Tăng "sức đề kháng" cho người nhiễm bệnh HIV/AIDS

27/07/2010
Theo y học, sức khỏe tinh thần có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Đối với người nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe tinh thần lại càng có ý nghĩa hơn. Tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ là liều thuốc quí giá dành cho họ...

* Từ ngọn lửa ấm áp

Chiều đầu đông se lạnh, chúng tôi tìm đến gia đình của chị Mai trong một con hẻm nhỏ ở phường An Nghiệp. Chị Mai cùng mẹ và một đứa cháu trai đang rủ rỉ trò chuyện. Sự ấm áp, thân thiện lan tỏa trong căn nhà nhỏ. Hướng ánh mắt biết ơn về phía mẹ, chị Mai bộc bạch: “Khi biết mình nhiễm HIV, tôi cảm thấy cái chết đang đến gần nên tuyệt vọng vô cùng. Tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là của mẹ, đã vực tôi dậy. Khi bình tĩnh trở lại, tôi nghĩ đến trách nhiệm của người làm mẹ. Tôi còn con trai đang tuổi trưởng thành. Tôi phải sống tốt để làm chỗ dựa cho con...”. Ở tuổi trung niên nhưng lúc nào chị Mai cũng quấn quýt bên mẹ như một cô con gái nhỏ bất kể khi đi chợ, lúc ra ngoài hay ở nhà. Mẹ chị tâm sự: “Đã là mẹ thì đâu sợ con lây bệnh. Tôi chỉ cảm thấy buồn cho con nên tôi cố gắng bù đắp tình cảm, mong con sống vui hơn, sống khỏe hơn”.

Có lẽ nhờ thế mà hơn 8 năm qua, kể từ ngày biết mình mắc bệnh đến nay, chị Mai vẫn sống khỏe mạnh, vui vẻ như bao người bình thường khác. Lúc chị tuyệt vọng nhất, mẹ và các anh chị em trong gia đình đã dang rộng vòng tay đón chị về sống chung, an ủi, động viên chị. Chị Mai nói rằng tình yêu thương ấy đã giúp chị có niềm tin, sức sống để chống chọi với căn bệnh. Từ đó, chị nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với người thân, với cộng đồng. Chị bắt đầu tham gia các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ những người nhiễm HIV. Chị bộc bạch: “Bây giờ tôi sống vì con, vì gia đình và mong muốn góp phần giúp những người không may nhiễm bệnh như tôi. Tôi không sợ người khác biết mình nhiễm bệnh mà chỉ sợ con tôi, những người thân của tôi phải chịu sự dò xét, e dè của người khác”.

Cùng cảnh ngộ như chị Mai, chị Hoàng, cũng ở phường An Nghiệp, suy sụp hoàn toàn khi biết mình bị nhiễm HIV. Trước đó, chồng không làm chủ được mình, bị bạn bè lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy. Kết quả là anh bị nhiễm HIV rồi lây cho vợ. Chị chỉ nghi ngờ và đi xét nghiệm khi chồng mất vì AIDS. Nhắc lại khoảng thời gian đầu đối diện với sự thật, chị Hoàng kể: “Biết tôi bị nhiễm HIV, tuy mẹ và anh chị em trong nhà không xa lánh nhưng tôi cảm nhận mọi người có vẻ sợ sệt. Tôi gần như không còn nghị lực để sống tiếp. Cũng nhờ cán bộ y tế phường đến động viên, giải thích thêm về bệnh và cách phòng lây nhiễm, gia đình tôi đã hiểu ra. Mấy chị bắt đầu quan tâm và động viên tôi sống thật vui vẻ, ăn thật nhiều để chống lại bệnh. Nhờ vậy, sức khỏe tôi tốt lên, tôi không còn bi quan nữa”.

Theo bác sĩ Võ Thị Năm, Trưởng khoa Tư vấn Chăm sóc Điều trị- Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS là một hệ thống liên hoàn, gồm: bác sĩ, bệnh nhân, gia đình và cộng đồng. Trong đó, gia đình là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống này. Bác sĩ Năm nhấn mạnh: “Người nhiễm rất cần sự chăm sóc, động viên từ phía người thân, bạn bè và cộng đồng. Có như vậy, họ mới có niềm vui, nghị lực sống, không tự kỳ thị bản thân... góp phần đắc lực cho việc điều trị ARV. Ngược lại, họ có thể tự kỳ thị bản thân, chán nản, nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực và có những hành động bất lợi cho cộng đồng”.

Bên cạnh gia đình, cán bộ y tế, cộng tác viên, đồng đẳng viên... là “chiếc cầu nối” giúp người nhiễm kịp thời đến với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ...

* Đến “chiếc cầu nối” vững chắc

Khom lưng, dồn sức vào đôi chân, người đàn ông gắng sức đạp những vòng xe vội vã. Vòng vo qua mấy cua quẹo hẻm, cuối cùng chiếc xe đạp dừng lại ở một căn nhà nhỏ, tối om. Ông bước nhanh vào nhà, trao gói đồ cho một phụ nữ. Cả hai trò truyện chừng đôi phút rồi ông lại vội vã đạp xe đi tiếp...

Người dân ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, đã quen với hình ảnh của người đàn ông có tuổi này, trên chiếc xe đạp cọc cạch, len lỏi khắp khu vực trong hẻm. Đó là chú Lê Trung Xuân, cán bộ phụ trách chương trình phòng chống HIV/AIDS, Trưởng trạm Y tế phường An Nghiệp. Ngoài suy nghĩ của tôi về một cán bộ phụ trách chương trình phòng chống HIV/AIDS ở tuyến phường, chú Xuân đã gần 60 tuổi. Thấy tôi thắc mắc về việc chú đã có tuổi mà vẫn còn năng nổ đi công tác cộng đồng, chú nói dí dỏm: “Già lại là lợi thế của chú trong công việc. Chính nhờ có tuổi, có uy tín, có kinh nghiệm của người già mà chú có thể “thu phục” được những người nhiễm “khó tính”. Đi nhiều có mệt hay không à? Cứ mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân AIDS đáp ứng tốt với điều trị ARV, phục sức trở lại là chú thấy vui liền. Đó là động lực để chú tiếp tục đến với họ”.

Những việc làm của chú và sự trân trọng của người nhiễm HIV/AIDS dành cho chú đã nói lên tâm huyết của chú đối với chương trình và tấm lòng của chú đối với người nhiễm HIV. An Nghiệp cũng là một trong những phường dẫn đầu trong công tác phòng chống HIV/AIDS của quận Ninh Kiều. Chú Xuân vừa được Ban Chỉ đạo 138 TP Cần Thơ tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS. Nhắc đến chú Xuân, chị Mai cảm động nói: “Chú Xuân luôn sẵn lòng giúp đỡ tôi. Chính chú là người hướng dẫn gia đình tôi cách phòng lây nhiễm bệnh, cách chăm sóc tôi. Đặc biệt, chú là người kéo tôi ra khỏi ý nghĩ bi quan, hướng cho tôi nghĩ đến những hoạt động có ích, tham gia tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS”.

Từ tấm lòng của những “chiếc cầu nối” như chú Xuân, người nhiễm HIV/AIDS đã được phát hiện, chăm sóc, hỗ trợ ngày càng tốt hơn. Và không chỉ vậy, xã hội vẫn còn rất nhiều tấm lòng, hoạt động hỗ trợ về tinh thần, vật chất nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho người nhiễm HIV/AIDS.

* Và vòng tay cộng đồng

Dù hoạt động tổ chức vui Trung thu cho trẻ em chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS, do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ tổ chức, diễn ra nhiều tháng qua nhưng trong tâm trí tôi vẫn đọng lại nhiều hình ảnh thật cảm động...

Khi mọi người đã tập trung đông đủ tại hội trường, đèn sân khấu bật sáng, người dẫn chương trình bắt đầu giới thiệu: “... Bé Phương nói rằng hôm nay rất nhớ mẹ, bé muốn góp vui cho chương trình bằng bài hát “Nhớ mẹ lý mồ côi”...”. Bé Phương bước lên sân khấu, xúng xính trong bộ đầm mới, cất giọng thật trong trẻo: “... Ngày qua ngày con âm thầm khôn lớn. Hẩm hiu một mình lay lắt giữa chợ đời. Phương xa cha nào có hay. Mà chiều nay con giỗ mẹ nơi này...”. Giọng bé Phương lạc dần, nghẹn ngào. Nhiều người quay mặt đi giấu vội những giọt nước mắt. Bài hát chấm dứt, tiếng vỗ tay vang lên...

Gặp lại bé Phương trong ngày hội Trung thu, tôi không khỏi bất ngờ, bởi hơn 2 năm qua kể từ lần đầu tôi gặp bé, Phương cao lớn hơn rất nhiều. Căn bệnh thế kỷ đã cướp đi cha mẹ của Phương khi bé mới 9 tháng tuổi. 13 năm qua, Phương về sống nương nhờ ông bà nội ở quận Cái Răng. Nay ông bà nội của Phương tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn phải ở nhờ nhà người khác, mượn đất trồng rau cải sống qua ngày. Dù vậy, Phương vẫn được đến trường, được sống trong tình yêu thương của ông bà, những người hàng xóm, các cán bộ thuộc một số hội, ban ngành, đoàn thể quận và những mạnh thường quân... Bé Phương bộc bạch: “Ông nội con đã yếu lắm rồi, không còn sức để tưới rau cải như trước nữa, bà nội thường bị bệnh, phải nằm viện. Con được đến trường cũng nhờ các cô, chú giúp đỡ. Vừa rồi, cũng nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ mà con mới mua được chiếc xe đạp để đi học!”.

Một trong những đơn vị thường xuyên quan tâm, giúp đỡ Phương là Hội Chữ thập đỏ quận. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cái Răng, nói: “Bé Phương rất chăm học, học giỏi. Cháu ngoan hiền, lễ phép nên mọi người thương mến. Chúng tôi thường vận động để hỗ trợ cháu, khi thì tập sách, khi thì gạo, tiền hoặc quần áo... Những gì có thể hỗ trợ cho sinh hoạt, học tập của cháu, chúng tôi đều cố gắng hết khả năng của mình”.

Phương là một trong khoảng 250 trẻ em chịu ảnh hưởng bởi HIV ở TP Cần Thơ. Không được may mắn như nhiều trẻ có cùng cảnh ngộ khác, Phương đã bị lây truyền HIV từ mẹ. Hiện cháu đang được điều trị ARV. Hàng tháng, Phương đều được kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Vào các ngày lễ, Tết, cháu đều được tặng quà hoặc được tham gia các buổi vui chơi do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động được các tổ chức quốc tế (Quỹ toàn cầu, Life-Gap, FHI,...) tài trợ thông qua các dự án.


***


Theo bác sĩ Võ Thị Năm, người nhiễm HIV/AIDS đã được thụ hưởng nhiều hoạt động chăm sóc một cách toàn diện, từ giai đoạn mang thai, trưởng thành, đến cuối đời thông qua các hoạt động: tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho bà mẹ mang thai và người có nguy cơ cao, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, quản lý chăm sóc người nhiễm, trẻ em nhiễm bệnh, điều trị nhiễm trùng cơ hội, ARV, chăm sóc tại cộng đồng, chăm sóc cuối đời... Bác sĩ Năm khẳng định: “Mạng lưới cán bộ, cộng tác viên, đồng đẳng viên thực hiện chương trình hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS rộng khắp, từ cấp thành phố, quận, huyện đến xã, phường, khu vực. Nhờ đó, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm ngày càng toàn diện hơn”.


* Ghi chú: tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để bảo đảm bí mật cho người nhiễm HIV/AIDS.

Theo Cantho online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video