Tạo cơ hội để phụ nữ bán dâm tiếp cận những dịch vụ xã hội cần thiết

16/06/2017
Đó là 1 nội dung được đề cập trong Hội thảo tổng kết và bàn giao kỹ thuật Dự án Thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ bán dâm (PNBD) diễn ra tại Hà Nội ngày 15/6.

Xóa định kiến

Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 11.240 PNBD. Mặc dù bán dâm là bất hợp pháp nhưng chính phủ bắt đầu thay đổi cách xử lý vấn đề từ việc tập trung xóa bỏ mại dâm sang việc hỗ trợ giảm hại. Tuy vậy, PNBD vẫn chịu nhiều kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực. “Có ai biết 76% trong số chúng tôi đang bị bạo hành khi đang hành nghề mà chủ yếu bởi khách mua dâm. Ngay cả lúc bị phát hiện hành nghề, vẫn có 12% trong số chúng tôi bị đánh đập, sỉ nhục từ chính những người đang thi hành nhiệm vụ. Có phải vì làm gái mại dâm mà khi bị đánh, không ai sẵn sàng bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi cũng sợ không dám kêu, sợ bị bắt, sợ bị phạt, sợ bị khinh bỉ, sợ bị sỉ nhục...”. Đó là những dòng tâm sự đẫm nước mắt của chính các PNBD mong muốn xã hội nhìn công việc và con người họ một cách cảm thông, chia sẻ hơn.

Mọi người còn lặng đi trước những mong ước tưởng như nhỏ nhoi nhưng đầy xa vời của chị em bởi những định kiến của cuộc đời: “Có ai nghĩ chúng tôi cũng là những con người có cảm xúc, có đau buồn, có lòng tự trọng, có khát khao và biết đón nhận tình thương yêu, sự bảo vệ? Chúng tôi cần được bảo vệ bằng sự công bằng của pháp luật và tình yêu thương của con người. Trong thẳm sâu trong tâm khảm chúng tôi là những người phụ nữ muốn được đem sức lực chăm sóc bố mẹ, con cái. Trong giấc mơ, tôi khao khát được tôn trọng. Đừng dập tắt ước mơ được trở về ngôi nhà bình yên, được sống trong một cộng đồng xã hội đầy ắp yêu thương. Xin cho chúng tôi cơ hội được trở về!”.

Ngôi nhà chung cho chị em đồng cảnh ngộ

Không cam chịu trước những nỗi đau, 726 PNBD đã tìm kiếm hỗ trợ từ những chị em bán dâm khác và tìm hiểu về các quyền liên quan đến họ. Nổi bật là chị H.T.K.T đến từ Quảng Ninh. Từng là một người làm nghề bán dâm, sau khi tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Hội LHPN thành phố Hạ Long, chị T. đã dần thay đổi nhận thức và quyết tâm bỏ nghề. Chị lập gia đình năm 2003 và hiện có cô con gái xinh xắn. Từ những kinh nghiệm đúc kết được qua những năm tháng làm nghề, chị T. tích cực trong công tác hỗ trợ chị em bán dâm trong Câu lạc bộ “Chúng tôi là phụ nữ” thành lập từ tháng 7/2014 với sự hỗ trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Chi cục Phòng chống tệ nạn tỉnh Quảng Ninh.

Ở vai trò Chủ nhiệm CLB, chị góp tiếng nói bảo vệ quyền chính đáng của PNBD, giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bằng những kiến thức được tập huấn, cập nhật, thông qua những buổi sinh hoạt nhóm, đối thoại định kỳ, truyền thông và hoạt động thực tế tại cộng đồng, CLB đã nhận được sự thay đổi từ phía các ban ngành và có cái nhìn thiện cảm hơn đối với PNBD. CLB đã giúp cuộc sống chị em có nhiều thay đổi: Các chị em làm nghề đã hiểu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của họ; được trang bị nhiều kiến thức về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS; được tư vấn chuyển đổi và học nghề theo nhu cầu, được hỗ trợ một phần kinh phí để mở rộng kinh doanh sau khi chuyển đổi nghề. Chị em cũng đã có nhiều thay đổi hơn trong cách giao tiếp, ứng xử ngoài cộng đồng để không bị kỳ thị, phân biệt và nhận được nhiều sự giúp đỡ cũng như thiện cảm hơn đối với chị em làm nghề. Họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng, họ sống tôn trọng pháp luật nhằm làm giảm sự xa lánh đối với họ.

Không chỉ ở Quảng Ninh, các CLB “Chúng tôi là phụ nữ” ở TPHCM, Cần Thơ cũng đã trở thành cầu nối giữa PNBD với các dịch vụ sức khỏe, pháp lý, vay vốn và đào tạo nghề. 

Đây là những kết quả của dự án Thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của PNBD do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng triển khai từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2016, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ dự án, cán bộ của Cục PCTNXH và các chi cục PCTNXH được tập huấn về nguyên nhân và tác động của bạo lực và phân biệt đối xử đối với PNBD. Ngoài ra, công an và các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng được tăng cường hiểu biết về cách thức ứng xử trước các vụ việc bạo lực đối với PNBD.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Kim Dung - Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Lần đầu tiên, PNBD ở một số địa phương có thể tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ pháp lý và được trao đổi trực tiếp với chính quyền về các vấn đề của họ. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ tạo nền tảng để các tỉnh/thành khác áp dụng phương pháp và các công cụ dựa trên quyền vào công tác đối với PNBD ở địa phương”. 

Đồng ý kiến với bà Dung, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục PCTNXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - nhận xét rằng dự án phù hợp với chủ trương của chính phủ, đồng thời theo kịp xu hướng của thế giới trong công tác về mại dâm. Dự án tạo cơ hội để PNBD tiếp cận những dịch vụ xã hội cần thiết theo hướng giảm hại và đảm bảo quyền con người của mình.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video