Sơn La: Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm

20/09/2013
Tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới; tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế của phụ nữ. Đó là kế hoạch của Sơn La thực hiện hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2013-2015.

Mục tiêu đến hết năm 2013, có từ 1.500-2.000 lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 70% số lao động sau đào tạo tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm tại chỗ. Đến hết năm 2015, đào tạo nghề đạt từ 6.000-8.000 số lao động nữ, trong đó số phụ nữ là lao động chính thuộc diện chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số... tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề nghề tối thiểu đạt 70%.Trước hết, các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của học nghề và việc làm; về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, dạy nghề và việc làm tới cộng đồng dân cư, đặc biệt là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại cộng đồng; kết hợp với tham gia vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia học nghề và tạo việc làm. Tổ chức khảo sát nhu cầu của các đối tượng phụ nữ về học nghề và giới  thiệu việc làm trong toàn tỉnh; đánh giá tác động của chính sách trong hỗ trợ phụ nữ học nghề và đối với cơ sở dạy nghề thu hút nhiều lao động nữ học nghề; đánh giá hiệu quả hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm của các cơ sở dạy nghề. Tổ chức các hội nghị chuyên đề, diễn đàn, hội thảo về dạy nghề và tạo việc làm cho cán bộ hội phụ nữ cấp tỉnh, huyện, thành phố.

 

Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho phụ nữ; xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nữ; khảo sát và thống kê số lao động nữ có nhu cầu học nghề; dự báo nhu cầu sử dụng lao động là phụ nữ qua đào tạo đến năm 2015. Mở các khoá đào tạo chính quy hoặc liên kết đào tạo nghề liên thông có trình độ từ trung cấp trở lên tại các trung tâm dạy nghề, các trường chuyên nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực thương mại, kế toán tài chính, du lịch, nấu ăn, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông. Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề lưu động tại địa phương, ưu tiên đào tạo các nghề phù hợp với lao động nữ ở từng địa bàn, cụ thể như: Nghề may, nghề thêu ren, kỹ thuật trồng trọt, làm nghề truyền thống, nghề dịch vụ gia đình, làm đẹp cho phụ nữ; mở rộng đào tạo các nghề mới phù hợp với lao động nữ; liên kết, phối hợp tổ chức dạy nghề cho lao động nữ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ hợp tác; liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề, thực hành nghề.

 

Tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm; nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm về học nghề, việc làm và khuyến khích phụ nữ chủ động tham gia học nghề.

Theo sonla online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video