Tấm lòng cao thượng của một người mẹ

24/12/2008
Suốt 15 năm qua, chị tần tảo nuôi đứa bé bị nhiễm chất độc màu da cam Dioxin của một người bạn. Để rồi, chị đã hy sinh tất cả hạnh phúc riêng của mình chăm lo cho đứa bé mà chị nhận nuôi hộ.

Trong ngôi nhà nhỏ của chị Trần Thị Thu Trang, ấp 4, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, ngày đêm vẫn tràn ngập niềm hạnh phúc và tình thương cao thượng. Những tiếng cười đùa, hay giọng nói thân thương “con ơi” được chị Trang giành cho một đứa trẻ nhận làm con nuôi.

Chị Trang kể lại câu chuyện khi nhận đứa con của người bạn về nuôi hộ: “Vào cuối tháng 8/1993, khi tôi 24 tuổi,  có người bạn bế một đứa con mới được 2 tháng tuổi tới nhà nhờ tôi nuôi giúp. Người bạn nói vì gia đình khó khăn nên không nuôi nổi, nhờ tôi chăm sóc hộ rồi một thời gian sau sẽ quay lại đón. Thấy thương nên nhận nuôi, nghĩ sau bạn sẽ đón con để mình còn phải đi lấy chồng. Khi nhận đứa bé về nuôi thì chưa có giấy chứng sinh, chưa có tên nên làm giấy khai sinh và đặt tên là Trần Hoài Ân”.

Khi Hoài Ân được 5 tháng tuổi thì chị Trang phát hiện chân tay bé phát triển không bình thường. Lúc đầu, chị Trang không biết bệnh của Ân nên đưa đi bác sĩ để chữa trị nhiều nơi nhưng không thấy khỏi. Thời gian sau, chị mới biết là Ân bị nhiễm chất độc màu da cam không thể chữa được. Từ khi biết con bị bệnh, chị Trang không hề hờn trách mình mà ngược lại càng yêu thương Ân hơn.

Ngày tháng cứ trôi đi, chị cũng đã biết rằng người mẹ đẻ của Ân cũng sẽ không quay trở về nữa. Thời gian đó, nhiều người đã đến hỏi để xin cưới chị làm vợ nhưng rồi đều không thành công vì có một điều kiện: Muốn lấy chị thì phải cho mang theo Ân để chăm sóc đến cuối đời. Mà lúc đó bệnh của bé Ân ngày một nặng thêm. Điều kiện mà chị đưa ra đối với nhiều người thật khó chấp nhận.

Đã nhiều năm rồi, chị coi Ân là con đẻ của mình nên trong lòng luôn cảm thấy có một gia đình hạnh phúc. Tình thương của chị Trang đối với con quá lớn, đã lấn át mọi thứ, kể cả hạnh phúc riêng của cuộc đời mình. Chị không muốn rời xa một đứa trẻ tội nghiệp như Ân. “Cuộc đời của nó khi mới sinh ra đã bị mẹ bỏ rơi rồi, khi lớn lên thì lại không được hưởng cuộc sống như những đứa trẻ khác. Tôi không bao giờ muốn xa nó”, chị Trang tâm sự.

Chị Trang quyết định chọn nghề may tại nhà để tiện cho việc chăm sóc con. Bệnh của Ân ngày càng nặng hơn, không kiểm soát được bản thân, ăn xong nằm co quắp một chỗ nên việc vệ sinh rất vất vả. Nhất là khi Ân lên cơn co giật là phải có người khỏe để cho uống thuốc. Mẹ của chị Trang năm nay đã gần 60 tuổi nên không thể làm công việc vệ sinh vì Ân đã lớn.

Không chỉ có mình chị Trang chăm lo cho Ân, mà em chị là Trần Hải Minh năm nay cũng đã 35 tuổi chưa lập gia đình riêng vì lý do còn lo cho cháu Hoài Ân. Anh Minh tâm sự: “Bây giờ nhà vẫn còn khó khăn, nếu lấy vợ rồi ra ở riêng thì có một mình chị Trang không thể chăm sóc được, còn mẹ già nữa. Bây giờ lo cho Ân trước, khi nào ổn định thì mới nghĩ tới chuyện lấy vợ”.

Chị Trang đã bước sang tuổi 40, có nhiều vết nhăn hằn sâu trên khuôn mặt do cuộc sống vất vả đem lại nhưng vẫn luôn nở nụ cười trên môi. Chị không còn lo đến hạnh phúc riêng tư của mình nữa mà tập chung tất cả cho đứa con nuôi. Chị nói trên đôi môi cười tươi: “Tuổi của chị bây giờ chẳng còn ai dám hỏi cưới nữa, nhưng mình luôn thấy hạnh phúc khi sống cùng con dưới một mái nhà. Đây là niềm vui lớn nhất mà có thể là cái duyên của con người”.

Được biết, gia đình chị Trang thuộc hộ nghèo của xã, hoàn cảnh rất khó khăn, tất cả trông vào tiền làm thuê hàng ngày của anh Minh. Hàng tháng, gia đình chỉ nhận được 120.000 tiền trợ cấp của Hội chất độc màu da cam tỉnh Đông Nai. Nhưng tình người lại luôn “giàu” trong ngôi nhà nhỏ của chị.

Theo Dân Trí

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video