Sierra Leone: Phụ nữ mù chữ trở thành kỹ sư năng lượng mặt trời

11/09/2011
Hàn xì, xác định thành phần, lắp đặt các bộ phận phức tạp để có một thiết bị chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời là một thách thức ngay cả với những sinh viên đã tốt nghiệp sau 5 năm được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật. Song, đó lại không phải là việc khó với nhiều phụ nữ mù chữ đến từ các vùng nông thôn hẻo lánh của Sierra Leone.

* Đưa điện về làng

Chưa từng được đi học và cũng chưa bao giờ bước chân ra khỏi ngôi làng Mambioma ở ngoại ô Thủ đô Freetown nhưng giờ đây, Fatmata Koroma đang ngồi nghe giảng trong một lớp học kỹ thuật tại đất nước Ấn Độ. Với bảng mạch trước mặt và máy hàn trong tay, Koroma đang học cách lắp ghép các bộ phận phức tạp thành một chiếc đèn năng lượng mặt trời, thứ mà cô chưa từng thấy trước đó.

Cùng với Koroma, 11 phụ nữ mù chữ khác đến từ các ngôi làng nhỏ của Sierra Leone cũng đang tham gia vào khóa đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời do trường Cao đẳng Barefoot của Ấn Độ tài trợ nhằm cải thiện mạng lưới điện nông thôn cho một số nước nghèo thông qua việc nâng cao năng lực cho phụ nữ.

Sau khi tốt nghiệp, nhiệm vụ đặt ra cho nhóm kỹ sư nữ của Koroma là trở về quê hương, lắp ráp 1.500 thiết bị chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho các gia đình trong làng, đồng thời tổ chức những buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho những người khác trong cộng đồng.

Để tạo cơ sở nhân rộng mô hình “nữ kỹ sư” này, Chính phủ Sierra Leone đã đầu tư khoảng 820.000 USD để xây dựng trường cao đẳng dạy nghề có mô hình tương tự như Barefoot. Kế hoạch của trường trong năm nay là đào tạo 50 học viên trong thời gian 4 tháng để biến họ thành những kỹ sư năng lượng mặt trời.

* Ánh sáng cho người nghèo

Dự án xây dựng trường cao đẳng dạy nghề lắp ráp thiết bị chiếu sáng năng lượng mặt trời là một trong những hoạt động của Chính phủ Sierra Leone nhằm triển khai chương trình điện khí hóa nông thôn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, điện là thách thức lớn nhất về cơ sở hạ tầng đối với Sierra Leone. Thống kê cho thấy, khoảng 60% người dân (tương đương 3,6 triệu dân) tại quốc gia Tây Phi này đang sống tại khu vực nông thôn. Hầu hết các hộ gia đình đều sống trong cảnh tối tăm vì không có điện.

Ngay tại Thủ đô Freetown, người dân cũng không có nhiều cơ hội dùng điện. Sierra Leone hiện là quốc gia có tỉ lệ cắt điện cao kỷ lục, 46 ngày/năm, cao gấp 4-5 lần so với các nước trong khu vực.

Để cải thiện tình hình, Bộ Năng lượng và Nước của Sierra Leone đã xây dựng chương trình điện khí hóa nông thôn, tập trung phát triển những năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, chương trình này cũng đang đối mặt với một thách thức, đó là giá của các thiết bị chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời khá cao, khoảng 500USD. Để tạo điều kiện sử dụng thuận lợi cho người dân, Chính phủ Sierra Leone đã thực hiện giảm thuế nhập khẩu, đồng thời, lập kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Mô hình đào tạo phụ nữ nông thôn thành kỹ sư năng lượng mặt trời cũng là một cách để đưa loại thiết bị này đến gần hơn với người dân nghèo.

Theo thegioiphunu-pnvn.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video