Sự cần thiết phải lồng ghép giới trong công tác giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (tiếp)

15/09/2010
Phần IV. Những tổn thất của phụ nữ trong thiên tai và thảm hoạ và thực trạng bất bình đẳng giới

Phụ nữ Việt Nam chiếm 50,5% (theo tổng điều tra dân số năm 2009) tổng dân số, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế-văn hóa- xã hội do vậy họ cũng chịu tác động và ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu như nam giới. Tuy nhiên những tác động và ảnh hưởng này đối với phụ nữ khác với nam giới như thế nào? ở mức độ nào và tại sao lại đặt trọng tâm vào phụ nữ? Đều là những câu hỏi lớn mà tài liệu định hướng này có thể đưa ra được phần nào những giải đáp cho người đọc.

Theo đánh giá của ngân hàng thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.[1] Trong thập kỷ từ năm 1991 đến 2000, ước tính chính thức có 8.000 người đã thiệt mạng do bão lũ, lụt lội và lở đất. Thiệt hại về mặt kinh tế lên tới gần 3 tỷ đô la Mỹ.[2] Theo Báo cáo theo dõi toàn cầu năm 2008 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam xếp thứ 8 trong số 10 quốc gia chịu tổn thương cao nhất ở Đông Á do các tác động của thời tiết cực đoan. Một con số đáng chú ý là 70% dân số Việt Nam sống tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các thiên tai liên quan đến nước.[3] Trong số đó đa phần phụ nữ và nam giới nghèo lại thường sống ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ lụt và rất ít người trong số họ được sống trong các ngôi nhà kiên cố và vững chắc. Tác động của lũ lụt, bão, hoặc hạn hán ảnh hưởng lớn hơn đối với người nghèo vì họ có ít nguồn lực để phục hồi. Không có khả năng trả nợ hoặc vay nợ mới vì sự gia tăng giá cả thực phẩm, và bệnh tật do các dịch bệnh có nguồn gốc từ nước.[4] Trong số người nghèo thì tỉ lệ phụ nữ nghèo lớn hơn so với nam giới (không có số liệu ....)chiếm tới …..%. Chính vì vậy, thiên tai và biến đổi khí hậu là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu qua các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan diễn ra trong những năm gần đây tác động mạnh mẽ tới phụ nữ nhiều hơn tới nam giới ở các nước phát triển và đang phát triển. Đặc biệt, ở những nước đang phát triển, phụ nữ sống trong đói nghèo chịu gánh nặng lớn hơn do hậu quả của thiên tai và biến đối khí hậu bởi họ sống chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khiến cho gánh nặng công việc gia đình gia tăng. Ở một số nơi trên thế giới, thiên tai và biến đổi khí hậu khiến các nguồn lực cạn kiệt nên nam giới buộc phải di cư xa quê tìm việc làm để lại phụ nữ lo gánh nặng chăm sóc gia đình và công việc đồng áng.

Theo báo cáo của Oxfam (3/2005) thảm hoạ sóng thần ở Châu Á năm 2004 cho thấy trong số những người chết ở làng Aceh, Inđônêxia thì có tới75% là phụ nữ. Năm 1991 thảm hoạ lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của 140,000 người dân Băngladesh trong đó có tới 90% là phụ nữ và trẻ em gái.

 

Một nghiên cứu trong 141 quốc gia cũng cho thấy nhiều phụ nữ là nạn nhân của thảm hoạ hơn là nam giới. Trong đợt nắng nóng kéo dài tại Châu Âu năm 2003 ở Pháp đã có 20,000 người chết mà chủ yếu là phụ nữ cao tuổi[1].

Nhiều nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng phụ nữ thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ thiên tai và biến đổi khí hậu so với nam giới. Những tác động khác nhau đó không hoàn toàn do sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam và nữ, mà chính là do tình trạng dễ bị tổn thương mang tính xã hội bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử nam nữ. Một vài nghiên cứu quốc tế đã cho thấy phụ nữ có tỉ lệ tử vong do thiên tai và thảm hoạ nhiều hơn nam giới và nguyên nhân là do sự khác nhau về tính dễ bị tổn thương giữa phụ nữ và nam giới mà đó là kết quả của các vai trò giới do xã hội quy định.

Cho đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có một vài nghiên cứu cụ thể với quy mô nhỏ về giới trong việc xác định tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của nam và nữ, như Báo cáo thảo luận chính sách: Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Các cơ hội cải thiện bình đẳng giới, của Tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam và Oxfam tháng 12/2009 đã uỷ thác hoạt động nghiên cứu đánh giá giới và biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đánh giá này cho thấy: “Những tác động của biến đổi khí hậu là khác nhau, vì các khả năng dễ bị tổn thương khác nhau. Người nghèo, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và trên thực tế biến đổi khí hậu có thể làm tồi tệ thêm những bất bình đẳng giới, tạo thêm gánh nặng công việc cho phụ nữ, cũng như tăng thêm khả năng dễ bị tổn thương của phụ nữ ở các hộ gia đình nghèo”.[5]

Có những thiên tai/thảm họa không hoàn toàn do biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nguyên nhân chính xuất phát từ những nhận thức sai, quy hoạch sai và hành động gây tổn hại đến môi trường, của con người bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ trai, trẻ gái. Mọi người cần nhận thức rõ rằng con người tác động gây thảm họa và làm biến đổi khí hậu rất nhiều, ngay cả tình trạng dễ bị tổn thương của nam và nữ cũng chính là do con người tạo nên và đó là điều mà chúng ta có thể tác động được qua chính sách, qua các chương trình ứng phó với thiên tai/thảm hoạ theo các giai đoạn trước, trong và sau thiên tai/ thảm hoạ. Thực tế hiện nay cho thấy, phụ nữ có kiến thức, năng lực trong lĩnh vực thiên tai và biến đổi khí hậu hạn chế hơn rất nhiều so với nam giới, bên cạnh đó với vai trò giới truyền thống trong gia đình và ngoài xã hội nên phụ nữ thường dễ gặp bất lợi hơn so với nam giới khi thiên tai xẩy ra. Chính vì vậy cần có chương trình nâng cao hiểu biết của người dân đặc biệt là của phụ nữ về thiên tai và biến đổi khí hậu, và hơn thế nữa, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, cần phải xây dựng nền công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Trong quá trình tìm hiểu các nguyên nhân và ảnh hưởng của thiên tai và biến đối khí hậu đối với phụ nữ và nam giới ở Việt Nam, các thông tin cho thấy số liệu thiệt hại và các số liệu liên quan có tách biệt cho nam và nữ rất hạn chế, cũng như vậy các thông tin liên quan đến giới trong các hoạt động ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng vô cùng hiếm hoi. Đây là một khoảng trống quan trọng trong quá trình thu thập và sử lý thông tin. Nếu không có những số liệu thống kế có tách biệt giới tính và không có sự quan tâm tìm hiểu những nhu cầu khác nhau giữa phụ nữ và nam giới trong các hoạt động điều tra, nghiên cứu trong lĩnh vực thiên tai và biến đổi khí hậu thì khó có thể có được một kế hoạch lồng ghép giới hiệu quả.

Một số bật cập khác đó là phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định và các vị trí lãnh đạo quản lý trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu rất ít ở các cấp còn rất ít, chủ yếu phụ nữ vẫn chiếm đa số ở khâu thực hiện các hoạt động khi thiên tai xẩy ra, trong khi đó với những đại diện ít ỏi ở cấp ra chính sách nên những nhu cầu của phụ nữ chưa được phản ánh và giải quyết ở cấp độ này. Các cán bộ làm công tác này không có đầy đủ hiểu biết và kiến thức về các mối liên hệ giữa bình đẳng giới với thiên tai, biến đổi khí hậu, họ thiếu năng lực phân tích giới và lồng ghép giới và nhất là việc thiếu các số liệu và thông tin có tách biệt giới là những cản trở trong quá trình hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các chương trình có hiệu quả ở dưới địa phương, cho dù chúng ta có các khung lập pháp và chính sách để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Công trình Nghiên cứu đánh giá về giới và biến đổi khí hậu của LHQ cũng kết luận là toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước không được trang bị tốt để tham vấn cả nam và nữ ở các cấp khác nhau trong xây dựng chính sách.[6]

Với nhận thức về sự khác biệt trong vai trò và các nhu cầu của phụ nữ và nam giới trong các hoạt động phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, các cán bộ làm công tác phòng chống bão lụt và quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu có thể biết cách lên kế hoạch ứng phó phù hợp với vai trò, khả năng và nhu cầu của phụ nữ và nam giới, giảm nhẹ được tính dễ bị tổn thương của từng giới, trên cơ sở đó có thể xây dựng được một kế hoạch giảm nhẹ rủi ro hiệu quả cho cả nam và nữ, tận dụng được nguồn lực tại chỗ, tiết kiệm được nguồn lực của Nhà nước và địa phương.

Nếu các chính phủ, các nhà lập kế hoạch, các cán bộ ở mọi cấp mọi ngành có được nhận thức đầy đủ về vai trò của phụ nữ và nam giới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, những tương tác của từng giới tới môi trường sống thì việc lập kế hoạch để giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu sẽ mang lại những hiệu quả tích cực hơn và các nguồn lực được sử dụng cho việc ứng phó và giải quyết hậu quả của thảm họa sẽ mang tính kinh tế hơn. Hơn thế nữa, những thiệt hại sau thảm họa đối với phụ nữ sẽ giảm đi hoặc sẽ có một kịch bản tích cực hơn.

(Tiếp Phần V. Vấn đề giới trong quản lý rủi ro thiên tai/thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu)


[1] Bộ tài nguyên môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, 12/2007

[2] Peter Chaudhry và Greet Ruysschaert, Climate change and Human Development in Vietnam- Biến đổi khí hậu và phát triển con người ở Việt Nam, UNDP, 2007.

[3] Nguyễn Hữu Ninh, Flooding in Mekong River Delta, Vietnam, UNDP, 2007.

[4] Oxfam quốc tế, Việt Nam, biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo, 2008

[5] Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam,: Các cơ hội cải thiện bình đẳng giới, UNDP-Oxfam, 12/2009, p15

[6] ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, cơ hội cải thiện bình đẳng giới, UNDP-Oxfam, 12/2009, p30

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video