Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn: Nhiều khởi sắc

24/01/2019
Trong thời gian gần đây, nhờ các chính sách, chiến lược quốc gia về hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm cho phụ nữ nông thôn, nhiều phụ nữ nông thôn đã có cơ hội tìm việc và tự tổ chức hoạt động kinh doanh, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Theo Tổng cục Thống kê, tại vùng nông thôn, tỉ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp là 63,4%. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay đối tượng này vẫn gặp phải nhiều thách thức trước mục tiêu tìm việc làm bền vững như: Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và tập trung ở khu vực nông thôn; chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao.

Để hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng giúp họ tiếp cận được các quyền cơ bản, mới đây, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu đưa 100% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, các chính sách nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng hoàn thiện. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017… Phụ nữ nông thôn ngày càng được tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách, chương trình này. Đến nay, ước tính có trên 46% lao động nữ trong tổng số lao động được học nghề theo các đề án, chương trình của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội,

Nhờ vậy, tại một số địa phương, chị em phụ nữ đã tự mở các xưởng may, xưởng thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, thậm chí thoát nghèo.

Đơn cử như: trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã có 7 cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động nữ ở xã và các xã lân cận. Nhiều chủ cơ sở trước đây là nữ công nhân may tại thành phố Hồ Chí Minh, giờ về quê lập nghiệp. Họ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất và tạo việc làm cho nhiều chị em nông thôn. Trung bình mỗi cơ sở may nhận gia công mỗi tháng khoảng 10 ngàn sản phẩm may mặc, chủ yếu là quần tây, áo khoác, áo thun…

Hay như các xưởng tiểu thủ công nghiệp trên địa huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, điển hình là Tổ hợp đan lục bình của chị Đoàn Kim Loan (ấp Long Định, xã Hòa Định) góp phần tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ lớn tuổi tại địa phương từ việc làm ra các sản phẩm được đan từ lục bình để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện tại, Tổ hợp đan lục bình của chị Loan thu hút hơn 40 lao động trong xã Hòa Định và xã Xuân Đông tham gia. Hàng tháng, chị Loan giao gần 2.000 sản phẩm đan lục bình hoàn chỉnh cho các công ty, tùy theo kích thước và độ khó mà mỗi sản phẩm đan chị có lời từ 2.000 - 5.000 đồng…

Một ví dụ khác như ở huyện Na Hang (Tuyên Quang), phụ nữ chiếm khoảng 50% số người trong độ tuổi lao động. Trong thời gian qua, các cấp, ngành của huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ. Hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp tiến hành rà soát, đăng ký nhu cầu học nghề trong hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động cho hội viên, phụ nữ. Ngoài ra, Hội còn khai thác, quản lý hiệu quả nhiều nguồn vốn, dự án để hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, giảm nghèo...

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song huyện Na Hang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đối với công tác tạo việc làm cho lao động nữ. Theo đại diện Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện, việc thực hiện dự báo về việc làm, thu nhập của người lao động sau khi học nghề còn chưa sát thực tế. Nhận thức của lao động nữ về học nghề còn hạn chế, chủ yếu là tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn về nông, lâm, ngư nghiệp.

Để khuyến khích phụ nữ nông thôn lập nghiệp, tự mở hộ kinh doanh, theo ý kiến nhiều chuyên gia, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đa dạng, linh hoạt các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo; gắn chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp…

congthuong.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video