Tài liệu về phản biện xã hội đối với chính sách, luật pháp về bình đẳng giới

08/08/2009
Phản biện xã hội đối với chính sách, luật pháp về bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN Việt Nam. Trang Web Hội xin trân trọng giới thiệu với cán bộ Hội và độc giả một số nội dung lý luận về phản biện xã hội của Hội LHPNVN.

1. Tìm hiểu khái niệm

Theo tài liệu “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, phản biện được hiểu là nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định công trình khoa học, dự án, đề án trong các lĩnh vực khác nhau.

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ, phản biện được hiểu là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu, cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.

Một số nhà khoa học thì cho rằng phản biện xã hội là nhận xét, đánh giá của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan.

Đến nay, chưa có một khái niệm nào mang tính học thuật về phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam đối với chính sách, luật pháp về bình đẳng giới. Song, trên cơ sở các văn bản của Đảng, Nhà nước, ý kiến bình luận khoa học của các nhà khoa học và thực tiễn hoạt động của các cấp Hội, có thể đưa ra một cách hiểu tương đối như sau:

Phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam đối với luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là việc Hội đưa ra những nhận xét, đánh giá có căn cứ khoa học và thực tế làm rõ bản chất nhìn từ góc độ giới của một vấn đề, một sự kiện liên quan trực tiếp đến việc quyết định một chủ trương, chính sách của Đảng và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới.

2. Cơ sở lý luận để Hội thực hiện phản biện xã hội

- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong công tác phản biện xã hội “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để MTTQVN và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội

- Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ... chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.

-Luật Bình đẳng giới:Hội có trách nhiệm thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; có trách nhiệm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật(Khoản 5, Điều 30). Quy định này được tiếp tục ghi nhận và cụ thể hoá tại Điều 16, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 của Chính phủ quy định việc tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Điều 10, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP quy định: “Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, uỷ ban nhân dân cá cấp có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp tham gia các hoạt động quản lý nhà nước về bình đẳng giới (…) Nghiên cứu, tiếp thu các phản biện xã hội của Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới”

Khoản 4, Điều 10, Nghị định số 48/2009/NĐ- CP quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: “Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm (…) thể hiện trong Tờ trình cơ quan có thẩm quyền về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; các phụ lục thong tin, số liệu về giới lien quan đến dự thảo văn bản (nếu có); báo cáo giải trình tiếp thu (…) ý kiến phản biện xã hội của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới”.

- Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Hội tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham mưu đề xuất chính sách với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện bình đẳng và phát triển (Khoản 2, Điều 2)

3. Mục đích của phản biện xã hội

Thông qua hoạt động phản biện xã hội, Hội cung cấp thêm các cơ sở, lý lẽ khoa học, khách quan để giúp cơ quan soạn thảo chính sách, luật pháp hiểu đặc điểm tự nhiên, xã hội của phụ nữ và nam giới. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo xem xét hợp lý vấn đề ưu tiên và bình đẳng của phụ nữ, nam giới trong xây dựng chính sách, pháp luật.

4. Nguyên tắc của phản biện xã hội

- Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật, cam kết quốc tế và đạo đức xã hội;

- Bảo đảm phát huy sự tham gia đóng góp của các tầng lớp phụ nữ;

- Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và trung thực;

- Phản biện xã hội phải có căn cứ khoa học và thực tiễn;

- Phản biện xã hội phải được tiếp thu và phản hồi ý kiến.

5. Phạm vi phản biện xã hội

Dự thảo chính sách, pháp luật, chương trình, dự án, đề án có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và bình đẳng giới.

6. Cách thức phản biện xã hội

- Gửi văn bản phản biện cho cơ quan soạn thảo văn bản chính sách, luật pháp và các cơ quan có thẩm quyền có liên quan;

- Tham gia các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, toạ đàm để trình bày ý kiến, quan điểm của Hội về vấn đề có liên quan đến bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ:

+ Các cuộc họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

+ Các hội nghị do cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức;

+ Các hội nghị chuyên đề của các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ xã hội; các nhà hoạt động chuyên môn có liên quan của các cơ quan, tổ chức…;

-Tổ chức đối thoại trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp khi cần thiết;

- Chất vấn các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

7. Những vấn đề Hội quan tâm khi phản biện:

-Những nội dung liên quan đến phụ nữ;

-Các chính sách dành cho người mẹ, người cha;

-Quyền và trách nhiệm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của các cơ quan, tổ chức;

-Quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam.

8. Quy trình phản biện xã hội

8.1. Xác định vấn đề phản biện

Bước 1: Nghiên cứu, phân tích việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo chính sách, pháp luật:

-Đọc dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, đánh dấu nhứng quy định có liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới và Hội;

-Phân tích, xác định vấn đề giới cần thiết phải giải quyết trong dự thảo chính sách, pháp luật để đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới;

-So sánh, đối chiếu với nội dung các quy định của dự thảo để xem vấn đề nào còn thiếu hoặc quy định chưa đúng.

Bước 2: Xác định các nội dung phản biện trong dự thảo chính sách, pháp luật:

-Vấn đề giới cần quan tâm để bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới;

-Thực tế thiết kế các quy định của dự thảo;

-Các khía cạnh khác của vấn đề giới cần được thể hiện trong dự thảo.

 

8.2.Thu thập thông tin thực tế và rà soát các văn bản có liên quan (chú ý sử dụng các kết quả của công tác giám sát)

Bước 1:Xác định các loại thông tin cần để phản biện

-Thông tin liên quan đến khoa học về giới;

-Thông tin chính sách, pháp luật hiện hành về vấn đề liên quan;

-Thông tin thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật;

-Thông tin về nhu cầu bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới;

-Thông tin về nguồn lực tài chính.

Bước 2: Tổ chức thu thập thông tin:

-Tìm kiếm thông tin có sẵn, sắp xếp, phân loại theo từng nhóm. Nguồn thông tin này thường bao gồm: các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; các báo cáo, số liệu thống kê định kỳ của địa phương, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực; kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá của các cơ qan, tổ chức… Để tìm kiếm được các thông tin này có thể bẳng cách: có văn bản đề nghị cơ quan quản lý cung cấp, tra cứu dữ liệu, tư liệu trên trang web chuyên ngành; rà soát tài liệu tại các cuộc họp, hội thảo của Bộ, ngành, uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân mà đại diện Hội là thành viên được tham gia hoặc là thành viên của các Họi đồng, các Ban Chỉ đạo…; thông qua các mối quan hệ cá nhân.

-Xây dựng Kế hoạch tổ chức thu thập thông tin thực tế. Trong Kế hoạch xác định rõ nguồn thu thập thông tin lấy từ đâu, lấy như thế nào, ai chịu trách nhiệm chính, nguồn lực thời gian và tài chính cho việc tổ chức thu thập thông tin. Kế hoạch được xây dựng gồm hai phần: nội dung và kinh phí, có thể tách thành hai kế hoạch hoặc gộp thành một tuỳ thói quen. Đối vớ kế hoạch kinh phí nên sử dụng Exell để thuận lợi khi có sự điều chỉnh; các định mức chi dựa trên quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước;

-Xây dựng Bộ công cụ thu thập thông tin. Bộ công cụ thường bao gồm: Mẫu thu thập thông tin chung; Hướng dẫn toạ đàm/hội thảo; Gợi ý nội dung phỏng vấn sâu; Bảng hỏi dành cho cá nhân có liên quan;

-Tổ chức các hoạt động thu thập thông tin: toạ đàm, hội thảo, phỏng vấn sâu, phỏng vấn bằng bảng hỏi.

Bước 3: Phân tích và xử lý thông tin

-Xử lý thông tin: Đối với những vấn đề lượng thông tin không nhiều, phiếu hỏi được thiết kế đơn giản thì cán bộ tham mưu có thể thực hiện việc xử lý thông tin bằng phương pháp thủ công mà không cần đến sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Đối với những cuộc điều tra thu thập thông tin quy mô lớn, số liệu thu thập phức tạp nhất thiết phải sử dụng phần mềm hỗ trợ SPSS để xử lý các thông tin định lượng và định tính. Để đảm bảo chất lượng thông tin được xử lý, đòi hỏi cán bộ xử lý phải được đào tạo cơ bản về chuyên môn, trường hợp cán bộ không đáp ứng được yêu cầu thì phải thuê chuyên gia xử lý.

-Phân tích, tổng hợp thông tin: Trên cơ sở kết quả xử lý thông tin thực tế và các thông tin sẵn có, cán bộ tham mưu tiến hành tổng hợp, đối chiếu, so sánh để rút ra những kếtt luận cơ bản sau khi thu thập thông tin, những kết luận được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên có lợi cho việc thực hiện phản biện sau này. Những thông tin gây bất lợi cho việc thực hiện phản biện cần hết sức thận trọng khi sử dụng để phản biện và phải tìm hiểu, kiểm định lại nguyên nhân dẫn đến những thông tin đó để có những lý lẽ giải thích thuyết phục trước cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật.

8.3.Dự thảo văn bản/ý kiến phản biện

-Nếu là văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền, thì văn bản được trình bày theo thể thức Công văn. Ngoài yếu tố thể thức văn bản theo quy định chung, nội dung cơ bản của văn bản phản biện gồm các phần sau:

+ Phần mở đầu:

1, Khẳng định cơ sở pháp lý để Hội thực hiện phản biện xã hội theo quy định tại Khoản 5, Điều 30, Luật Bình đẳng giới; Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP và Khoản 4, Điều 10, Nghị định số 48/2009/NĐ- CP.

2, Khẳng định Hội đã nghiên cứu dự thảo văn bản và thu thập những thông tin liên quan về những vấn đề đặt ra trong dự thảo.

3, Đánh giá khái quát những điểm mạnh, nhữngquy định tiến bộ của dự thảo Luật và sự đồng tình của Hội với nhiều nội dung quy định trong dự thảo

4, Khẳng định để văn bản được hoàn thiện, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Hội có thêm một số ý kiến…

+ Phần nêu nội dung phản biện:

1, Những điểm còn thiếu liên quan đến vấn đề bình đẳng giới cần được quan tâm thể hiện trong dự thảo;

2, Những điểm còn chưa chính xác, bất hợp lý, đề nghị sửa đổi hoặc thay đổi trong dự thảo chính sách, pháp luật

+ Phần nêu lên những lý lẽ, giải thích cho ý kiên phản biện:

Dựa vào các thông tin thu thập được để bình luận, lý giải cho các ý kiến phản biện theo hai nhóm lý lẽ: khoa học và thực tiễn.

+ Phần kết thúc: tóm tắt lại các đề xuất, kiến nghị

- Nếu là ý kiến phản biện của địa diện lãnh đạo Hội tại các hội nghị, hội thảo thì chuẩn bị dưới dạng các bài phát biểu nhưng về cơ bản nội dung phản biện không khác so với văn bản gửi cơ quan soạn thảo và cơ quan có thẩm quyền có liên quan.

8.4.Lấy ý kiến đóng góp (nếu thấy cần thiết)

Sau khi dự thảo văn bản phản biện được hoàn thành, nếu thấy cần thiết thì phải tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia về giới và pháp luật, các đối tượng dự kiến được thụ hưởng chính sách, pháp luật (cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ).

8.5.Hoàn thiện văn bản/ý kiến phản biện và gửi cơ quan có thẩm quyền hoặc phát biểu tại hội nghị, hội thảo

Tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh văn bản phản biện để trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt. Văn bản phản biện được gửi đến cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền có liên quan hoặc sử dụng làm bài phát biểu của đại diện Hội tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo.

8.6.Theo dõi quá trình tiếp thu/phản hồi và tiếp tục phản biện nếu thấy cần thiết.

-Theo dõi việc tiếp nhận và xem xét ý kiến phản biện của cơ quan soạn thảo bằng cách rà soát nội dung quy định của dự thảo mới với nội dung dự thả cũ xem vấn đề Hội đề xuất sửa đổi, bổ sung có được đưa vào không, ở mức độ nào;

-Theo dõi việc giải trình tiếp thu ý kiến của cơ quan soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghiên cứu những lý giải của cơ quan soạn thảo về những ý kiến phản biện của Hội không được tiếp thu hoặc chưa tiếp thu. Nếu việc lý giải chưa thoả đáng, đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin về những lý do mà cơ quan soạn thảo đã giải trình. Nếu những lý do mà cơ quan soạn thảo đưa ra cho rằng những thuyết minh của Hội chưa đủ sức thuyết phục, cần thu thập thêm thông tin để thực hiện phản biện trong trường hợp cần thiết.

-Kiến nghị việc tiếp thu ý kiến phản biện của Hội được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chính sách, pháp luật đồng thời gửi cho cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định dự thảo chính sách, pháp luật.

Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video