Tái hiện sinh động Di sản văn hóa Việt Nam trên thiết kế Áo dài độc đáo

29/06/2020
Tối 28/6/2020, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám- Di tích đặc biệt của Quốc gia, chương trình “Áo Dài - Di sản văn hóa Việt Nam” đã diễn ra hoành tráng với hơn 1.000 mẫu áo dài từ 21 bộ sưu tập của 21 nhà thiết kế trong nước, mang đến cho công chúng những màn trình diễn tuyệt đẹp, mãn nhãn, góp phần lan tỏa sâu rộng lòng tự hào, tình yêu với tà Áo dài Việt Nam, tôn vinh lên vóc dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà thiết kế, các người mẫu tham gia chương trình

Chương trình do Hội LHPN Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu, khán giả công chúng, du khách nước ngoài có mặt tại Hà Nội.

Phu nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trần Thị Nguyệt Thu (thứ 5 trái ảnh qua), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ hai trái ảnh qua) chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và đại biểu tham dự Chương trình

Phát biểu khai mạc Chương trình, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, được tổ chức đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chương trình “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” đặc biệt có ý nghĩa khi góp phần tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của Áo dài Việt Nam trong gia đình và xã hội; khơi dậy, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam bởi từ xưa đến nay, Áo dài luôn là trang phục trang trọng, lịch lãm, ẩn chứa giá trị văn hóa và triết lý sống của người Việt.

Chủ tịch Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Chương trình

Với phụ nữ Việt Nam, Áo dài còn là trang phục tôn lên vẻ đẹp, sự thanh lịch duyên dáng của người phụ nữ, để lại những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Áo dài trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca, âm nhạc, mỹ thuật và thực sự đã trở thành những “di sản” có sức mạnh bền bỉ để trường tồn qua bao biến thiên của lịch sử.

Chủ tịch Hội nhấn mạnh, chuỗi sự kiện Áo dài Việt Nam được Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong năm 2020 với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa đã và sẽ diễn ra sôi nổi khắp các tỉnh/thành trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, tháng 10 năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (tháng 10/1930- tháng 10/2020) sẽ diễn ra các hoạt động cao điểm quy mô và đặc sắc để tôn vinh Áo dài Việt Nam. Qua đó, Hội mong muốn được góp sức để đưa giá trị của Áo dài vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản văn hóa thế giới.

Tiết mục trình diễn bộ sưu tập Di sản Hoàng Thành Thăng Long

Sự kiện trình diễn “Áo dài- Di sản văn hóa Việt Nam” được dàn dựng xoay quanh câu chuyện về 20 di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Thông qua những sáng tạo nghệ thuật, các Nhà thiết kế đầy tâm huyết góp phần định danh, định vị Áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Với các đường nét, họa tiết, màu sắc sinh động và ấn tượng, các di sản nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Dân ca quan họ Bắc Ninh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…. được tái hiện sống động và đầy sáng tạo trên các bộ sưu tập của 21 nhà thiết kế đến từ mọi miền Tổ quốc. 

Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang (thứ 4 trái ảnh qua) tham gia trình diễn Bộ sưu tập Đờn ca tài tử Nam Bộ của nhà thiết kế Minh Hạnh

Trên nền nhạc khúc ca truyền thống của các di sản, 60 người mẫu chuyên nghiệp, 100 sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam, 50 trẻ em, người nước ngoài sống tại Hà Nội là Phu nhân các Đại sứ, các biên tập viên Khánh Trang, Thu Hà VTV1 và đặc biệt có sự tham gia của các Nghệ sĩ Nhân dân: Thanh Tú, Thanh Loan, Lan Hương và Trà Giang diện các tà Áo dài Việt Nam tha thướt đã mang tới một sức sống mới cho di sản văn hóa Việt Nam, truyền đi cảm hứng, giá trị nhân văn về tình yêu và lòng tự hào đối với đất nước, con người và áo dài Việt Nam.

Bộ sưu tập Cao nguyên đá Đồng Văn

Sự kiện đã góp phần truyền tải đi thông điệp sâu sắc về Áo Dài Việt Nam, một trang phục truyền thống đã tồn tại từ bao đời nay, ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm thiêng liêng của người dân Việt, không bao giờ nhầm lẫn với bất kỳ một trang phục nào khác trên thế giới.

Bộ sưu tập Bài Chòi của nhà thiết kế Cao Minh Tiến

 

Chia sẻ của các Nhà thiết kế:

NTK Cao Minh Tiến: Tôi muốn mang đến một cái nhìn mới cho Áo Dài bằng quan điểm của những người trẻ sống trong thời đại 4.0. Bài Chòi là một di sản độc đáo và thông qua chiếc áo dài với phong cách trẻ trung phóng khoáng mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống.

NTK Nhi Hoàng: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long là nơi mà lúc còn bé tôi thường được bố mẹ đưa đến và nhìn thấy kiến trúc rất “ngộ”, đến khi lớn lên những ấn tượng thời thơ ấu cho tôi niềm tự hào. Rất may, trong lần này tôi được chọn đúng ý tưởng di sản Hoàng thành Thăng Long, tôi mong muốn diễn đạt vẻ đẹp này qua lăng kính của một công dân trẻ của thủ đô.

NTK Trần Thiện Khánh: Tín ngưỡng thờ Mẫu là ý tưởng thiêng liêng mà tôi tâm đắc nhất. Mất hơn 5 tháng, tôi và các cộng sự miệt mài thiết kế, thêu hoa văn… cũng may là tôi đã có nhiều thời gian hơn để thực hiện khi cả nước chung tay chống đại dịch Covid -19.

NTK Công Huân: Đây là một trải nghiệm rất thú vị để tôi có thể khám khá về di sản Hát Xoan. Tôi rất thích hình ảnh những cô bé nhỏ hát Xoan trong bộ áo dài màu đỏ gụ và chiếc khăn mỏ quạ rất đáng yêu và những lời thơ ý nhạc rất mộc mạc, sâu sắc.

NTK Minh Hạnh: Với tôi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có vẻ đẹp cổ kính và quan trọng đó chính là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Áo Dài xuất hiện tại Văn Miếu cũng chính là gắn lịch sử cùng giá trị di sản vào chiếc Áo Dài, tất cả yếu tố này mang hàm ý giáo dục cho thế hệ trẻ. Với mục đích và mong muốn Áo Dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm lựa chọn số một của tôi.

Chúng tôi đang viết tiếp những trang sử về con đường Tơ Lụa Việt Nam thông qua chiếc Áo Dài. Những đóng góp của các NTK cho chiến dịch Áo Dài ngày hôm nay chính là định danh, định vị cho Áo Dài bằng cơ sở khoa học chứ không phải bằng cảm tính, bằng tình yêu nồng nhiệt vốn có của chúng ta mà quên mất danh vị của Áo dài.

Với thời đại này, nếu không có cơ sở khoa học giúp chúng ta bảo vệ những di sản thì có thể giá trị này sẽ mất đi một cách “rất tự nhiên”.

Một số hình ảnh tại đêm trình diễn:

Bộ sưu tập Thờ cúng Hùng Vương

Bộ sưu tập Dân ca ví dặm 

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam góp phần quan trọng vào thành công của Chương trình

Bộ sưu tập Hội Gióng Phù Đổng

Bộ sưu tập Quan họ Bắc Ninh

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video