Tân Lạc: Nhân rộng mô hình phòng chống Bạo lực gia đình tại cộng đồng

29/08/2010
Với các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ truyền thông, thành lập các phòng tư vấn, câu lạc bộ nông dân tham gia phòng chống Bạo lực gia đình (BLGĐ), Luật Phòng chống BLGĐ đã được Hội Nông dân huyện Tân Lạc, Hòa Bình chuyển tải rộng rãi đến đông đảo hội viên, mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao nhận thức, làm chuyển đổi hành vi của người dân về phòng chống BLGĐ.


Có một thực tế là hiện nay ở một vài địa phương trong huyện vẫn còn tình trạng bất bình đẳng về giới, vẫn còn xảy ra một số vụ việc liên quan đến nạn bạo hành. 4 xã được triển khai thí điểm mô hình là Tử Nê, Thanh Hối, Phong Phú và thị trấn Mường Khến. Bà Trần Thị Huyền - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) là tổ chức đã giúp đỡ, hỗ trợ Hội về nguồn kinh phí, tài liệu truyền thông và kỹ thuật để các mô hình phòng chống BLGĐ được nhân rộng tại cộng đồng. Sau khi 2 Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống BLGĐ được ra đời, Trung tâm đã có những đóng góp quan trọng cho địa phương trong việc nâng cao năng lực, kỹ năng và nhận thức của cán bộ làm công tác pháp luật, cán bộ khối đoàn thể về tuyên truyền phòng chống BLGĐ.

 

Từ tháng 7 năm 2009 đến nay, Hội đã phối hợp mở được 10 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông về phòng chống BLGĐ. Hàng trăm học viên đã được học tập, trang bị kiến thức giúp ngăn chặn BLGĐ, tư vấn cho nạn nhân và cả những người gây BLGĐ, phương pháp làm việc với nam giới trong phòng chống BLGĐ. Học viên ở đây là cán bộ tư pháp và các đoàn thể, một số đồng chí là lãnh đạo xã cũng tham gia lớp học, qua đó không chỉ nhận thức được nâng lên mà còn có hành động cụ thể vì mục tiêu xây dựng cộng đồng không có BLGĐ.

 

Tại các xã thí điểm đã thành lập được 8 CLB phòng chống BLGĐ với các tên gọi nam nông dân, nữ nông dân hạnh phúc gia đình. Bình quân mỗi CLB có 30 thành viên là những người tuyên truyền viên, hội viên tâm huyết với công tác phòng chống BLGĐ và cả những nạn nhân bị BLGĐ. Anh Bùi Đức Lâm - Chủ nhiệm CLB nam nông dân hạnh phúc gia đình của thị trấn Mường Khến cho biết: Ban đầu thành lập, hoạt động của CLB có phần tẻ nhạt nhưng càng về sau, CLB càng thu hút được sự quan tâm, tham gia sinh hoạt đều đặn của các thành viên. Với mô hình CLB, Hội Nông dân huyện đang đề xuất lồng ghép một số hoạt động tích cực khác như hướng dẫn, trao đổi kiến thức về KHKT cho các thành viên, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật... đáp ứng nhu cầu, mong đợi của các thành viên khi tham gia sinh hoạt CLB. Đáng mừng là mới đây, một CLB phòng chống BLGĐ nữa đã thành lập tại xã Quy Hậu - nơi không triển khai làm thí điểm, góp phần nhân rộng và khẳng định hiệu quả bước đầu của mô hình CLB phòng chống BLGĐ.

 

Bên cạnh việc thành lập các CLB, mô hình phòng tư vấn hỗ trợ nạn nhân BLGĐ cũng chính thức ra mắt từ tháng 4/2010. Toàn huyện đã thành lập được 2 phòng tư vấn đặt tại thị trấn Mường Khến và xã Tử Nê. Với mỗi phòng tư vấn có 4 cán bộ phụ trách đều là thành viên các xã triển khai thí điểm. Chị An Thị Viễn - cán bộ phòng tư vấn thị trấn Mường Khến chia sẻ: Khác với các phòng tư vấn thuộc lĩnh vực khác, bởi đây là vấn đề nhạy cảm nên thay vì khách hàng tìm đến, cán bộ phòng tư vấn về phòng chống BLGĐ phải tìm đến đối tượng để tư vấn, chia sẻ, giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống gia đình. Đến nay, sau gần 2 tháng thành lập, 8/8 tư vấn viên tại 2 phòng tư vấn đều đã tìm được đối tượng hỗ trợ. Riêng phòng tư vấn thị trấn trực tiếp đến tư vấn cho 2 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp gây BLGĐ và 1 trường hợp bị BLGĐ.

 

Tổ chức CSAGA đang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật giúp Hội nông dân huyện đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng bằng hình thức sân khấu hoá, phát tờ rơi tuyên truyền với các nội dung giới thiệu Luật phòng chống PBGĐ, Bình đẳng giới. Thông qua hoạt động này đã thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức và góp phần chuyển biến hành vi của đông đảo người dân về phòng chống BLGĐ.

Theo HBĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video