Tại sao có ít trẻ em gái dân tộc thiểu số học tiếp lên trung học cơ sở

01/08/2008
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng việc nâng cao năng lực cho phụ nữ là một phần thiết yếu dẫn đến sự thành công của việc phát triển kinh tế - xã hội, và một trong những cách tốt nhất để đạt được điều này là trẻ em gái cần được học tập nhiều hơn, chứ không phải chỉ được giáo dục cơ bản. Tuy nhiên, theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố ngày hôm nay, đã chỉ ra rằng trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản khi các em cố gắng học tiếp lên học trung học cơ sở

Một số khuyến nghị và chiến lược cũng được đưa ra dựa trên những phân tích sâu về những rào cản này và sau khi đã thảo luận với các em, cha mẹ và lãnh đạo địa phương.


Theo nghiên cứu này, nghèo đói chính là rào cản lớn nhất khiến các em gái dân tộc thiểu số người H’mông, Bahnar, J’rai, và Khmer không được hưởng một nền giáo dục có chất lượng. Theo ông Jesper Morch, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết “Theo nhiều cách thức khác nhau, nghèo đói tác động đến các cơ hội được đi học của trẻ em gái. Trẻ em gái có thể đã bị suy dinh dưỡng trước và ngay cả trong khi các em đi học, khi đi được đi học rồi các em lại không có đủ  tiền để mua đồ dùng học tập, quần áo và thức ăn (đặc biệt là học sinh nội trú), và các em thường bị áp lực phải bỏ học để chăm sóc cho người thân trong gia đình hay giúp đỡ cha mẹ về kinh tế.”


Nghèo đói ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ em gái theo nhiều cách. Như một ông bố ở Ia Ka đã nói “Mình chỉ lo cho cái bụng nó no thôi chứ không lo được tiền mua quần áo, tiền đi học. Nó sợ cô giáo la vì không có tiền nạp cho cô.”


Ở cấp quốc gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em ở bậc tiểu học và trung học, và sự khác biệt về thành tích học tập giữa học sinh gái và trai là rất nhỏ. Tuy nhiên những số liệu thống kê quốc gia lại chưa chỉ rõ được sự khác biệt về thành tích học tập giữa các nhóm dân tộc khác nhau ở các vùng miền khác nhau và khoảng cách giới giữa trẻ em gái và trai dân tộc thiểu số.


Bên cạnh rào cản nghèo đói, trẻ em gái dân tộc thiểu số phải đối mặt với những rào cản khác như các em phải làm việc, nhận thức chưa đầy đủ của gia đình đối với lợi ích của giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn và chất lượng dạy học thấp. Phân tích sâu về những rào cản này đã cho thấy có nhiều yếu tố tiềm ẩn như việc ít sử dụng tiếng mẹ đẻ trong dạy học, phương pháp giảng dạy thiếu sự phù hợp với trẻ em gái dân tộc thiểu số.
 
Bà Vibeke Jensen, Đại diện UNESCO tại Việt Nam nói: “chỉ một cách thức tiếp cận đơn lẻ không đủ để có một nền giáo dục có chất lượng cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.  Để có được một nền giáo dục có chất lượng cho cộng đồng này đòi hỏi chúng ta phải có nhiều cách thức tiếp cận phù hợp với từng bối cảnh cụ thể.  Điều này cần phải được nêu bật trong chiến lược giáo dục quốc gia.”


Chính phủ Việt Nam thừa nhận là mặc dù đã  có nhiều nỗ lực nhưng một số bộ phận xã hội còn thiệt thòi và đây là một thách thức lớn cho việc hoàn thành mục tiêu giáo dục của Chính phủ.


Bà Bùi Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết “Nghiên cứu này đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn những rào cản khiến trẻ em dân tộc thiểu số không thể tiếp tục học lên trung học cơ sở. Nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả dựa trên những kinh nghiệm của đồng bào dân tộc thiểu số”.


Nhằm khắc phục những thách thức này, các địa phương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của trẻ em gái ở các trường trung học cơ sở.  Các giải pháp khác nhau được đưa ra cho các nhóm dân tộc khác nhau, tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu bao gồm hỗ trợ các hộ gia đình những chi phí trực tiếp cho giáo dục, hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, điều chỉnh chương trình và tài liệu, giáo dục song ngữ, giáo dục về giới, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường và tạo ra môi trường học tập an toàn và thân thiện với trẻ em.


Đối với cộng đồng, báo cáo đề xuất vận động sự ủng hộ của cộng đồng cho việc trẻ em gái đi học, thành lập các câu lạc bộ cho cha mẹ và trẻ em gái, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, và giúp địa phương phát triển kinh tế, thành lập các dự án tín dụng nhỏ, hỗ trợ dạy nghề, hỗ trợ tài chính cho trẻ em gái và gia đình.


Trong lời nói đầu của bản báo cáo, Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã nói:“Chúng tôi hy vọng rằng kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xác định được những giải pháp thực tế và đưa ra được những khuyến nghị cụ thể để giúp trẻ em gái người dân tộc thiểu số đi học nhiều hơn, học hết bậc Tiểu học và tiếp tục học lên Trung học cơ sở cũng như ở các cấp học cao.”

Theo GĐ & XH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video