Tấm lòng của hai bà mẹ Đức

29/08/2005
Ở thị trấn Moritzburg của nước Đức, có hai bà lão người Đức cho đến giờ vẫn được một số người Việt Nam gọi là mẹ. Cách đây 50 năm, họ đã tham gia nuôi dạy 200 trẻ em Việt Nam, nhỏ nhất mới một - hai tuổi, lớn nhất 15 - 16 tuổi.

Theo lời kể của bà Maria và bà Ruth, đó là con của những cán bộ ở lại miền Nam chiến đấu sau Hiệp định Geneve. Các em đi theo từng đoàn, mỗi đoàn khoảng 60 em, trong đó có khoảng 120 bé trai, 70 -  80 bé gái, 20 bé gái còn rất nhỏ. Bà Ruth và bà Maria khi đó mới ngoài 20 tuổi, được phân công cùng một số người khác chăm sóc và dạy học cho các em. Cô trò quen nhau, cuộc sống trở nên vui vẻ. Thỉnh thoảng có thư của người bố hoặc mẹ từ chiến trường miền Nam gửi qua, tất cả cùng đọc và vui chung. Ngoài giờ học, mỗi em được phân một khoảnh đất để trồng trọt theo ý thích của mình. Và Noel năm ấy, hai bà vẫn nhớ niềm vui của các em nhỏ khi lần đầu tiên được trang hoàng những cây thông rực rỡ và quà tặng của ông già Noel. Rồi các hoạt động văn nghệ, hát, múa.

 

Bà Ruth và bà Maria cho tôi xem 2 cuốn album, trong đó là ảnh các em đang học, sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ, đi chơi tuyết, ảnh chụp Bác Hồ đến thăm trại năm 1957, ảnh Bác Tôn Đức Thắng…Mỗi cuốn album của hai bà có hàng trăm tấm ảnh, dán theo trình tự thời gian, còn ở tình trạngtốt sau 50 năm (điều chỉ có thể có nhờ hai yếu tố: khí hậu khô ráo, điều hoà và sự trân trọng, giữ gìn của chủ nhân). Bà Maria đưa cho tôi danh sách 57 người đã có liên lạc và địa chỉ. Hầu hết họ làm việc tại TP Hồ Chí Minh, một số người đã về hưu.

 

Điều khá thú vị là trong album không chỉ có ảnh mà còn nhiều kỷ vật khác. Mỗi cuốn đều bắt đầu bằng Quốc kỳ, Quốc huy Việt Nam và ảnh Bác Hồ.

 

Chúng tôi lại chở bà Ruth trở về khu ký túc xá cũ. Vừa xuống xe, bàxăng xái đi về phía trước: “Tôi phải chỉ cho anh thấy cái này”. Bà dừng lại trước một tấm biển kim loại gắn trên phần còn lại của một bức tường. Robert – người phiên dịch - đọc: Tháng 7 năm 1957, tại đây, học sinh Việt Nam ở Ký túc xá Kathe – Kollwitz đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Rõ ràng trước đây, tấm biển được gắn trên một tòa nhà. Giờ tòa nhà đã bị phá đi, nhưng tấm biển thì được giữ lại như một chứng tích, một kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về ký túc xá trẻ em Việt Nam trong những năm giữa thế kỷ trước.

 

Tôi định chào chia tay thì bà kéo tôi vào căn hộ nhỏ nhắn nằm trong khu bếp và nhà ăn của học sinh Việt Nam trước đây. Một căn hộ tràn ngập các đồ lưu niệm Việt Nam, từ chiếc nón bài thơ, chiếc quạt giấy đến bức tranh Bờ Hồ, pho tượng Di Lặc, tấm khăn thêu trải bàn… Bà Ruth chỉ từng thứ, khuôn mặt bà nở ra, mắt ánh lên vì hãnh diện. 

Theo Tiền phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video