Tài liệu sinh hoạt hội viên

31/08/2009
Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện chủ đề Cuộc vận động năm 2009 là Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu đối với hội viên phụ nữ, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam xây dựng Tài liệu sinh hoạt hội viên với chủ đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm với phụ nữ, gia đình và đất nước” dưới dạng hỏi- đáp và thảo luận, liên hệ thực tiễn địa phương, đơn vị, cá nhân.

Đây là nội dung quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, gắn với kỉ niệm 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành nghiêm túc chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở tổ chức cho hội viên sinh hoạt, học tập có chất lượng; đồng thời lựa chọn hình thức làm theo một cách hiệu quả.

Câuhỏi 1: Thế nào là ý thức trách nhiệm?

Trả lời:

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản dị về ý thức trách nhiệm là: “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kì to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”; đồng thời Bác cũng chỉ rõ: “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v... là không có tinh thần trách nhiệm”.

Bác đã đưa ra ví dụ: Người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau nuôi gà (có kế hoạch động viên anh em giúp). Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Theo đó, người có ý thức trách nhiệm là người luôn luôn hết lòng hết sức khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nghĩa vụ phải làm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hiểu như vậy thì bất kì ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có ý thức trách nhiệm.

Câuhỏi 2: Thế nào là người có ý thức trách nhiệm đối với phụ nữ, gia đình và đất nước?

Trả lời: Là người biết rõ và thực hiện tốt bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với phụ nữ, gia đình và đất nước; sống và làm việc tự giác, có trách nhiệm, không để ai phiền trách, nhắc nhở, phê phán.

Có ý thức trách nhiệm đối với phụ nữthể hiện ở nhận thức về vai trò, vị trí và quyền bình đẳng của phụ nữ; luôn ủng hộ, cổ vũ cho sự tiến bộ của phụ nữ; biết đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ những chị em cùng sinh hoạt trong chi tổ, thôn bản, khối phố, phường xã, cơ quan, đơn vị; mở rộng ra là trong cộng đồng, đất nước, nhất là những chị em gặp hoàn cảnh khó khăn.

Có ý thức trách nhiệm đối với gia đình thể hiện ở tình cảm yêu thương, sự tôn trọng dành cho bố mẹ, chồng con, anh chị em, họ hàng dòng tộc; biết động viên các thành viên trong gia đình cùng nhau xây dựng gia đình No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; biết cách tổ chức cuộc sống gia đình, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Có ý thức trách nhiệm đối với đất nước thể hiện ở lòng yêu quê hương đất nước; hiểu và trân trọng giá trị thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để gìn giữ, bảo vệ; thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân; luôn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng do Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể tại địa phương tổ chức; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và các Cuộc vận động lớn được phát động tại địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương và đất nước; nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu chống phá thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa của các lực lượng phản động.

Câu hỏi 3:Tại sao phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với phụ nữ, gia đình và đất nước?

Trả lời:

* Chúng ta phải nâng cao ý thức trách nhiệmđối với phụ nữ vì:

Phụ nữ có một vị trí và vai trò quan trọng đối với gia đình và xã hội. Chiếm 50,5% dân số, 50,6% lực lượng lao động xã hội, các tầng lớp phụ nữ đã và đang có những đóng góp đáng tự hào trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước. Trong gia đình, phụ nữ được xác định là “người mẹ, người thầy đầu tiên của mỗi con người”, đã sát cánh cùng nam giới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong thực tế, một bộ phận chị em có biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với bản thân và chị em phụ nữ khác:

- Thờ ơ trước những vấn đề bức xúc của phụ nữ; chưa tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Sống buông thả, thực dụng; tham gia và lôi kéo một số chị em phụ nữ vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội như: môi giới, buôn bán phụ nữ, trẻ em; mại dâm, lô đề, mê tín dị đoan...

- Thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, chưa tích cực tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động của Hội LHPN các cấp.

Thực trạng trên đã làm tổn hại giá trị, phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và làm phụ nữ bị hạn chế trên nhiều mặt, đó là: trình độ đào tạo còn thấp; tỷ lệ cán bộ nữ trong lĩnh vực quản lí Nhà nước chưa cao; cơ hội có việc làm và thu nhập thấp; tình trạng phụ nữ vi phạm pháp luật chưa có biểu hiện giảm; bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, định kiến giới còn nặng nề dẫn tới bất bình đẳng giới, gây hậu quả xấu đến thể chất, tinh thần và cản trở sự tiến bộ của phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội, làm hạn chế đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển của đất nước.

* Chúng ta phải nâng cao ý thức trách nhiệmđối với gia đình vì:

Gia đình là tổ ẩm, là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”.

Tuy nhiên, hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức:

- Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình có xu hướng lỏng lẻo dần;thiếu sự chia sẻ trách nhiệm và công việc gia đình giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái; cha mẹ do bận công việc, làm ăn nên ít quan tâm, chăm lo đến việc nuôi dạy, quản lý, giáo dục con cái.

- Còn hiện tượng tảo hôn; tình trạng ngoại tình dẫn đến ly thân, ly hôn.

- Tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình. Tình trạng bạo hành trong gia đình, tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật chưa có chiều hướng giảm (1).

Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân làm cho phụ nữ, trẻ em bị thiệt thòi; nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam bị mai một; hạn chế sự đóng góp của gia đình Việt nam vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

* Chúng ta phải nâng cao ý thức trách nhiệmđối với đất nước vì:

Mỗi người sinh ra và lớn lên đều gắn với quê hương, làng xóm, cộng đồng, rộng hơn là đất nước, là Tổ quốc. Và ai cũng hiểu rằng, nếu mất nước thì người dân sẽ bị nô lệ. Tổ quốc được độc lập, mọi người dân mới được tự do và có cơ hội để phát huy được khả năng của mình, góp sức mình để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, đồng thời sẽ được thụ hưởng thành quả chung ấy.

Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận phụ nữ đã và đang có những biểu hiện thiếu trách nhiệm đối với đất nước, cộng đồng, xã hội như:

- Chưa tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đơn vị, cộng đồng.

- Thiếu ý thức xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhẹ dạ, cả tin, bị lực lượng xấu lôi kéo, bỏ bê sản xuất, tham gia khiếu kiện đông người, gây ra một số vụ việc, một số điểm nóng có diễn biến phức tạp, kéo dài, vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, về an ninh chính trị tại một số địa phương...

- Chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, còn hiện tượng khai thác tài nguyên thiên nhiên và chặt phá rừng; chưa thực hiện nghiêm túc quy định xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất; vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh …(2)

Thực trạng trên đã dẫn tới một số hậu quả như: an ninh, trật tự an toàn xã hội tại một số địa phương chưa được bảo đảm; môi trường ngày càng ô nhiễm, đe doạ tính mạng, sức khoẻ người dân, tổn hại đến kinh tế, gây bất lợi cho công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Câu hỏi 4: Để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với phụ nữ, gia đình và đất nước, mỗi người phụ nữ cần phải làm gì ?

Trả lời:

1) Đối với phụ nữ:

- Đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau theo truyền thống “lá lành đùm lá rách”; hưởng ứng và vận động mọi người cùng hưởng ứng Cuộc vận động Ủng hộ xây, sửa mái ấm tình thương bằng những việc làm thiết thực để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn.

- Có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; biết lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và phản ánh kịp thời những khó khăn của chị em phụ nữ; không thờ ơ trước những vấn đề băn khoăn, bức xúc của phụ nữ; không xa lánh, kỳ thị những phụ nữ mắc tệ nạn xã hội, phụ nữ nhiễm HIV, ...Phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới phụ nữ và trẻ em như: buôn bán phụ nữ trẻ em; môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; hành nghề mê tín dị đoan, lô đề, ..

- Tích cực tham gia và vận động chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, thực hiện tốt phong trào thi đua ''Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; có ý thức xây dựng Chi hội và Hội LHPN cơ sở vững mạnh.

- Ủng hộ phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội, nhất là trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý của đơn vị, địa phương và đất nước.

2) Đối với gia đình:

- Phát huy trách nhiệm của các thành viên trong việc thực hiện vai trò giáo dục gia đình: Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có điều kiện gần gũi, gắn bó với nhau, biết ứng xử kính trên nhường dưới, tạo bầu không khí hòa thuận, hạnh phúc; thực hiện gia đình không có người thân mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật; đấu tranh với nạn tảo hôn và nạn bạo lực gia đình.

- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình: Cùng các thành viên trong gia đình phấn đấu đạt tiêu chuẩn gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình văn hoá; phân công công việc cho các thành viên trong gia đình phù hợp lứa tuổi, trình độ, sức khoẻ, bảo đảm bình đẳng nam- nữ;thực hành tiết kiệm trong sản xuất, trong chi tiêu hàng ngày, trong tổ chức hiếu hỉ của gia đình; thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình.

3) Đối với đất nước:

-Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước như đóng thuế, động viên con em thực hiện nghĩa vụ quân sự …

- Cảnh giác với mọi âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của các lực lượngthù địch, phản cách mạng; không để kẻ xấu và các lực lượng phản động lôi kéo, lợi dụng; không tham gia khiếu kiện đông người, đơn thư vượt cấp; không tham gia gây rối nơi công cộng.

- Tích cựctham gia Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Chủ động tìm ra cách thức làm giàu chính đáng; mạnh dạn đầu tư vốn và áp dụng khoa học kĩ thuật để tăng hiệu quả, chất lượng trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị- kinh tế- xã hội của địa phương và đất nước; tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

- Phát huy dân chủ, có ý thức phát hiện và đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, chống những hành vi trái pháp luật và trái đạo đức; bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ.

- Hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng như tham gia tổng vệ sinh các khu vực công cộng: đường làng ngõ phố, nơi cư trú, nơi làm việc, các cơ sở sản xuất và các nơi công cộng khác, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ con người;thực hiện tốt cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng”.

**

*

Học tập và thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả chủ đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm đối với phụ nữ, gia đình và đất nước” là chúng ta đang học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong việc “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân”; là phụ nữ Việt Nam đang thể hiện tình yêu thương và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác.

 Phần liên hệ

1. Liên hệ tới bản thân và những người xung quanh về việc thực hiện ý thức trách nhiệm đối với phụ nữ, gia đình và đất nước? (Có thể nêu cụ thể những việc làm được coi là có ý thức trách nhiệm, những việc làm được coi là không có ý thức trách nhiệm của bản thân và những người xung quanh)

2. Trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục làm gì để thể hiện ý thức trách nhiệm đối với phụ nữ, gia đình và đất nước?

___________

Ghi chú:

1. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, trong hai năm 2004 và 2005, số vụ ly hôn ở các thành phố lớn đã chiếm tới 30% số vụ kết hôn. Còn theo một công trình nghiên cứu xã hội học của Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (ĐHKHXH&NV Tp.HCM): tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31 - 40%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn; 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 23 - 30, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 - 7 năm và hầu hết đã có con.

Còn theo kết quả khảo sát của Thạc sỹ Thạch Thị Yến (Trung tâm Tư vấn Trẻ em - Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Tp.HCM), hơn 30% trẻ em lang thang đường phố ở Sài Gòn có cha mẹ bỏ nhau.

2. Theo điều tra mới đây của Trung tâm Tài nguyên Nước và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi): có 32,86% số xã có người dân đổ xả rác bừa bãi ven đường. Tương tự, 30,43% lượng rác không đổ ven đường nhưng đổ lộ thiên ở bất cứ đâu mà người dân thấy tiện. Chỉ có 35,71% gia đình tự xử lý rác thải.

Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video