Sóc Trăng: “Biến rác thành tiền” - Mô hình thiết thực của phụ nữ xã Tham Đôn

14/09/2022
Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tham Đôn với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện những công trình, phần việc thiết thực, nổi bật là mô hình tổ phụ nữ “Biến rác thành tiền”.
Hội viên phụ nữ ấp Sô La, xã Tham Đôn thu gom, bán phế liệu

Theo đó, chị em tranh thủ thời gian rảnh rỗi thu nhặt phế liệu rồi đem bán, tạo nguồn kinh phí hoạt động. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao ý thức của hội viên trong tham gia bảo vệ môi trường mà từ việc bán phế liệu, hội phụ nữ còn có thêm kinh phí để hỗ trợ những hội viên khó khăn từng bước cải thiện cuộc sống.

Hằng tháng, cứ đến ngày sinh hoạt tổ phụ nữ “Biến rác thành tiền”, chị em ở ấp Sô La, xã Tham Đôn lại mang các loại phế liệu như chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, sắt vụn... mà mình thu gom được đến điểm tập kết để bán. Chị Thạch Kim Sa ở ấp Sô La cho biết: “Mô hình “Biến rác thành tiền” có ý nghĩa thiết thực. Khi kết hợp mô hình này với mô hình 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), gia đình hội viên nào cũng sạch sẽ, đường làng, ngõ xóm trở nên xanh-sạch-đẹp hơn”. Tại ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, theo quy chế hoạt động của tổ phụ nữ “Biến rác thành tiền”, cứ vào 16 giờ ngày 16 hằng tháng, thành viên của tổ lại tổ chức sinh hoạt để chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống, đồng thời tổ chức bán phế liệu thu nhặt được trong tháng.

Chị Lâm Thị Phượng, trú tại ấp Bưng Chụm cho biết: “Trước đây, tôi không phân loại rác, hằng ngày đi chợ về có túi ni lông, chai nhựa... dùng xong là vứt bỏ. Từ khi tham gia tổ, tôi biết đâu là rác hữu cơ, rác nào là vô cơ và những loại rác có thể tái sử dụng hoặc thu gom bán lấy tiền. Trung bình mỗi tháng tôi bán phế liệu một lần, thu được khoảng 40.000 đồng để nuôi lợn đất tiết kiệm cho tổ". Theo chị Thạch Thị Phol Lay, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tham Đôn: Đến nay, mô hình tổ phụ nữ “Biến rác thành tiền” đã được nhân rộng khắp các ấp trong xã. Mô hình giúp hội viên phụ nữ nói riêng, người dân nói chung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhờ xử lý rác thải, xây dựng môi trường xanh-sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các tổ phụ nữ còn kết hợp thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” với “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, qua đó giúp hội viên biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý cho gia đình.

QDND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video