Tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn

23/04/2020
Đến thăm tổ đan lác tại xã Tân Long Hội (Mang Thít), tỉnh Vĩnh Long, các chị hội viên phụ nữ nói cười vui tươi mà tay vẫn thoăn thoắt công việc của mình.
Tổ đan lác ấp Tân Phong 1 góp phần tạo việc làm và sự gắn kết cho chị em phụ nữ nông thôn.

Đây là việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho chị em những năm qua, đời sống của chị em phụ nữ được cải thiện, vươn lên khá giả, góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, hoàn thành tốt tiêu chí thu nhập của xã.

Trong căn nhà của tổ trưởng tổ đan lác, chị em phụ nữ ấp Tân Phong 1 làm việc vui vẻ. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2017, tổ đan lác ấp Tân Phong 1 đến nay có 20 thành viên, giúp chị em phụ nữ vừa kiếm thêm thu nhập vừa gắn bó tình cảm với nhau.

Mỗi buổi giao- nhận nguyên liệu, sản phẩm hàng tuần, tiếng cười nói rôm rả của chị em phụ nữ lan tỏa niềm vui khắp ấp.

Bên cạnh nguyên liệu và thành phẩm, đôi tay của chị em phụ nữ thoăn thoắt, cùng nhau tạo thành “vũ điệu quen thuộc” của nghề đan lác. Nhiều chị em phụ nữ vui vẻ cho hay “làm nghề này, trả tiền điện, tiền nước không hết, còn có thêm tiền đi chợ nữa”.

Vừa hoàn thành xong sản phẩm, chị Nguyễn Thị Hồng Loan (ấp Tân Phong 1) phấn khởi chia sẻ: “Nhà tôi thì làm ruộng, khi có nghề đan này tôi làm kiếm thêm để tích góp từ từ. Mỗi tháng tôi dùng tiền này tham gia góp vốn xoay vòng cùng chị em. Nhờ vậy mà có dư chút đỉnh”.

Dù đã 64 tuổi nhưng cô Nguyễn Thị Mai (ấp Tân Phong 1) luôn được chị em trong tổ đan lác công nhận là một “thợ đan lác lành nghề”. 

Cô Mai cười nói thêm: “Mặc dù tuổi cũng đã cao, nhưng có cái nghề để cải thiện thu nhập. Rảnh rỗi đan vậy đó chứ tui kiếm thêm tiền điện, tiền nước, tiền bánh kẹo cho cháu khỏe re”. Trung bình mỗi tuần cô Mai hoàn thành hơn 50 sản phẩm các loại.

“Có tuần, một mình cô Mai đan tới 80 sản phẩm luôn”- chị em trong tổ hào hứng chia sẻ. Hình ảnh gắn bó với nghề của cô Mai là niềm vui, động lực cho nhiều thành viên trong tổ và chị em phụ nữ trong ấp cùng cố gắng vươn lên, cải thiện đời sống gia đình.

Cô Võ Thị Thùy Trang- Chi hội trưởng phụ nữ ấp Tân Phong 1- cho biết: “Nghề đan lác tại ấp được xã Tân Long Hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đến mở lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ. Đa phần chị em phụ nữ đan lác lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập.

Trung bình mỗi chị em thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng”. Đặc biệt, tại tổ đan lác ấp Tân Phong 1, công việc đan lác có đơn hàng làm suốt năm với lượng sản phẩm được duy trì ổn định.

Nhờ đó, việc có thêm thu nhập để nâng cao đời sống giúp chị em phụ nữ ai ai cũng hết sức vui vẻ, phấn khởi và gắn bó với nghề.

Không chỉ riêng tại ấp Tân Phong 1, các tổ đan lác tại địa bàn xã Tân Long Hội đã đem đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga- tổ đan lác ấp Gò Nhum (xã Tân Long Hội- Mang Thít) nhờ vào đan lác mà “rủng rỉnh túi tiền”.

Được công nhận “thợ đan giỏi của tổ”, chị Nga hoàn thành tốt được tất cả các mặt hàng theo thiết kế yêu cầu. “Mỗi tháng có khoảng trên 2 triệu đồng kiếm thêm, gia đình tôi nhờ đó hết khó khăn ”- chị Nga cho biết.

Theo chị Lê Thị Huyền Trang- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, hiện toàn xã có 10 tổ đan lác hoạt động thường xuyên với trung bình 18 hội viên/tổ, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ.

Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện mở tiếp các lớp đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn. Theo đó, kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông thôn.

 

Hiện, xã Tân Long Hội có 20 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ với tổng số lao động làm việc 1.452 người. Xã có 8 tổ hợp tác sản xuất, 100% tổ có chất lượng hoạt động khá. Bên cạnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xã kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện mở 17 lớp đào tạo nghề nông thôn với 340 học viên tham dự. Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, xã giới thiệu việc làm mới cho 1.268 lao động, nâng tổng số lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp lên 1.930 người. Đến nay, xã còn 12 hộ nghèo, chiếm 0,65%. Nổi bật, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,2 triệu đồng/người/năm, đạt 100,4% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

 
http://www.baovinhlong.com.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video