Tại LHQ, phụ nữ tập hợp lại để bảo vệ những tiến bộ đạt được tại hội nghị Bắc Kinh

20/10/2005
Kiểm điểm 10 năm Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ năm 1995 đã cho thấy một kết quả pha trộn giữa những kết quả và tồn tại trong việc thực hiện quyền của phụ nữ trên khắp thế giới và sự tham gia đông đảo của các tổ chức Phi Chính phủ

Trong 2 tuần vào tháng 3/2005, hàng ngàn phụ nữ từ các tổ chức cơ sở trên khắp thế giới đã tụ hợp tại, mang theo sự đa dạng sắc màu gợi nhớ lại không khí náo nhiệt tại Hội nghị của LHQ được tổ chức cách đây 10 năm tại Bắc Kinh.

 

Trong các bộ đồ sari sặc sỡ của Ấn Độ, các bộ váy in màu tương sáng của châu Phi, và các khăn choàng khiêm nhường của Hồi giáo, phụ nữ đã sốt sắng tập trung tại các phòng họp ở tầng trệt và Hội trường lớn ở tầng trên để đảm bảo rằng các chính phủ sẽ không hạ thấp bất cứ một quyền hạn nào phải khó khăn lắm mới đạt được hay một đặc quyền nào đã được cam kết tại Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ. Và họ đã thành công với Bản Tuyên bố của Uỷ ban Địa vị PN khẳng định lại một cách rõ ràng những cam kết tại Hội nghị Bắc Kinh, kết nối những cam kết Bắc Kinh với các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, và cam kết sẽ hành động hơn nữa đề thực hiện đẩy đủ những cam kết trên.

 

Trong quá trình diễn ra Phiên họp 49 từ 28/2-11/3/2005, Uỷ ban Địa vị phụ nữ đã thông qua 10 nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa địa vị phụ nữ. Trong những nghị quyết đó, có các văn bản về việc bổ nhiệm báo cáo viên đặc biệt về phân biệt đối xử đối với phụ nữ, về buôn bán phụ nữ, và về tầm quan trọng của quan điểm giới trong mối liên quan đến trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

 

Phiên họp 49 đã kiểm điểm lại thành công của các Chính phủ trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Trong tuần đầu tiên của Phiên họp có 95 vị đại diện của các chính phủ đã phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao về những kết quả đạt được. Nhưng cũng có nhiều chính phủ thẳng thắn nói về những thiếu sót, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Trao quyền cho Phụ nữ của Indonesia nói: “Mặc dù đã đạt được những thành tựu trong thực hiện Cương lĩnh, chúng tôi cũng xác định được những khoảng cách và thách thức cũng như sự tham gia không cân xứng của phụ nữ nghèo, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS cao trong phụ nữ, sự tham gia còn ít của phụ nữ vào việc ra quyết định ở mọi cấp, bạo lực đối với phụ nữ tiếp tục gia tăng, trong đó có cả buôn bán phụ nữ và trẻ em, khuôn mẫu giới và thiếu số liệu phân tách theo giới tính và số liệu thống kê về giới”. Trung tâm của các cuộc thảo luận là Báo cáo của Tổng thư ký LHQ trình lên Uỷ ban về tổng quan những tiến bộ đạt được và những việc chưa làm được trong quá trình thực hiện các mục tiêu của Bắc Kinh. Về mặt tích cực, báo cáo nêu Bắc Kinh đã thúc đẩy thay đổi lớn trên toàn thế giới về sự nhìn nhận đối với các quyền cuả phụ nữ “Trong 10 năm qua, địa vị và vai trò của phụ nữ đã có những thay đổi quan trọng trên phạm vị toàn cầu mặc dù không đồng đều ở các khu vực”. Báo cáo cũng nhận định các số liệu thống kê đã cho thấy những cải thiện về số lượng trẻ em gái đến trường, phụ nữ đói nghèo, sức khoẻ của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, báo cáo cũng bổ sung “Vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tế về thúc đẩy bình đẳng giới”.

 

Những xu hướng tích cực được nêu chi tiết trong Báo cáo bao gồm việc nhấn mạnh vào quyền của phụ nữ là quyền con người, cam kết mạnh hơn từ các chính phủ đối với việc lồng ghép giới, và việc phê duyệt các luật pháp quốc gia về xoá bỏ sự phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng giới. Nhiều chính phủ cũng lưu ý về số lượng các tổ chức và mạng lưới của phụ nữ tăng lên và vai trò quan trọng của họ cũng tăng.

 

Báo cáo của Tổng thư ký và các báo cáo khác trình bày tại Phiên họp cũng xác định một số vấn đề quan tâm mới có liên quan đến quyền và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt có rất nhiều thảo luận về tác động của HIV/AIDS đối với phụ nữ, tác động của chiến tranh và xung đột đối với phụ nữ và mọi người đều nhận thức chung rằng buôn bán phụ nữ đang nổi lên là một vấn đề quan tâm toàn cầu.

 

Một điểm đáng lưu ý là Tuyên bố của cuộc họp kiểm điểm 10 năm thực hiện cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã đưa ra mối liên kết giữa Cương lĩnh hành động và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), chỉ ra rằng việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quảcủa Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh là thiết yếu để đạt được các mục tiêu phát triển đã được quốc tế nhất trí, bao gồm cả những mục tiêu của MDGs.

 

Một kết quả khả quan của Uỷ ban tại phiên họp 49 là tất cả 191 quốc gia thành viên của LHQ đã khẳng định một lần nữa cam kết của họ đối với việc thực hiện Cương lĩnh hành động và chỉ ra rằng MDGs chỉ có thể đạt được nếu các nước thành viên dành những nỗ lực của họ cho việc nâng cao địa vị phụ nữ như phát biểu của bà Dugal, Uỷ ban NGO về địa vị phụ nữ nói “Vì chúng ta đều biết rằng mục tiêu cuối cùng của MDGs là giảm đói nghèo đến năm 1015, và rằng phụ nữ và trẻ em là những nhóm dễ bị tổn thương nhất đối với đói nghèo trên thề giới, và vậy điều quan trọng là phải nhận thấy rằng nếu các nước không tập trung xoá nghèo cho phụ nữ, họ không thể đạt được mục tiêu giảm nghèo”.

 

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Phiên họp là mức độ tham gia cao của các tổ chức phụ nữ và các tổ chức khác. Khoảng 2.700 các tổ chức PCP đã đăng ký tham gia vào cuộc họp, một con số lớn hơn gần 1000 người so với số lương NGO đăng ký tham gia Hội nghị BK+5 năm 2000 và khoảng hơn 1.700 cuộc họp thông thường khác của Uỷ Ban. Sự tham gia của hàng ngàn các nhà hoạt động về phụ nữ vào tiến trình Kiểm điểm Bắc Kinh đã có tác động tới các Chính phủ. Cụ thể là trong tuần đầu của Phiên họp, các tổ chức PCP đã có nhiều nỗ lực để thuyết phục Mỹ rút lại ngôn ngữ mà Mỹ muốn thêm vào dự thảo Tuyên bố về vấn đề nạo thai. Và các tổ chức PCP đã kêu gọi các chính phủ của họ thể hiện quan tâm đến đề nghị sửa đổi đó của Mỹ và kết quả là vào cuối tuần đó, đề nghị sửa đổi bị rút lại.

 

“Một trong những điều mà chúng ta đã thể hiện, chỉ đơn thuần bằng số lượng tham gia của chúng ta, là phong trào của phụ nữ là sống động và đang sôi động” theo như lời bà Charlotte Bunch, Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo toàn cầu của phụ nữ “Chúng ta vẫn là một lực lượng toàn cầu và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh không chỉ là một văn bản mà nó thể hiện cuộc sống, máu, mồ hôi và nước mắt của phụ nữ trên khắp thế giới”.

Lược dịch từ tạp chí “One country”

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video