Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ thoát nghèo

16/05/2016
Những nếp nhà sàn thấp thoáng bên sườn núi và hình ảnh những cô gái dân tộc Thái, dân tộc Mông thướt tha trong trang phục thổ cẩm mang sắc màu của núi rừng miền Tây xứ Nghệ đã để lại ấn tượng sâu sắc với những người từng đặt chân đến huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An.

Thổ cẩm, một trong những “đặc sản” của đồng bào dân tộc, và thổ cẩm Kỳ Sơn nay không còn bó hẹp trong khuôn khổ nét văn hóa của các dân tộc Thái, Mông ở Nghệ An mà được xuất ngoại, trở thành một trong những mặt hàng ưa chuộng. Để có được thành công ấy trên dãy Trường Sơn hùng vĩ là nhờ công đồng bào dân tộc Thái, Mông được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã không ngừng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Huyện nghèo bên mái Trường Sơn

Từ thành phố Vinh, vượt gần 300 km đường đèo dốc, men theo con đường bám cheo leo vào triền núi với những khúc cua tay áo, lởm chởm đá, chìm trong khói mây hun hút giữa đại ngàn, sau hơn 8 tiếng đồng hồ chúng tôi đã đặt chân đến Kỳ Sơn. Là một huyện miền Tây Nghệ An, tiếp giáp biên giới với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Li Khăm Xay (Lào), Kỳ Sơn có hơn 34 vạn dân sinh sống, gồm 5 dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh và Hoa. Huyện có 21 xã và 1 thị trấn thì có đến… 20 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Kỳ Sơn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, năng suất thấp, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên khiến tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 58%.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn. Thổ cẩm Kỳ Sơn là loại hàng vải dệt thủ công giàu họa tiết và các họa tiết này thường nổi lên mặt vải giống như được thêu. Ở Kỳ Sơn thổ cẩm thường để chỉ loại vải tự dệt, có hoa văn dệt theo phương pháp truyền thống của các dân tộc ít người. Thổ cẩm truyền thống thường sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng, gai nhuộm sậm. Hoa văn cũng bằng chỉ nhộm phẩm màu tự nhiên. Hoa văn thổ cẩm chủ yếu là hình chim thú, hoa lá. Hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo cảm giác hoang sơ huyền bí, mỗi hoa văn là biểu tượng của một dân tộc. Sản phẩm thổ cẩm Kỳ Sơn thường sặc sỡ, được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm, cứng của sản phẩm đều có thể theo ý muốn của người làm ra nó. Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm sẽ cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ dân tộc ở Kỳ Sơn.

Các cô gái ở Kỳ Sơn đều rất giỏi thêu thùa. Trời phú cho họ đôi bàn tay khéo léo để dệt thêu thổ cẩm. Đến nơi nào có người Thái, người Mông sinh sống cũng dễ dàng tìm thấy một chiếc khung cửi dệt vải thổ cẩm bên hiên nhà. Người phụ nữ Thái, phụ nữ Mông giữ gìn nghề dệt thổ cẩm như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong nhà mình. Truyền thống phụ nữ các dân tộc ở Kỳ Sơn đều rất coi trọng quần áo, vải vóc và rất chú ý đến trang phục. Bởi họ quan niệm, quần áo còn thể hiện văn hóa dân tộc và tính cách của người phụ nữ. Phụ nữ dân tộc Mông, Thái…coi việc thêu thổ cẩm là công việc đương nhiên, hằng ngày. Nếu có người con gái nào không biết dệt vải, thêu thùa, cũng có nghĩa là gia đình không có quần áo để mặc. Những kỹ năng thêu thùa, khâu vá đã trở thành một trong những yếu tố đánh giá người phụ nữ đảm đang. Chưa đến trường học chữ, các bé gái dân tộc Thái, Mông đã được bà, mẹ dạy cho cách thêu thùa. Đến tầm 12 - 13 tuổi, các em gái có thể thành thạo trong các kỹ thuật pha màu, phối sắc sao cho đẹp và bắt mắt, cách chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu, cách thêu… Một trang phục bằng thổ cẩm được hoàn thành phải trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian. Nguyên liệu màu đã có sẵn trong tự nhiên như cây củ nghệ, lá cơm xôi…được kết hợp tinh tế và thẩm mỹ cao, tạo nên nhiều mẫu mã, sản phẩm đẹp với màu sắc hài hòa, tinh tế. Cô gái nào cũng tự thêu may quần áo, khăn đội đầu, túi đeo vai, đặc biệt là bộ đồ cưới trước khi về nhà chồng… Dưới màu xanh của những tán lá rừng, của những cây cổ thụ vươn mình đón ánh nắng và khí trời, những bộ trang phục thổ cẩm của đồng bào các dân tộc như Thái, Mông nhiều màu sắc như những “vũ điệu sắc màu” ở miền sơn cước. Ai đã một lần đến huyện miền Tây xứ Nghệ này, chắc hẳn không thể không dừng chân để được chiêm ngưỡng những người phụ nữ miệt mài bên khung cửi, dệt những mảnh thổ cẩm đa sắc màu, niềm say mê thể hiện trong từng sợi chỉ, mũi kim.

Người phụ nữ ở Kỳ Sơn khéo léo, lam làm thế nhưng cơ hội sinh kế ít nên vẫn cứ bị cái đói, cái nghèo bủa vây bốn mặt. Rồi thì cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, dân trí thấp, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, nghề phụ không phát triển cứ như sợi dây trói chặt cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình ở Kỳ Sơn.

Hướng thoát nghèo của phụ nữ Kỳ Sơn

Nhận thấy thổ cẩm sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc ở kỳ Sơn, các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã nỗ lực không ngừng để khôi phục, phát triển nghề thổ cẩm. Từ năm 2003 đến năm 2008, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức các lớp học dệt thổ cẩm cho phụ nữ các xã. Năm 2011, thông qua Dự án bảo tồn văn hóa truyền thống do Luxembourg tài trợ, nghề dệt truyền thống tại các xã Hữu Lập, Phà Đánh, Nậm Cắn…đã được phục hồi. Từ thành công ban đầu ấy, Liên minh các Hợp tác xã Nghệ An và UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ. Việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lãnh đạo huyện Kỳ Sơn xem như việc làm không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống cư dân bản địa mà còn là một cách giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào. Các lớp dạy nghề dần dần không chỉ dành riêng cho chị em đã có gia đình mà còn thu hút đông đảo lớp trẻ có tay nghề cao tham gia trong việc dạy truyền nghề, phát triển nghề truyền thống. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Kỳ Sơn đang được khơi dậy và phát triển, nhiều làng có nghề đang vươn lên thoát khỏi đói nghèo như: Xốp Thập, Nản Na (xã Hữu Lập); Phiêng Pô ( xã Phà Đánh); Cầu Tám (xã Tà Cạ); Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn)…

Nép mình bên Quốc lộ 7A, huyết mạch giao lưu kinh tế, văn hóa của miền Tây Nghệ An, bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn với 114 hộ đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ nghề dệt thổ cẩm. Chị Vi Thị Tình, người Thái, tổ phó nhóm dệt thổ cẩm cho biết: “Trước đây, chị em trong bản đều dệt vải nhưng chỉ phục vụ nhu cầu gia đình, ít khi có sản phẩm mang đi bán. Tháng 4-2009, nhóm dệt thổ cẩm của chúng tôi (gồm 7 người) được Oxfam hỗ trợ 10 triệu đồng/người không lãi suất để phát triển nghề dệt, toàn bộ sản phẩm làm ra được Công ty Craft Link và cửa hàng thổ cẩm Hoài Linh (Hà Nội) tiêu thụ. Có việc làm, chúng tôi rất háo hức, ai cũng hăng hái dệt những mẫu khăn, mẫu áo đẹp nhất”.

Đến nay, nhóm dệt thổ cẩm của chị Tình đã có 31 chị em tham gia, sản xuất chủ yếu là khăn, áo, túi xách, đồ trang trí... Nhóm đã tích lũy được 70 triệu đồng tiền vốn, số tiền này do tổ trưởng của nhóm nắm giữ để mua nguyên liệu rồi chia cho chị em dệt, tiền lãi sẽ trả cho chị em theo sản phẩm. Chị Tình cho biết thêm, nhóm của chị vừa được vay thêm vốn, vừa tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, doanh thu đạt 120 triệu đồng. Không những được hỗ trợ vốn, giới thiệu đầu ra, Oxfam còn đưa các chị đi tham gia hội chợ miễn phí. Chị Vi Thị Tình tâm sự: “Tham gia vào nhóm dệt thổ cẩm, tôi có cơ hội đi dự các hội chợ và tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Điều quan trọng là tại đây, chúng tôi đã tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó làm ra những sản phẩm được mọi người ưa chuộng, có giá trị cao như khăn, gối, tranh thêu...”. Do hoạt động hiệu quả, các thành viên đều tăng thu nhập nên đến nay, nhóm dệt thổ cẩm của chị Tình đã tăng từ 7 người lên 31 người. Cứ sau một đợt bán hàng, các chị lại trích một phần lợi nhuận để giúp đỡ những chị em còn khó khăn. Do chú tâm nâng cao tay nghề, sản phẩm của chị em phụ nữ ở Noọng Dẻ đã khẳng định thương hiệu, chiếm được lòng tin của khách hàng, mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Theo chị Lương Thị Văn, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Noọng Dẻ: Tính đến nay, bản đã có khoảng 100 hộ gia đình theo nghề dệt thổ cẩm và đã đem về nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống cho các gia đình. Sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ Noọng Dẻ luôn được khách hàng gần xa ưu chuộng, bởi chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, tinh tế trong cách trang trí hoa văn và hài hòa trong phối màu… Tay nghề của các chị ngày càng được nâng cao, có những cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đưa nguyên liệu và bản thiết kế mẫu về tận nơi để thuê chị em dệt.

Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có 19 làng nghề, với trên 600 lao động tham gia. Tuy thu nhập của các thành viên làng nghề chưa cao, nhưng đã giải quyết việc làm cho bà con các dân tộc và khôi phục, bảo tồn được nghề truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất thổ cẩm truyền thống ở Kỳ Sơn vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa có quy mô hướng tới sản xuất hàng hóa. Khung dệt của bà con chủ yếu vẫn làm từ thanh tre, ống nứa. Cách làm, công cụ thủ công nên sản phẩm tạo ra không được nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã còn hạn chế, chủ yếu là khăn, mặt chăn, mặt gối, riềm chăn đệm… Do vậy cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để hộ gia đình ở các làng nghề mua sắm, cải tiến khung, thoi, lược, dệt...giúp cho người lao động tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Những làng nghề thổ cẩm ở Kỳ Sơn mong muốn các cấp chính quyền giúp đỡ, kêu gọi đầu tư thêm vốn xây dựng nhà xưởng, khu trưng bày sản phẩm để có điều kiện thu hút thêm nhiều khách du lịch, có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc này sẽ phát huy lợi thế về địa hình bởi Kỳ Sơn cách Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn không xa, lại nằm cạnh tuyến đường chiến lược về giao lưu kinh tế và phát triển du lịch, dịch vụ. Đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu mối phát triển làm nòng cốt tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo đà cho các làng nghề phát triển ổn định và bền vững, duy trì và phát triển nguồn lao động làm nghề. Bên cạnh đó, cần có chính sách đồng bộ về đào tạo nghề , cho bà con vay vốn, năng động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh là việc làm cần thiết.

Thổ cẩm Kỳ Sơn nay không còn quanh quẩn ở các bản nhỏ hoang sơ miền Tây xứ Nghệ mà đã được chắp cho đôi cánh để vươn xa, đến các thành phố như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và hứa hẹn tương lai không xa sẽ đi ra thế giới...Cũng vì thế mà cuộc sống của đồng bào Thái, Mông ở Kỳ Sơn, nhất là chị em phụ nữ bớt khó khăn.
Người phụ nữ Kỳ Sơn bao đời chỉ quẩn quanh ở nhà với bếp núc, nương rẫy, bó lanh và sợi gai giờ không chỉ quanh quẩn ở mấy ngọn núi quanh nhà mà có thể đi xa, về Thủ đô, ra thế giới, đã biết làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu từ chính những sản phẩm địa phương mà bao đời bà, mẹ, chị của họ đã chăm chỉ, cặm cụi làm ra và truyền nghề cho họ.

Theo: Hồng Nhung - Tạp chí Nhân quyền Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video