Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị mua bán tại Ngôi nhà Bình yên

12/04/2017
Sáng 12/4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Tăng cường mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại Ngôi nhà Bình yên với sự tham gia của các đại biểu đến từ một số bộ, ngành, các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân là đối tác của Ngôi nhà Bình yên.

Bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả hoạt động của Ngôi nhà Bình yên, nhìn nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vấn đề đang đặt ra trong quá trình vận hành mô hình; đồng thời đánh giá hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Phụ nữ và Phát triển với các đơn vị cung cấp dịch vụ để từ đó cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bị mua bán trở về trong thời gian tới.

Tại hội thảo, đã có nhiều lượt ý kiến tham luận về các vấn đề liên quan đến thực trạng, nguyên nhân và những hoạt động phối hợp trong quá trình tiếp nhận, xử lý, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị mua bán. Trong đó, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, bàn luận sâu là hiện tượng trẻ em bị xâm hại.

Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Luật Ngọc Tấn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình xảy ra dai dẳng, khó giải quyết triệt để là do nhiều người cho rằng đó là vấn đề “nội bộ” của gia đình, nên “đóng cửa bảo nhau”, hoặc họ phán xét, đổ lỗi cho chính nạn nhân bị bạo lực. Ông Lê Ngọc Tấn chia sẻ, công ty của ông đã từng trợ giúp một trẻ gái bị xâm hại tình dục, khi làm việc với cán bộ chức năng thì nhận được thái độ phán xét từ chính những cán bộ này cho rằng cháu ham chơi, đua đòi và hư hỏng nên sự việc xảy ra cũng là do lỗi của cháu. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan thẩm quyền, các đoàn thể tại địa phương chưa hiệu quả. Nhiều vụ việc xảy ra, nạn nhân làm đơn gửi đến chính quyền, công an địa phương thì thường không nhận được sự tiếp nhận, xử lý kịp thời.

Ông Đoàn Thế Vinh, Phó phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, Bộ Công an cho biết, theo nắm tình hình của Tổng cục Cảnh sát, bình quân mỗi năm toàn quốc phát hiện khoảng 1.500 vụ xâm hại trẻ em với hơn 1.500 em là nạn nhân bị xâm hại, trong số này phần lớn là nạn nhân bị xâm hại tình dục (chiếm khoảng 80%), bị bạo hành, ngược đãi, bạo lực gia đình... Người thực hiện hành vi xâm hại thường là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý giáo dục, người thân trong gia đình. Trong khi đó, việc phát hiện, trình báo kịp thời cũng như xử lý các vụ việc lại thường chậm trễ, không kiên quyết.

Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, đặc điểm tâm lý của trẻ em trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất và tâm lý với nhu cầu tự thể hiện mình rất cao, có mối quan hệ tình cảm đa dạng trong khi bản thân các em lại thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống, hay quan sát và bắt chước người lớn qua phim ảnh, truyện tranh, mạng internet... Chính những điều này đã dẫn đến nguy cơ các em dễ dàng bị lợi dụng, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp tăng cường, nâng cao chất lượng trong việc phối hợp trao đổi thông tin, tiếp cận khách hàng, phối hợp hỗ trợ nạn nhân, cung cấp dịch vụ, truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực giới và tuyên truyền về hoạt động của Ngôi nhà bình yên...

Dịp này, Đoàn Chủ tịchTW Hội LHPN Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 9 cá nhân có thành tích đóng góp cho công tác phối hợp hỗ trợ, trợ giúp cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực và mua bán giai đoạn 2011-2016.

Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển- Hội LHPN Việt Nam được thành lập từ 8/3/2007. Qua 10 năm hoạt động, Ngôinhà Bình yên đã cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ về chăm sóc hồi phục sức khỏe thể chất, tinh thần, hỗ trợ pháp lý, tạo cơ hội học nghề, sinh kế.... cho 662 phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và 337 phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video