Say Nghiên cứu vì hy vọng cứu người

03/12/2010
TS Đinh Thị Thanh Hải (giảng viên ĐH Dược Hà Nội) rất ngại nói về mình. Quan sát chị làm việc khiến người ta liên tưởng đến những “phản ứng hoá học” hay nói một cách văn vẻ là không ngừng sáng tạo để “làm mới” mình và cho ra những thành tựu mới.

Sinh năm 1969, trong hơn 15 năm công tác, chị đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và hướng dẫn gần 40 khoá luận tốt nghiệp ĐH, nhiều luận văn cao học và luận án tiến sỹ dược học...

Hiện nay, chị đang chủ trì hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và thành phố về tổng hợp thuốc điều trị ung thư Hexamethylmelamin và tổng hợp Nevirapin làm thuốc điều trị HIV/AIDS.

“Hơn 20 năm trước, tôi đã may mắn khi trở thành sinh viên trường ĐH Dược Hà Nội. Trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu tôi sinh hoạt học thuật tại bộ môn Hoá Hữu cơ, một tập thể mẫu mực điển hình về tình đoàn kết, trách nhiệm và bề dày về thành tích. Chính các thầy cô giáo đã truyền cho tôi mơ ước trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học”, TS Hải tâm sự.

Một ngày của chị trôi qua rất nhanh. Không chỉ với chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu, mà việc chăm sóc gia đình cũng rất cuốn hút chị.

Sáng nào chị cũng thức dậy từ sớm nấu bữa sáng và chở con gái đến trường. Suốt 12 năm học của con chị trở thành “xe ôm” có thâm niên. Với một người biết tổ chức cuộc sống như chị thì quãng thời gian hai mẹ con chạy xe trên đường vẫn là những “phút vàng” dành cho tâm sự và “gỡ rối” những khúc mắc tuổi mới lớn của con.

Bên cạnh việc chăm sóc gia đình, chị còn rất “có gu” trong bài trí nhà cửa. Chị mê tranh và khá kỹ trong chơi và chọn tranh. Sưu tập tranh, ảnh, đồ đạc bày biện trong nhà cũng là thú riêng của chị. Có khi phải mất đến vài tháng chị mới “tầm” được một bức tranh ưng ý để trưng bày.

“Giải mã” cho sự kỹ càng của mình chị hóm hỉnh nói: “Giống như việc tự thưởng, sở thích tầm tranh giúp ta thư giãn sau những giờ làm việc, nghiên cứu căng thẳng”.

Chị nhận mình là người may mắn: May mắn có một gia đình hạnh phúc, được làm nghề Dược và tham gia nghiên cứu tổng hợp Hexamethylmelamin. Cũng như nhiều cán bộ tâm huyết ngành Dược, TS Hải không khỏi nóng ruột khi thông tin về các ca mắc ung thư và tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư ở Việt Nam ngày một tăng.

Một số đồng nghiệp, bạn bè và có tới hàng trăm em bé đang phải nằm điều trị tại các bệnh viện ung bướu. Trong số họ có không ít các bệnh nhân nghèo, phải oằn lưng chịu giá thuốc nhập ngoại, vô cùng đắt. Đặc biệt danh mục thuốc điều trị ung thư phổi, ung thư vú còn quá khan hiếm, người bệnh không có nhiều lựa chọn...

Ý tưởng triển khai quy trình tổng hợp Hexamethylmelamin được “thai nghén” khi chị đang làm việc tại Nhật Bản. TS Hải cho biết: Nếu thành công, quy trình công nghệ tổng hợp Hexamethylmelamin có thể sản xuất nguyên liệu để bào chế viên nang Hexamethylmelamin sử dụng trong điều trị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng.

Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm viên nang Hexamethylmelamin ứng dụng vào thực tiễn điều trị cần phải có những nghiên cứu tiếp theo.

“Thử nghiệm đã thu được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Hy vọng về thành công của Hexamethylmelamin sẽ giúp cho nhiều người thoát khỏi sự đau đớn của bệnh tật, tạo cho chúng tôi những động lực mới để tin và hy vọng...”, TS Hải chia sẻ.

Theo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video