Sơn La: Phụ nữ Mường La xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, không có bạo lực

23/07/2022
Những năm qua, huyện Mường La luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn quan tâm đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Phụ nữ xã Chiềng Công, huyện Mường La, tìm hiểu về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Hội LHPN huyện đã phối hợp với Công an huyện, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, tổ chức các hoạt động truyền thông, nói chuyện chuyên đề, hội thi, như: “Phòng chống các loại tội phạm và bạo lực gia đình”, “Gia đình trẻ hạnh phúc”, “Tìm hiểu công tác phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em”, “Mất cân bằng giới tính khi sinh” tại các xã, các trường học trong huyện. Thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan”, các cấp hội đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn các nội dung về phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em, với trên 1.200 lượt người tham gia, chủ yếu là hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên và học sinh.

Đến nay, các xã, thị trấn của huyện Mường La đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình; duy trì hoạt động 2 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tại xã Hua Trai và Mường Bú; duy trì số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình tại 16/16 xã, thị trấn; tư vấn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, người dân về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo hành gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình qua điện thoại, zalo, facebook.

Bà Phạm Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường La, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng phải xử lý theo quy định của pháp luật; hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi chuyển biến tích cực. Hiện 68% hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 87% bản, tiểu khu văn hóa.

Chị Giàng Thị Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Công, chia sẻ: Chị em bị bạo lực gia đình thường có tâm lý e ngại, sợ mang tiếng, bị cười chê, nên phần nhiều chọn im lặng, chịu đựng. Chúng tôi đã hòa giải được nhiều trường hợp có hoàn cảnh éo le, bị xâm hại nhưng không dám lên tiếng. Từ năm 2017 đến nay, xã Chiềng Công không xảy ra vụ việc nào liên quan đến bạo lực gia đình.

Thành lập từ năm 2020, Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” xã Hua Trai có 73 thành viên, sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. Trong các cuộc sinh hoạt, thành viên tìm hiểu Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bày tỏ những khúc mắc trong gia đình để cùng nhau tìm giải pháp khắc phục. Gia đình nào xảy ra bất hòa, câu lạc bộ phối hợp với tổ hòa giải trong bản đến nhà phân tích, giúp vợ chồng bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, tránh cãi vã, bạo lực.

Với mục tiêu từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử trong gia đình, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Mường La đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao tri thức, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số và yếu thế trong xã hội.

baosonla

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video