Suy nghĩ về chế độ hưu trí đối với lao động nữ từ một bức thư

18/06/2012
Có quá trình công tác 25 năm liên tục nhưng khi về hưu ở tuổi 55 lại không được hưởng chế độ hưu trí. Đó là một thực trạng mà chúng ta cần suy nghĩ về chế độ hưu trí đối với lao động nữ.

Trong những ngày kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), bức thư của chị Đinh Thị Minh Châu, nguyên Chủ tịch Hội LHPN quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đăng trên báo Lao động với tiêu đề “25 năm cống hiến - trắng tay” đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của đông đảo bạn đọc.

Chị tham gia bắt đầu từ năm công tác tại phường từ năm 1986, đến năm 1994 mới được hưởng chế độ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm 1996, công tác tại Hội LHPN quận Hai Bà Trưng, chị tham gia đóng bảo hiểm xã hội liên tục cho đến năm 2011 (đủ 55 tuổi). Đến thời điểm nghỉ hưu, chị có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm 4 tháng. Như vậy, mặc dù đủ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) theo quy định của Luật Lao động nhưng chị Châu chưa đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội (đủ 20 năm), nên không được hưởng chế độ hưu trí. Như vậy, rõ ràng điều kiện tuổi nghỉ hưu không quan trọng bằng điều kiện có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Điều đáng nói là lâu nay khi bàn về vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 tuổi, thấp hơn nam giới 5 tuổi vẫn có một số ý kiến cho rằng đó là sự ưu tiên đối với phụ nữ. Điều đó đúng một phần, phù hợp với một bộ phận lao động nữ và với điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Nhưng theo logic thì tuổi nghỉ hưu và năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội có mối liên quan mật thiết với nhau, nếu tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 năm thì số năm đóng bảo hiểm xã hội cũng phải thấp hơn tương đương như thế. Quay lại trường hợp của chị Châu, giả thiết chị Châu là nam giới thì sẽ không phải chịu thiệt thòi quá lớn như hiện nay. Đơn giản vì tuổi nghỉ hưu của nam giới là 60, với thời gian đó, chị Châu sẽ có thêm 5 năm đóng bảo hiểm xã hội, như vậy đến thời điểm nghỉ hưu chị có 21 năm 4 tháng, thừa điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng mà không phải đòng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Một vài vấn đề đặt ra trên đây cho thấy việc quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 tuổi chưa thực sự là ưu tiên cho phụ nữ như một số người vẫn nghĩ. Đặc biệt với cán bộ nữ có thời gian dài làm việc tại cơ sở như trường hợp của chị chị Đinh Thị Minh Châu.

Từ trường hợp của chị Đinh Thị Minh Châu, Hội LHPN Việt Nam đề nghị, nếu Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 3 thì các cơ quan chức năng cần quan tâm tham mưu cho Chính phủ có hướng dẫn thực hiện Khoản 3, Điều 189 của dự thảo phù hợp điều kiện thực tế, có tính đến các trường hợp đặc biệt, đảm bảo quyền lợi phụ nữ bởi trường hợp của chị Châu không phải là duy nhất.

T.Hòa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video