Tăng tuổi nghỉ hưu kéo theo tình trạng ‘tắc nghẽn’ lao động?

27/05/2019
Với phương án tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60, sẽ có 400.000 người/năm tiếp tục làm việc, trong khi vẫn có khoảng 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, gây ra tình trạng tắc nghẽn thị trường lao động.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới có đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60. Với phương án này, sẽ có 400.000người/năm tiếp tục làm việc, trong khi vẫn có khoảng 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, gây ra tình trạng tắc nghẽn thị trường lao động.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 trong tháng 5/2019 này và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Tại buổi tòa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 17/5, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Về tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo đề xuất quy định mốc tuổi 62 với nam và 60 với nữ với lộ trình điều chỉnh kể từ 1/1/2021 theo 2 phương án:

- Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ;

- Phương án 2,  cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ.

Ngoài ra, quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt”.

Theo ông Thiện, cả 2 phương án trên đều có lộ trình tăng chậm. Phương án 1, đến năm 2028 thì Nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì Nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH phân tích thêm, hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng cũng đồng thời đối mặt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới.

 lao-dong-nu.jpg

 Lao động nữ ngành da giày bám trụ với nghề đến tuổi nghỉ hưu là rất ít


Theo nghiên cứu của Viện Khoa học - Lao động và Xã hội năm 2014, cứ thêm 1% số lao động lớn tuổi làm việc sẽ giúp tăng 0,068% GDP của Việt Nam. Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp vĩ mô, mang tính chiến lược nhân lực để chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực như một số nước từng trải qua.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xác định mốc tuổi là nữ 60 tuổi và nam 62 tuổi. Đây là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới nhưng bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

Phản biện lại phương án tăng tuổi nghỉ hưu này, nhiều ý kiến cho rằng, hàng trăm ngàn người đến tuổi nghỉ hưu sẽ tiếp tục làm việc theo quy định mới, khiến cho lực lượng lao động trẻ giảm cơ hội việc làm, gây ra tình trạng tắc nghẽn lao động ngày càng tăng.

Ông Mai Đức Thiện phân tích: Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 ngàn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn.

Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 ngàn người, và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Do đó, “điều chỉnh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chậm dần ngay tại thời điểm 2021 sẽ thích ứng với thị trường lao động trong tương lai”, ông Mai Đức Thiện nói.

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với từng nhóm đối tượng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VASEP, cho biết: Đại diện của 56 ngành hàng, chủ yếu là kinh tế tư nhân sử dụng nhiều lao động, đã hội thảo cùng chung mối quan tâm về vấn đề sửa tuổi nghỉ hưu. Ở góc độ cả lực lượng công nhân sản xuất trực tiếp với những người tham gia gián tiếp trong xuất khẩu sản phẩm, theo ông Hoài Nam, đặc thù những ngành như “thủy sản, dệt may hoặc da giày, trong nhiều năm qua, tỷ lệ người chờ đủ được số tuổi và số năm đóng BHXH để nghỉ hưu theo quy định của pháp luật hiện hành thì  tỷ lệ đó rất là nhỏ, chỉ khoảng 10 đến 20 năm”.

Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, cho rằng, tăng thêm tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường lao động Việt Nam. Cách điều chỉnh như thế nào là vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, liên quan đến việc làm, đến đời sống của người dân. Cho nên cơ quan soạn thảo cần phải xin ý kiến rộng rãi, những chuyên gia, đặc biệt là lấy ý kiến của những người lao động, những người trực tiếp sản xuất.

Dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, song có  đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 ngàn người.

Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Theo Tổng cục Thống kê, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Như vậy, lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.

phunuvietnam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video