Tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ: Vì một APEC thịnh vượng và phát triển

24/03/2017
Đó là Chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo tham vấn Kế hoạch tổ chức, Chủ đề và Những ưu tiên của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 21/3, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tới dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Viện nghiên cứu, Trường đại học, Tổ chức quốc tế và Đối tác phát triển cùng các chuyên gia về kinh tế, xã hội và bình đẳng giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, dự kiến diễn ra từ ngày 26-29/9 tại Thành phố Huế. Diễn đàn quy tụ khoảng 500 đại biểu là các Bộ trưởng/Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế; các Trưởng nhóm công tác của APEC; các đại biểu đến từ khu vực công và tư của 21 nèn kinh tế trong APEC, các tập đoàn, tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế...Văn bản cao nhất được thông qua tại Diễn đàn là Tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế, sẽ được trình lên các nhà Lãnh đạo APEC.

Chủ đề của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế năm 2017 là: “Tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ: Vì một APEC thịnh vượng và phát triển”. Chủ đề này được diễn giải bằng 03 nội dung ưu tiên gồm: “Bình đẳng giới, nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”; “Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư;.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, việc xây dựng Chủ đề và các vấn đề ưu tiên được dựa trên 3 tiêu chí, đó là: Thống nhất với Chủ đề chung của năm APEC 2017 (Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung); Thể hiện được mối quan tâm chung của cả 21 nền kinh tế APEC; Tạo được dấu ấn/điểm mới của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà. Đây là căn cứ hướng dẫn cho việc triển khai các hàng động/sáng kiến về lồng ghép giới của các nền kinh tế, các nhóm công tác APEC đóng góp cùng với Việt Nam vào thành công chung của Diễn đàn năm 2017. Những đề xuất và khuyến nghị về cải cách chính sách và thúc đẩy hợp tác công tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC sẽ được thể hiện trong Tuyên bố Bộ trưởng và gửi lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận, phân tích, làm sáng tỏ hơn nữa nội hàm của Chủ đề và các Ưu tiên sao cho phù hợp với 3 Tiêu chí mà Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã nêu ra.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, chỉ có tăng trưởng bao trùm thì mới hiện thực được bình đẳng giới. Việt Nam có nhiều mục tiêu phát triển trong đó có mục tiêu bình đẳng giới. Thực tế, chính sách của Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách thúc đẩy bình dẳng giới và cố gắng để bình đẳng giới được phát triển nhưng trong thực tiễn phụ nữ và nhóm yếu thế đang ở vị thế bất lợi trong phát triển.

Đi vào phân tích cụ thể, ông Minh chỉ ra nhiều vấn đề bất bình đẳng giới như sự khác biệt trong lựa chọn việc làm giữa nam – nữ; Phụ nữ đóng góp chính trong gia đình nhưng không được trả công; Thu nhập phụ nữ thấp hơn nam đặc biệt ở nông thôn; Thiếu cơ sở hạ tầng nên phụ nữ càng ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công như nước sạch, trường mầm non... đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số; Bản thân văn hóa góp phần vào việc bất bình đẳng giới hay như việc tham gia đóng góp chuỗi giá trị thì phụ nữ chỉ tham gia giai đoạn đầu mà không được tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị đặc biệt giai đoạn cuối v.v...

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng đã chỉ ra 3 rào cản đối với phụ nữ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Một là, khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Vì hiện nay để vay vốn cần tài sản thế chấp nhưng hầu hết nam giới đứng tên chủ tài sản. Ở các nước khác thay vì tài sản thế chấp họ có những đánh giá phi tài chính như thân nhân, độ tuổi... Thứ hai, khó khăn khi tiếp cận các nguồn lực như đất đai, các chính sách hưởng lợi, các thủ tục miễn thuế. Thứ ba, phụ nữ thiếu thông tin nên khó có thể tham gia các mạng lưới. Hiện nay chỉ có 5% doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cộng nghệ cao.

Bình đẳng giới được các nhà lãnh đạo APEC coi là một vấn đề xuyên suốt trong mọi lĩnh vực và các diễn đàn của APEC. Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ trong APEC (WLN) được thành lập từ 1996 và nhóm họp các nữ lãnh đạo từ khu vực công và tư của các nền kinh tế để trình các nhà lãnh đạo APEC về khuyến nghị chính sách về tăng cường sự tham gia của phụ nữ và đảm bảo vấn đề giới được thực hiện trong mọi lĩnh vực của APEC. Hội nghị Bộ trưởng APEC lần đầu tiên về Phụ nữ được tổ chức tại Makati, Philippines vào năm 1998. Tuy nhiên  từ đó đến năm 2010, chỉ duy trì họp hàng năm cấp vụ với tên gọi Mạng lưới các đầu mối về giới trong APEC(GFPN)-Việt Nam (Ủy ban quốc gia VSTBPN Việt Nam) đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị GFPN vào năm 2006 tại Hội An khi Việt Nam đăng cai APEC.

Đến năm 2011, với yêu cầu thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới và thực hiện tiếp cận có hệ thống và đầy đủ về phụ nữ tham gia trong APEC theo hướng tăng cường phát triển hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nhằm tạo các cơ hội kinh tế mới cho phụ nữ, Đối thoại chính sách cấp cao về Phụ nữ và kinh tế được Hoa Kỳ được tổ chức tại San Francisco, Mỹ-chính thức xây dựng một cơ chế mới và hoàn thiện hơn với tên gọiDiễn đàn về phụ nữ và Kinh tế trong APEC(tiếng Anh là APEC Women and the Economy Forum - chữ tim - chữ viết tắt: WEF).

molisa.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video