Sóc Trăng: Hội LHPN Mỹ Tú đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

25/09/2021
Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, hội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức hội trong các phong trào thi đua của địa phương.
Sản phẩm mứt me của cơ sở Mai Anh là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Thời gian qua, Huyện hội đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương, tạo động lực giúp hội viên phụ nữ tự tin, thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các hội cơ sở rà soát nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của chị em để có các hoạt động nhằm tiếp sức cho phụ nữ hiện thực hóa được ý tưởng sáng tạo và thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, xây dựng các gian hàng trưng bày, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của các mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, các sản phẩm do hội viên phụ nữ sản xuất.

Nhiều mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tiêu biểu như sản phẩm mứt me, mắm tép không vỏ của cơ sở Mai Anh; sản phẩm mứt mận của cơ sở Ngọc Hạnh… Trong năm, hội đã hỗ trợ được 5 chị đăng ký sản phẩm khởi nghiệp và tham gia Chương trình OCOP năm 2021; đồng thời, giới thiệu 2 hội viên tham gia hội thi ý tưởng khởi nghiệp với ý tưởng “thịt ba ba tươi sống” và ý tưởng “hoa đất sét”, tạo điều kiện cho chị em phát triển mô hình.

Bên cạnh đó, Huyện hội còn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, triển khai chương trình ủy thác vay vốn với ngân hàng chính sách xã hội. Hiện nay, hội đang quản lý 81 tổ với 3.657 hộ vay vốn, trong đó có 1.166 hộ là hội viên phụ nữ với dư nợ trên 41 tỉ đồng; các chi, tổ hội còn huy động nguồn vốn tại chỗ giúp chị em vay chăn nuôi, sản xuất bằng hình thức hùn vốn tiết kiệm xoay vòng không tín lãi. Hội LHPN huyện Mỹ Tú còn tranh thủ các nguồn hỗ trợ cho 16 hội viên phụ nữ khởi nghiệp với số vốn 260 triệu đồng, đây là một trong những hoạt động Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” của hội. Hội còn duy trì 302 tổ, nhóm phụ nữ hùn vốn tương trợ với 6.648 thành viên tham gia ở các tổ, nhóm như: tổ chăn nuôi heo, tổ mua bán nhỏ, tổ thắt lông mi giả, tổ đan giỏ nhựa, tổ se nhang, tổ trồng rau sạch, câu lạc bộ nuôi bò sữa, câu lạc bộ chằm lá…

Ngoài việc xây dựng mô hình kinh tế, các cấp hội trong huyện còn vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau thông qua hình thức giúp nhau ngày công lao động, cây, con giống để chị em phát triển kinh tế, cũng như thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhâp dịp lễ, tết và những lúc ốm đau. Mới đây, Huyện hội còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ cất mới nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng cho chị Trần Thị Mỹ Hương - hội viên phụ nữ xã Hưng Phú và sửa chữa nhà cho 1 hội viên thuộc xã Mỹ Hương. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được hội quan tâm; chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn, mở các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, tính từ đầu năm đến nay đã có 576 chị được học nghề và giới thiệu việc làm cho trên 1.200 chị.

Đồng chí Huỳnh Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Tú phấn khởi cho biết: “Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng lan tỏa, Hội LHPN huyện Mỹ Tú đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên. Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ, giúp hội viên có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của bản thân. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ được phát triển. Qua đó khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của từng hội viên phụ nữ, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tùy theo thế mạnh của từng gia đình, từng vùng để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Có thể khẳng định rằng, từ sự chỉ đạo, định hướng của Huyện hội và sự chủ động của các cơ sở hội trong thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã tác động tích cực đến chất lượng đời sống hội viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó đã và đang đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

baosoctrang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video