Tạo bước đệm để phụ nữ có cơ hội phát triển ngang bằng nam giới

08/07/2009
Công tác cán bộ nữ thời gian qua được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi có Chỉ thị số 37-CT/TW (ngày 16/5/1994) của Ban Bí thư về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới và Nghị quyết số 11-NQ/BT của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số nữ cán bộ quản lý vẫn chưa thật sự đạt tỷ lệ mong muốn.

Thời gian qua, các cấp, các ngành luôn chú trọng thực hiện công tác tạo nguồn, kịp thời phát hiện cán bộ nữ có năng lực, đã được rèn luyện qua thực tiễn công tác và cán bộ nữ trẻ, có triển vọng đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Gắn công tác quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ theo từng lĩnh vực: công tác Đảng, quản lý nhà nước, công tác đoàn thể, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ học tập tại chỗ, nâng cao trình độ.

Nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân biểu của địa phương và Trung ương, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho các ứng cử viên Hội đồng nhân dân ba cấp. Sau khi đắc cử, tiếp tục tập huấn cho các đại biểu nữ về kỹ năng nhằm phát huy năng lực trong giám sát, chất vấn, tham gia lập kế hoạch và ra các quyết định của HĐND các cấp. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, huyện hàng năm đều tổ chức lớp tập huấn về kiến thức giới và bình đẳng giới cho các thành viên trong ban, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, trong quy hoạch A1 của Tỉnh ủy có 11/107 cán bộ nữ, A2 có 19/115 cán bộ là nữ. Hiện tại, toàn tỉnh có 31 cán bộ nữ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Tuy nhiên, mặc dù có quan tâm nhưng tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp hiện không cao và càng về cơ sở, tỷ lệ này càng thấp. Ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ quản lý là 20%, huyện 10%, cơ sở chỉ có 7/160 nữ đảm nhiệm chức danh bí thư cấp xã. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp đạt 15%. Nhưng với tỷ lệ nữ quy hoạch như hiện tại, để đạt được kết quả như mong muốn đòi hỏi phải có sự cố gắng từ nhiều phía.

Trong các cơ quan, ban ngành nói chung, tỷ lệ nữ làm việc chiếm khá cao. Ông Trần Văn Cồn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, nói cấp ủy không quan tâm đúng mức công tác cán bộ nữ là không đúng. Thật ra, cái khó chính là nguồn cán bộ nữ rất hạn chế; hoặc có khi đưa ra bầu cử là lại bị gạt. Vì sao như vậy? Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh nói cho tới bây giờ vẫn còn không ít phụ nữ chưa xóa được mặc cảm tự ti, an phận, thiếu tự tin phát biểu trước đám đông. Phụ nữ làm công tác quản lý còn gặp không ít khó khăn về đối ngoại. Mặt khác, nếu có sự chọn lựa giữa gia đình và công việc thì phụ nữ đa số thiên về gia đình. Thực tế hơn, bà Nguyễn Thị Tình – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù ngành có 60% cán bộ, nhân viên là nữ nhưng muốn bố trí chị em có năng lực sang Phòng Tổ chức hành chính để thâm nhập thực tế thì đa số chị em không chịu. Do đặc thù của ngành nên làm công tác hành chính thu nhập sẽ thấp hơn chuyên môn.

Và một nguyên nhân khách quan không kém phần quan trọng là tư tưởng trọng nam kinh nữ thực chất vẫn còn tồn tại. Xét trong từng trường hợp cụ thể nào đó, giả sử về năng lực làm việc thì người nữ nhỉnh hơn nam. Nhưng khi đặt lên bàn cân chọn lựa thì nhiều người lại bình thản chọn nam như là lẽ đương nhiên. Ông Võ Thành Hạo – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, định kiến về giới vẫn còn. Phụ nữ hết giờ phải về nhà, vì công việc mà đi sớm về muộn thì mấy ông chồng thường không muốn. “Về mặt nhận thức thì cấp ủy nào cũng quan tâm nhưng đưa ra bầu cử thì nữ thường bị loại. Vấn đề của chúng ta là làm sao để thay đổi nhận thức về giới của mỗi người” – ông Võ Thành Hạo nói. Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Nam Bình – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu: Về quan điểm, cấp ủy quan tâm là có nhưng chưa đầy đủ, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nhận thức, quan điểm về giới còn hạn chế là lý do phụ nữ thường bị “thấp điểm” khi lấy phiếu tín nhiệm, bầu cử.

Phụ nữ bất lợi hơn nam giới do điều kiện sức khỏe, do phải có thời gian sinh con, nuôi dạy con, là người quán xuyến việc nội trợ chủ yếu trong gia đình. Vì thế phụ nữ ít có cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp như nam giới. Có chính sách cho phụ nữ tức là tạo bước đệm để phụ nữ khởi nghiệp ngang bằng nam giới và họ sẽ cùng bước đi. “Bước đệm” đó chính là những chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ nữ, giới nữ trong quy hoạch, đào tạo, bố trí. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu cho rằng cấp ủy nên quan tâm đưa nữ vào quy hoạch, từ thấp đến cao. Ở cấp trưởng, phó phòng là điều kiện để chị em trau dồi năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng giao tiếp. Ông Võ Thành Hạo thì nói phải có cơ chế phối hợp kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ nữ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Có như vậy, đến cuối nhiệm kỳ mới đủ nguồn cán bộ giới thiệu vào cấp ủy các cấp. Còn ông Huỳnh Nam Bình thi đề nghị công tác cán bộ nữ phải được mạnh dạn xây dựng thành tiêu chí bắt buộc. Xét chi bộ đạt vững mạnh phải đảm bảo có tỷ lệ cán bộ nữ hợp lý được không? “Đã đến lúc chúng ta phải đưa ra điều kiện cụ thể, không nói chung chung, bàn hoài sẽ không hiệu quả” – ông Nam Bình nhấn mạnh.

Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 11-NQ/BT của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ có quy định tỷ lệ nữ trong các ngành, các cấp. Vấn đề đặt ra ở đây là giải pháp thực hiện như thế nào để công tác này thật sự đạt hiệu quả, thiết thực. Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Cồn yêu cầu các cấp, các ngành phải quán triệt sâu sắc các nội dung, xây dựng chương trình hành động cụ thể, có kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Vấn đề của các địa phương hiện nay là tiếp tục rà soát lại quy hoạch A2, A3 để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 đạt hiệu quả.

Theo Bến Tre

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video