Sức mạnh của người góa phụ trẻ

08/08/2008
Mới 30 tuổi nhưng chị Võ Thị Huế, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Dong, huyện Cư Jut tỉnh Đăk Nông, phải chịu nỗi đau mất chồng, một mình nuôi con nhỏ bị bại não. Tuy nhiên những bất hạnh đó không ngăn được khát vọng sống trong chị…

Năm 2003, cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa Đại học Y Tây Nguyên trong tay, chị Võ Thị Huế trở về công tác tại Trạm Y tế xã với mong muốn được phục vụ quê hương. Là một bác sĩ giỏi chuyên môn lại hăng hái trong mọi hoạt động của Công đoàn, chỉ một năm sau chị đã được kết nạp Đảng và trở thành Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Dong. Từ ngày chị Huế làm Trạm trưởng, Trạm Y tế luôn được giấy khen của huyện, có năm còn được bằng khen của Sở y tế tỉnh Đăk Nông. Người dân Nam Dong an tâm hơn khi trong xã đã có một bác sĩ đa khoa hết lòng với bệnh nhân.

Nhưng ít ai biết được những bất hạnh mà chị phải trải qua. Sau khi lập gia đình, năm 2004 vợ chồng chị sinh được một bé trai khôi ngô. Hạnh phúc trọn vẹn không đến với người mẹ trẻ khi đứa con đầu lòng sinh ra đã bị bại não. Không biết bú mẹ, cháu Nguyễn Hoàng Giáp chỉ có thể nằm một chỗ, chân tay gồng lên, mắt nhìn ngơ ngác, không có những phản xạ như những đứa trẻ bình thường khác. Đau khổ nhưng vợ chồng chị không nản lòng, quyết tâm chạy chữa cho cháu. Hai vợ chồng không quản xa xôi cách trở, chạy vạy khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc để trị bệnh cho con. Năm 2005, vợ chồng chị đưa cháu ra Viện Châm cứu Trung ương chữa trị, thấy bệnh đỡ đi nhiều. Các bác sĩ khuyên mỗi năm phải đến châm 3-4 lần nhưng đôi vợ chồng trẻ với mức lương công chức không thể làm được điều ấy.

Bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Đầu năm 2008, chồng chị Huế phát hiện mình bị ung thư hạch phải về Sài Gòn điều trị. Chị phải để con cho bà nội, bà ngoại chăm nuôi, một mình xuống Sài Gòn chăm sóc chồng. Những ngày tháng 5, tháng 6 chị chạy ngược chạy xuôi, khi ở Đăk Nông với con, khi ở thành phố Hồ Chí Minh chăm chồng. Có những hôm cháu khóc nhớ mẹ, lên cơn động kinh, chị Huế đành bỏ chồng ở lại bệnh viện về với con. Cũng một lần về Đăk Nông như thế, vừa ở bên con được 2 hôm thì nghe tin bệnh tình của chồng nặng hơn. Chị lại tức tốc xuống Sài Gòn. Ngày anh mất cũng là ngày cháu lên cơn động kinh nặng phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tưởng như không thể chịu đựng nỗi đau này, chị Huế muốn gục ngã. Nhưng rồi nghĩ đến con, chị lại tự động viên mình phải gượng dậy, cố gắng nuôi con và chữa bệnh cho con.

Vượt lên nỗi đau vì sự mất mát quá lớn, sau tang lễ của chồng một tuần, chị Huế tham gia khóa học hồi sức cấp cứu của Dự án Tây Nguyên tại Hà Nội với tâm nguyện: “Đi học đợt này không chỉ là cơ hội nâng cao chuyên môn mà còn là dịp được đưa con ra Hà Nội chữa bệnh”. Ba mẹ con bà cháu chị được Trung uơng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tạo điều kiện sống trong một căn phòng nhỏ của kí túc xá Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương. Hàng ngày chị Huế vẫn cùng mẹ đưa con trai đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương chữa bệnh cho con và lại tất tả đến trường học tập…

Dẫu phải chịu bao nhiêu thử thách của cuộc đời nhưng chị Huế vẫn không ngừng ước mơ. Chị mong được học chuyên khoa châm cứu để không chỉ tự chữa bệnh cho con mà còn chữa bệnh cho người dân ở quê hương mình. Trò chuyện với người phụ nữ kiên cường như mảnh đất Tây Nguyên quê hương chị, tôi thấy trong đôi mắt của người mẹ trẻ bừng lên một nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.

Phan Thanh Phương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video