệt, không có sự phối hợp để tạo sự chuyên môn hóa và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, nên không phát huy hết những lợi thế sẵn có. Vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa công nghệ thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại trong các làng nghề cũng chưa thực hiện tốt. Công nghệ thủ công truyền thống với kỹ năng tinh xảo, sản xuất ra sản phẩm rất tinh tế, nhưng sản xuất đơn chiếc, nên năng suất lao động rất thấp… Những tồn tại này đã làm cho giá thành sản phẩm làng nghề của ta cao, chất lượng không đồng đều, rất khó cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn, sản phẩm gỗ mỹ nghệ, sản phẩm đúc đồng, hàng thổ cẩm… của Bình Định giá cao gần gấp đôi so với sản phẩm cùng loại ở các làng nghề khác.

Để sản phẩm làng nghề Bình Định cạnh tranh và tiêu thụ được trên phạm vi rộng lớn, cần phải sớm khắc phục những tồn tại trên. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải giúp đỡ, tư vấn cho các cơ sở, hộ gia đình làm nghề truyền thống về thị trường tiêu thụ, về chủng loại, mẫu mã, công nghệ và cách quảng bá sản phẩm trên thị trường… Có như vậy, sản phẩm làng nghề Bình Định mới có thể có được chỗ đứng trên thương trường.

Ngọc Thái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video