Sáu Liên - Người con gái Cái Tàu bất khuất

20/07/2008
Hồi tưởng lại quãng đời đã qua, chị Sáu Liên đã trải qua biết bao gian khổ, thăng trầm trong cuộc sống và trong cuộc chiến đấu oanh liệt; bị bắt 4 lần, bị tra tấn dã man, nhưng tinh thần cách mạng trong chị vẫn ngời sáng. Trong mắt chồng là nhà báo Tam Nghị và đồng đội, đồng chí, chị Sáu Liên là chị gái giỏi giang, xinh đẹp...

Có thể gọi gia đình chị Sáu Liên là gia đình cách mạng “nòi”. Cả gia đình đều hoạt động cách mạng. Cha chị là đảng viên, công an xã, má chị tham gia Hội Mẹ chiến sĩ. Cả 5 người con trai đều đi bộ đội, 2 người đã anh dũng hy sinh; 4 người con gái thì có 3 người tích cực hoạt động. Chị con gái thứ tư trong gia đình - Võ Thị Phê (tên thường dùng Võ Kim Liên, Sáu Liên) cũng góp phần làm rạng danh gia đình. Sinh năm 1936, từ nhỏ chị đã vào đội gương mẫu thiếu nhi, rồi làm Phân đoàn phó Thanh niên lao động, cán bộ binh vận. Năm 1957-1958 là cán bộ cốt cán Đảng, tổ trưởng Tổ thông tin, giáo viên dạy học ở Làng Rừng, Trưởng ban quản trị Làng Rừng, Bí thư Chi bộ Ấp 11 (Ấp 11 chỉ có 31 hộ trong Làng Rừng đưa ra). Quá trình từ năm 1963 đến 1975, chị là Phó Ban Kinh tài xã Khánh An, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, Trưởng ban Dân y xã Nguyễn Phích, Thường vụ xã ủy, phụ trách nhóm vận. Năm 1977 là cán bộ tổ chức Liên hiệp Công đoàn tỉnh Minh Hải, rồi Ủy viên Liên hiệp công đoàn tỉnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông - Vận tải tỉnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Lâm nghiệp, Phó Bí thư đảng ủy. Đến năm 1991, chị nghỉ hưu, sinh hoạt trong tổ đảng, tổ tự quản ở Phường 5.

Quá trình hoạt động cách mạng gian khổ, trải qua 4 lần bị địch bắt, có lần chị chỉ nhớ năm, chứ không nhớ được ngày bị bắt. Bọn địch riết rồi cũng nhờn” mặt “con Việt Cộng” nằm vùng “lì lợm”. Tra khảo, đánh đập, quay điện… cỡ nào, chị cũng giỏi lý lẽ: “Trời ơi, từ nhỏ tui chỉ lo đi học, về nhà mần ruộng. Nghe lính đổ quân thì chạy trốn, rồi bị mấy ông bắt chứ có biết gì đâu”. Chị bị bắt lần đầu ngày 25/5/1956, hoạt động bất hợp pháp, bị bắt tại nhà. Do lúc đó chị bị bệnh tê thũng, bàn chân không cảm giác nên ngày thì hoạt động, trốn tránh ngoài vườn, đến tối mới dám vào nhà ngủ. Bị chỉ điểm, bị bắt mà đi không nổi, chúng phải giải chị bằng xuồng, giam 1 tháng trời. Sức khỏe chị quá yếu, bà ngoại chị phải năn nỉ xin bọn chúng tha cho chị về chữa bệnh. Lần thứ hai, chị không nhớ rõ mình bị bắt ngày nào, chỉ nhớ bị giam 26 ngày. Sau đó đồn Cái Tàu bị đánh tan, chị và một số đồng chí khác được giải thoát, chị chỉ nhớ hôm đó là ngày 25 Tết. Lần thứ ba bị bắt là vào đầu năm 1961, lúc đó chị đang họp mít tinh cùng các chú các anh, xong vô ngọn Rạch Nhum ngủ. Năm giờ sáng địch đã đổ quân. Chị bị bắt khi mới vừa kịp giấu chiếc thùng sắt đựng tài liệu xuống mé ao trên đường chạy trốn. Chúng chở chị bằng tàu sắt, ra đến vàm bắt ngồi bêu cho bà con nhìn coi có quen “con Việt Cộng” này không. Chị còn nhớ như in cảm giác lúc đó, toàn những người quen biết, ai cũng nhìn chị lo sợ, sợ chị khai báo… Lần này, bọn chúng càng tra tấn chị nhiều hơn, vì chúng đã biết mặt chị sau lần được giải thoát trong trận đánh đồn Cái Tàu. Cảm giác bị tra tấn, bị treo tréo tay lên trần nhà gọi là “đi máy bay”… đau đến mấy cũng không bằng cái cảm giác hồi hộp, lo sợ khi chúng giải chị và một số đồng chí khác ra Cà Mau, chúng giải vào lúc 6 giờ tối. Trước đây, chị cũng thường biết nhiều đồng chí, đồng đội của mình cũng bị chúng giải như thế và thủ tiêu trên đường đi, với thủ đoạn tàn nhẫn: bắn chết, xô xuống sông, rồi về nói là bỏ trốn nên mới bắn. Chị và 3 đồng chí khác bàn nhau, hễ chúng có giở trò thì những người còn sức khỏe phải nhảy trước xuống sông, trốn thoát được người nào hay người nấy. May thay, bọn chúng giải thẳng ra Cà Mau. Ra đó, chị gặp được người quen cũng bị bắt và sắp được thả. Chị mừng quá nhưng chỉ biết nhắn nhủ vài câu, tháo chiếc nhẫn đang đeo gửi về cho gia đình biết tin. Vì từ lúc chị bị bắt, cả nhà chị vẫn không biết chị sống chết thế nào. Ở Cà Mau, bọn chúng cũng tra tấn chị dã man rồi mới giam ở Cần Thơ. Trong tù chị cũng giữ nguyên được tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ. Nhờ lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, lại được tôi luyện trong cuộc chiến đấu oanh liệt, lúc đó, chị không còn biết sợ là gì nữa. Ở tù, chị vẫn tìm cách liên lạc với bên ngoài, đấu tranh đòi nước, đòi chiếu cho chị em nằm… Không khai thác được gì, bọn chúng đành trả tự do cho chị (ngày 14-5-1963). Về nhà chưa được bao lâu, chị đã bị bắt lại. Đây là lần bị bắt cuối cùng. Trong trận giặc đổ quân Cây Bàng ở Ấp 11 vào năm 1963. Chúng lấy được một số thư ở trạm giao liên, trong đó đề “gửi Sáu Liên” nên càng lồng lộn. Có lẽ nhờ “kinh nghiệm”, chị nhất định không nhận mình là Sáu Liên, chỉ khai mình tên Khuê. Nhưng ở Tiểu khu, bọn chúng lấy khai không đơn giản như những lần trước, tra tấn “bài bản” và dã man hơn nhiều. Sau 7 tháng thì chúng cũng đành phải thả chị về. Nhưng cũng từ lần này, sức khỏe chị sút giảm, yếu luôn tới sau này. Sinh được ba người con, cuộc sống thời chiến gian khổ, thiếu thốn, chị mang theo nghề đan đát rổ thúng truyền thống của vùng quê gốc Cái Tàu đi hoạt động, đồng bào ai cũng thương mến. Lập gia đình với nhà báo Tam Nghị được 10 năm, nhưng dồn lại hai người chỉ ở bên nhau không được 1 năm. Giờ tuổi già, cộng thêm những di chứng do bị tra tấn cứ hành hạ: thị lực kém, sụm hai đốt sống, phải mặc áo nẹp, thoái hóa hai khớp vai do bị treo tréo hai tay trong những lần lấy khai tàn nhẫn. Trò chuyện với tôi một lúc, chị phải nằm xuống nghỉ, giọng chị cứ chùng xuống khi nhớ lại cảnh thân gái bị khóa cả hai chân, nằm trơ trên nền xi-măng lạnh lẽo trong tù… Chị nhớ như in, cúng 100 ngày cho chồng xong, hai ngày sau là giải phóng. Một mình với sức yếu, là thương binh 4/4, chị lại phải vất vả nuôi con. Hiện chị Võ Kim Liên sống với người con út tại đường Bùi Thị Trường, P5, Tp.Cà Mau. 72 tuổi đời, 48 tuổi đảng, chị được tặng danh hiệu “Phụ nữ đơn thân nuôi con thành đạt”, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất…

Hôm tôi đến, chị mỉm cười khoe hai cánh tay đã cử động được, nhờ điều trị tích cực…

TÂM HẢO

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video