Tăng cường mạng lưới chuyển giao và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

09/09/2013
Trong hai ngày (5-6/9/3013), hội thảo “Tăng cường mạng lưới chuyển giao và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự đông đảo của các đại biểu đến từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45)- Bộ Công an, Bộ đội biên phòng, Sở Lao động- Thương binh & Xã hội, Hội LHPN các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Ngôi nhà bình yên (NNBY) hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị mua bán trở về do Trung tâm PN &PT, Hội LHPN Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID).

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm PN &PT, Giám đốc dự án Ngôi nhà bình yên nhấn mạnh, việc cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị mua bán trở về từ khâu tiếp nhận đến khâu chuyển tuyến đều rất cần có sự kết nối, phối hợp của mạng lưới gồm các ngành, đơn vị, tổ chức liên quan. Trong 2 giai đoạn vừa qua của dự án (từ 2007-2012), NNBY đã nhận được sự phối hợp tích cực từ các bộ, ngành công an, bộ đội biên phòng, ngoại giao, tư pháp, Lao động Thương binh & Xã hội… Tuy nhiên, đến nay hầu như vẫn chưa có được các văn bản ký kết liên tịch giữa các bên liên quan để đảm bảo về cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp của mạng lưới.

Trong phần lớn thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, tìm hiểu về các nhóm đối tượng nạn nhân bị mua bán trở về; đặc điểm tâm lý- xã hội của nạn nhân trở về và những khó khăn trong khi làm việc với họ. Theo đại biểu Phạm Ngọc Thủy, đồn biên phòng Phó Bản, Hà Giang, các nạn nhân khi trở về thường không muốn tiết lộ danh tính, thân phận của mình. Họ mặc cảm, nghi ngờ và mất lòng tin vào cuộc sống, trong khi đó, họ lại rất thiếu thông tin và hiểu biết về các cơ sở hỗ trợ như NNBY. Ông Nguyễn Kế Sanh, sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết,làm việc với các nạn nhân bị mua bán trở về rất khó vì họ ngại giao tiếp, thường khai sai tên tuổi, quê quán vì muốn giấu thân phận cũng như tránh nói về hoàn cảnh bị mua bán của mình… Từ những khó khăn trên, các đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết các trường hợp trong quá trình công tác thực tiễn để cùng tìm cách xây dựng niềm tin, tạo được môi trường và cảm giác an toàn cho nạn nhân khi làm việc với họ.

Hội thảo cũng bàn về một số vấn đề trong chuyển giao, tiếp nhận nạn nhân; những khó khăn, hạn chế trong việc kết nối mạng lưới chuyển giao và hỗ trợ nạn nhân như: việc sàng lọc, tiếp nhận nạn nhân về NNBY theo tiêu chí “có đủ năng lực hành vi dân sự” là một khó khăn, thường không thực hiện được do các đơn vị chuyển giao không xác định được tình trạng sức khỏe của nạn nhân hoặc có nơi xác định được nhưng không có điều kiện giải quyết ở địa phương nên vẫn phải chuyển về để NNBY hỗ trợ. Việc tiếp nhận nạn nhân theo tiêu chí “có giấy xác nhận là nạn nhân” cũng gặp khó khăn, lúng túng…

Để nâng cao hiệu quả phối hợp, kết nối mạng lưới tiếp nhận, chuyển giao nạn nhân bị mua bán trở về giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân với NNBY trong giai đoạn tới, hội thảo đã đưa ra một số giải pháp như: các địa phương, đơn vị khi tiếp nhận nạn nhân cần giới thiệu, tư vấn cho nạn nhân biết về NNBY để họ có cơ hội tiếp cận với gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện và miễn phí nhằm giúp họ phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, đào tạonghề, tham gia vào quá trình tái hòa nhập cộng đồng; các địa phương, đơn vị cần giữ mỗi liên hệ thường xuyên trong hoạt động chuyển giao, thông báo cho NNBY biết về các cuộc giải cứu, tiếp nhận nạn nhân ở địa phương; cung cấp thông tin cơ bản về nạn nhânkhi chuyển giaonạn nhân đến NNBY; tiếp tục giữ mối liên hệ, thông tin chặt chẽ giữa NNBY và cơ quan, đơn vị chuyển giao trong suốt quá trình nạn nhân tạm trú tại NNBY cũng như khi họ đã hồi gia…

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video