Sộng Thị Ia - Người phụ nữ H’Mông làm kinh tế

24/11/2014
Cùng với tiến trình phát triển chung của đất nước, nhiều chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế vai trò quan trọng của mình trong các phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn. Tuy nhiên với một người phụ nữ dân tộc Mông tuy không được học hành đầy đủ mà lại biết lo toan kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình thì quả là một điều hiếm thấy. Câu chuyện về Chị Sộng Thị Ia ở bản Thẩm Hon, xã Tạ bú, huyện Mường La sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở bản Nong Bẩu, xã Nậm Păm. Năm 2004, chị Sộng thị Ia Kết hôn với Anh Sộng A Cha  ở bản Thẩm Hon, xã Tạ Bú, ban đầu về sống với nhà chồng trong gia cảnh rất khó khăn, nhà đông anh em nên vợ chồng chị xin ra ở riêng. Thế nhưng, đất canh tác ít, không vốn liếng trong tay, nhà cửa thì tạm bợ, năm miệng ăn cứ thế sống trầy trật, bữa đói, bữa no qua ngày. Mặc dù được bà con trong bản giúp đỡ, nhưng phương thức canh tác lạc hậu, đã thế chị lại chẳng biết chữ nên loay hoay mãi gia đình chị vẫn chẳng thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Vốn bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, qua xem đài, ti vi, thấy nhiều nơi bà con người Mông làm kinh tế giỏi chị Ia cũng mạnh dạn bắt tay vào làm kinh tế, với hai bàn tay trắng, ban đầu khai hoang đất nương trồng ngô lúa, nhưng do chưa có kinh nghiệm, nên năng xuất không cao, kinh tế khó khăn khiến cuộc sống gia đình chị Ia càng thêm vất vả khi các con chị đã đến tuổi ăn tuổi học chi bảo mình cũng chịu khó làm ăn, vất vả quanh năm mà cái đói nghèo vẫn đeo bám.

Sau nhiều năm làm kinh tế chị cũng đã rút ra cho mình những kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi. Trên diện tích 3,9 ha nương chị Sộng Thị Ia bàn với  gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích từ trồng lúa nương sang trồng ngô lai, nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật và gieo trồng đúng thời vụ nên cây ngô lai cho năng xuất khá cao, mỗi năm gia đình chị thu được 40 tấn ngô hạt. Có thu nhập từ làm ngô, chị Ia tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi trâu bò, lợn, nhím, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng, đến nay gia đình chị đã có một trang trại với trên 20 con trâu, bò, dê, nhím và hơn 100 con gia cầm các loại với khoản thu nhập bình quân trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm, chị Ia cho biết số tiền làm ra ngoài chi phí cho sinh hoạt hàng ngày, gia đình còn giành lại một khoản tiền tiết kiệm đầu tư cho con cái học hành, chị bảo: “Hai vợ chồng mình không biết chữ, nên làm gì cũng rất khó, vì vậy mà trú trọng phát triển kinh tế gia đình cũng là để có thu nhập đầu tư vào học hành  cho con cái để sau này chúng không phải khổ như mình nữa”.

Sau nhiều năm vất vả lo toan, 5 người con: 4 trai, 1 gái giờ cũng đã được đến trường. hiện tại các con chị đều đang đi học xa nhà. Theo lời chị Ia , trước đây do kinh tế khó khăn, phần nhiều ở tuổi chị đều không được đến trường học chữ, không được học hành, không biết chữ nên làm gì cũng khó, mình khổ rồi nên không đề con mình phải khổ nữa

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ ba gian, bên một thung lũng nhỏ ven đồi, dù không được rộng lắm nhưng trong nhà cũng đầy đủ những tiện nghị phục vụ cho sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy và điều ngạc nhiên hơn cả là ở trên vùng dẻo cao này lại có điện phục vụ cho sinh hoạt gia đình. chị bảo: “Nhà mình tự mua máy phát điện về dùng đấy, không có điện các con không chịu được vì nó đi học dưới huyện quen có điện dùng rồi”. Hiện hai con trai của chị đã đi học cấp 3 ngoài trường Nội trú tỉnh và trường PTTH Mường Bú (Mường La) đứa nào cũng chăm ngoan học giỏi. Nhìn những tấm giấy khen thành tích học tập được treo dày trên tường nhà, chúng tôi thầm nghĩ hẳn những mong ước của chị sẽ sớm thành hiện thực “Mình học làm kinh tế cũng là để cho gia đình bớt khổ và các con của mình được học hành đến nơi đến chốn để sau này về phục vụ cho bà con dân bản”.

Theo sonla.gov

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video