Sản phẩm sáng tạo từ giấy, vải tận dụng hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật

26/11/2013
Đó là sản phẩm thủ công từ nguyên liệu giấy, vải tận dụng, thân thiện với môi trường của bạn trẻ khuyết tật Trung tâm Vì Ngày Mai đã được tôn vinh tại Ngày phụ nữ sang tạo năm 2013 vừa qua.

Từ những tờ báo, mẩu bìa, vải vụn, những đôi tay tài hoa của các bạn trẻ khuyết tật của Trung tâm Vì Ngày Mai (Hà Nội) đã làm nên các sản phẩm thú vị là chiếc lọ, cốc, rổ, gối, lót tay…

Vòng đời mới cho báo, vải cũ

Chị Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai (Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật VN), cũng là một người khuyết tật vận động - cho chúng tôi xem những sản phẩm đã trưng bày: Chiếc bình đựng hoa khô, rổ đựng hoa quả, hộc đựng rác, hộp đựng kim chỉ, tấm lót chân, gối...

“Để làm được chiếc bình hoa cao 40cm, các bạn trẻ đã vê những mảnh giấy báo thành những sợi que dài. Nhờ khả năng ước lượng tốt, họ uốn và đan thành khung chiếc bình. Nếu hết vòng que giấy, họ dùng keo dán để nối thêm sợi que giấy tới khi đan xong” - chị Hiền giải thích. 

Với những chiếc rổ, cốc được đan bằng những nan báo, các bạn trẻ gấp tờ báo thành những thanh giấy có bề rộng chừng 1cm và đan theo khuôn.

Làm thế nào để giấy báo không bị nát và mực in không nhòe ra tay? Chị Hiền ''bật mí'' kinh nghiệm: Các sản phẩm nhúng qua một lớp keo trong suốt, chống thấm và không độc. Hiệu quả đem lại là tính sử dụng cao, sự độc đáo từ chất liệu. Không chỉ giấy báo, những chiếc đĩa đựng hoa quả được trung tâm làm từ những đầu mẩu còn thừa của những tấm bưu thiếp, thiếp cưới bỏ đi.

 Ảnh minh họa

 Chiếc rổ đựng hoa quả.

“Những loại giấy dày và màu sắc đẹp, chúng tôi lọc ra và chọn màu phù hợp với từng chi tiết của sản phẩm”- chị Hiền giải thích. Ngoài ra, những chiếc đệm ghế, thảm lau chân, gối tựa đều được các bạn trẻ khuyết tật dồn công sức tạo nên vừa có tính thẩm mỹ và sử dụng cao.

Hòa nhập cộng đồng

Những sản phẩm trên là kết quả làm việc của lớp học nghề thủ công cho thanh niên khuyết tật do Trung tâm Vì Ngày Mai tổ chức. 

Nguyễn Hữu Phượng (22 tuổi, quê ở Thanh Hóa) và Đặng Thị Hải (23 tuổi, quê ở Nam Định) - là hai trong số 60 học viên - chia sẻ: “Tôi nhờ các học viên khác vê giấy báo thành que giấy. Khi đủ rồi thì chỉ làm trong 3 giờ là hoàn thành chiếc bình” - Phượng nói. Khi được hỏi về sự khó khăn trong việc tự hình dung ra mẫu, Hải tâm sự: “Không đơn giản, vì đây là lần đầu thử nghiệm. Ban đầu tôi ngồi hàng giờ mà không nghĩ được, nhưng làm nhiều thì càng “vỡ” ra và nay thì thấy nhiều ý tưởng”.

Những học viên của khóa học đều là những bạn trẻ khuyết tật nhưng còn khả năng làm việc, có sự nhận biết nhất định.

Chị Lê Minh Hiền hy vọng, các sản phẩm từ báo cũ và vải thải loại của trung tâm có thể trụ được trên thị trường do tính độc đáo, đa dạng mẫu mã, giá cả phải chăng; qua đó, tạo niềm tin cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Người nữ giám đốc kỳ vọng các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ gắn bó với nghề, có “đất” để sống. Trung tâm đang chuẩn bị cho lần bán hàng đầu tiên tại các hội chợ cuối năm tại Hà Nội. 

“Các bạn trẻ khuyết tật rất nhạy cảm với cuộc sống. Nếu có cơ hội thể hiện sự tự tin và sống được bằng nghề, họ sẽ dồn sức quyết tâm. Tôi đang tạo cho họ niềm tin và cơ hội thử sức” -  chị Lê Minh Hiền cho biết.

Trung tâm Vì Ngày Mai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video