Tăng cường sự tham gia của quần chúng trong phòng chống lao và xoá bỏ sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao

28/06/2007
Đó là chủ đề của cuộc Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam, Dự án Phát triển công tác chống lao Bệnh viện Lao và bệnh phối TW phối hợp tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua.

Tuy không còn là một trong tứ chứng nan y vì nhân loại đã tìm ra thuốc chữa bệnh lao, song tác hại của loại bệnh này vẫn còn hết sức ghê gớm

Bệnh lao - vấn đề khẩn cấp của toàn cầu!

 

Trong lịch sử y học, đây là một trong những bệnh dịch gây chết người nhiều nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và sự phát triển của xã hội. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên hành tinh có khoảng 1,9 tỷ người nhiễm lao. Ước tính mỗi năm có thêm 8 triệu trường hợp mắc lao mới và 2 triệu người chết do lao. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong số những bệnh nhân mắc lao mới, chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động.

 

Tại Việt Nam, những năm gần đây, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực kiểm soát song tình hình bệnh lao vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng. Theo TS Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi TW, Việt Nam là một trong 3 nước có bệnh nhân lao đông nhất Đông Nam Á và là nước thứ 12 trong số 22 nước trên thế giới có tỷ lệ mắc lao cao với 40% dân số bị nhiễm lao. Ước tính, hàng năm ở nước ta có thêm 154.000 bệnh nhân lao mới các thể, trong đó số người ở đội tuổi lao động chiếm tới 60%.

 

Bệnh lao với phụ nữ - dễ mắc nhưng chậm được chẩn đoán và chữa trị

 

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu phụ nữ chết do lao và tỷ lệ tử vong hàng năm của phụ nữ do bệnh lao cũng hơn hẳn các nguyên nhân khác cộng lại.

 

Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ phụ nữ được phát hiện và điều trị bệnh lao tại các cơ sở thấp hơn so với nam giới. Điều đó – theo TS Đinh Ngọc Sỹ - không có nghĩa là phụ nữ bị mắc lao ít hơn nam giới. Ngược lại, phụ nữ chính là những đối tượng rất dễ mắc lao do sức khoẻ kém, lao động vất vả, nhất là trong thời gian nuôi con nhỏ và đặc biệt là tâm lý giấu bệnh, ngại đi khám bệnh.

 

TS. Đinh Ngọc Sỹ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ mắc lao chậm được chẩn đoán và điều trị là do định kiến giới. Phần lớn chị em phụ nữ đều lo sợ khi phải đối mặt với căn bệnh từng là “tứ chứng nan y”, nhất là sợ sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội.

 

Xoá bỏ kỳ thị - chìa khoá hữu hiệu trong công tác chống lao

 

Chị Nguyễn Thị Bích Phương, chi hội trưởng Hội LHPN xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết: “Quê tôi là một xã nghèo miền núi vùng bán sơn địa. Định kiến của người dân về bệnh lao đang rất nặng nề. Khi biết mình mắc lao, tôi vô cùng tuyệt vọng và chán nản vì sợ không chữa được bệnh và nhất là sợ mọi người xa lánh!!!”

 

Được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và nhất là sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ trong chi hội phụ nữ, chị Phương đã được điều trị kịp thời và đến nay đã hoàn toàn bình phục. Hiện, với vai trò là một trong những tuyên truyền viên chống lao tích cực của Hội LHPN xã Thi Sơn, chị Phương cho rằng, cảm thông, gần gũi và xoá bỏ kỳ thị là yếu tố cần thiết để chống lao kịp thời, hiệu quả.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng “dũng cảm” công khai bệnh tật, “chiến đấu” với bệnh lao như chị Phương. Có không ít trường hợp, nhất là phụ nữ bị mắc lao song vì tâm lý sợ bị xa lánh, bị kỳ thị và sợ không thể chữa khỏi bệnh đã không đến các trung tâm y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự nhận thức kém và thiếu hụt thông tin về bệnh lao. Hiện nay, ở những vùng nông thôn, miền núi, vẫn còn không ít người cho rằng bệnh lao là do thần linh, ma quỷ gây ra, không thể chữa trị và di truyền từ đời này đến đời khác. Những người bị bệnh lao, ngoài đau đớn về thể xác, còn phải chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của những người xung quanh, thậm chí cả những người thân trong gia đình. Từ thực tế này, việc xoá bỏ kỳ thị, nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của quần chúng trong công tác phòng chống lao là vấn đề rất cấp thiết đang đặt ra./.

 Hội thảo “Tăng cường hơn nữa sự tham gia của các tổ chức quần chúng trong công tác huy động xã hội tham gia phòng chống bệnh lao và xoá bỏ sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao” đã đề ra 6 chương trình hành động cụ thể:
  1. Tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để hoàn thiện Sổ tay tuyên truyền về phòng chống bệnh lao làm tài liệu cung cấp kiến thức cơ bản về phòng chống lao tới cộng đồng
  2. Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp cho cán bộ Hội và phụ nữtại cơ sở, phấn đấu đến hết năm 2007 có 64/64 tỉnh, thành được truyền thông về phòng chống bệnh lao
  3. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khoẻ nâng cao kiến thức và hiểu biếtvề bệnh lao, xoá bỏ sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao trong các tầng lớp phụ nữ
  4. Xây dựng các mô hình, điển hình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phòng chống bệnh lao tại cộng đồng, chú trọng vận động và khuyến khích sự tham gia của những người đã mắc bệnh; khẳng định vai trò củaHội phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ trong hoạt động phòng chống lao.
  5. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phòng chống lao
  6. Vận động các tầng lớp phụ nữ và nhân dân làm tốt công tác phòng chống bệnh lao, góp phần thực hiện mục tiêu chung của chương trình chống lao quốc gia: giảm số người mắc lao, tiến tới thanh toán bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

Thu Hương
Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video