Tập thể nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia 2019: Bền bỉ trong hành trình “săn” virus vì sức khỏe cộng đồng

18/05/2020
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng, Trưởng phòng thí nghiệm Cúm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), chia sẻ, tập thể các nhà khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus của Viện nhận tin đoạt giải Kovalevskaia năm 2019 khi đang dồn toàn lực trực chiến "săn" virus giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tập thể cán bộ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Ảnh: NVCC

Hết mình vì công việc

Rất khó để gặp được cả 9 thành viên của tập thể nữ đạt giải Kovalevskaia năm 2019 vào thời điểm này bởi giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các chị bị cuốn vào guồng quay của công việc. Cuộc gặp diễn ra khi một số chị vừa rời phòng thí nghiệm, những vết hằn do đeo khẩu trang còn in rõ trên mặt; vali, túi xách đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ kết thúc phỏng vấn là... lên đường đi công tác.

Mở đầu câu chuyện, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, từ ngày 28 Tết đến giờ các chị quay cuồng với việc "săn" virus. "Có những ngày 24/24 tiếng phải trực chiến. Đêm 30 Tết, trong lúc các gia đình đoàn tụ thì chúng tôi vẫn phải làm. Tinh thần của mọi người đều rất cao. Có bạn con chưa đầy 1 tuổi, tôi động viên bạn nhanh nhanh hoàn thành phần việc của mình để về với con, nhưng bạn đó nhìn sang đồng nghiệp bên cạnh, một ông bố có con mới 3 tháng tuổi đang ốm mà vẫn miệt mài làm, nên lại cố. Cả tập thể 12 người, gồm: 9 nữ, 3 nam, đều căng mình vì công việc!".

 

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai từng nhận giải thưởng Nữ khoa học trẻ châu Á năm 2009; PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng từng là nhà khoa học nữ đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2019…

 

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chia sẻ, virus cúm luôn có khả năng biến thành đại dịch, ảnh hưởng đến xã hội, gây ra gánh nặng bệnh tật tương đối lớn với người già trên 65 tuổi và trẻ em. Các nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Cúm sẽ hỗ trợ tốt cho hệ thống giám sát toàn cầu, cung cấp thông tin cho cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, dự báo được khả năng bùng phát dịch hay không. Từ đó có biện pháp phòng, chống, tìm ra vaccine nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà cả các quốc gia khác". Các kết quả đã được ghi nhận trong 143 bài báo quốc tế với chỉ số ảnh hưởng và trích dẫn cao như Lancet (IF:47,83), PNAS (IF:9,9), PLOS pathogens (IF:9,65), Theranostics (IF:8,854)... Trong đó, các nhà khoa học nữ của Trung tâm là tác giả đứng tên đầu của 17 bài báo quốc tế... Bên cạnh đó, công tác đào tạo và nghiên cứu cũng được ghi nhận với nhiều nghiên cứu sinh và thạc sĩ đã tốt nghiệp, 6 đề tài khoa học cấp nhà nước, 2 đề tài Nafosted... và sách chuyên khảo, sách quốc tế.

 

“Tôi thấy yên tâm khi có những người kế tiếp công việc khó khăn thầm lặng này. Tôi vẫn động viên các đồng nghiệp của mình rằng, đã làm rồi thì hãy yêu lấy nó. Khi yêu, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, tâm lý thoải mái hơn khi làm việc. Nếu không yêu, bạn sẽ luôn cảm thấy khó chịu, không hài lòng. Với khoa học, điều này rất nguy hiểm”.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai

Công việc mà tập thể nữ Phòng thí nghiệm Cúm đang làm vô cùng nguy hiểm bởi phải thực hiện trong phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3, áp suất âm- đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là nơi có thể thực hiện những thao tác xét nghiệm trên các mầm bệnh nguy hiểm mà không lo nó phát tán ra môi trường bên ngoài. "Khi vào phòng này, các nghiên cứu viên được bảo hộ kỹ lưỡng để ngăn ngừa phơi nhiễm. Bộ quần áo bảo hộ không nặng nhưng mặc vào sẽ có cảm giác như đang xông hơi, không dễ chịu chút nào. Đeo khẩu trang N95 thì phổi phải tập yoga cực khỏe mới chịu được. Nếu làm việc trong phòng thí nghiệm 2 tiếng là phải đeo máy thở, rất nặng, vặn vẹo người còn khó", PGS.TS Quỳnh Mai kể.

Phòng thí nghiệm Cúm được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán. Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên được điều trị tại Bệnh viện Việt-Pháp bằng phương pháp sinh học phân tử (3/2003). Virus SARS-CoV- một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003. 

Phòng thí nghiệm Cúm được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán. Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên được điều trị tại Bệnh viện Việt-Pháp bằng phương pháp sinh học phân tử (3/2003). Virus SARS-CoV- một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003.

 

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: An Huy

17 năm sau, tập thể ấy đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia trên thế giới phân lập thành công virus corona chủng mới đang hoành hành tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành công này sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc phòng ngừa, nghiên cứu phát triển vaccine phòng, chống Covid-19.

"Thành tích có được, mình chỉ dám nhận 20%"

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus, người mới rời khỏi phòng thí nghiệm, vẫn còn nguyên những vết hằn trên khuôn mặt, chia sẻ, trong giai đoạn này, nhiều người gọi nhóm nghiên cứu là "bác sĩ du kích" chống dịch như chống giặc. Để có thể tập trung toàn bộ thời gian, tâm sức cho việc nghiên cứu, các thành viên của Phòng thí nghiệm Cúm đều biết ơn "hậu phương" đã thông cảm và thấu hiểu cho công việc của mình. "Bình thường, ngày nghỉ, vợ chồng tôi thường tranh thủ đưa các con về thăm ông bà nội, ngoại, không mấy khi bọn trẻ được đi chơi đâu, trừ dịp hè", PGS.TS Khánh Hằng tâm sự.

Các cán bộ của Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC

Mỗi khi tập trung vào nghiên cứu là họ có thể quên thời gian. Đó là lý do khiến chị Quỳnh Mai thi thoảng lại quên đón con ở trường học. "Hồi đó, tôi không sợ sếp quát, không sợ chồng mắng, chỉ có nỗi sợ duy nhất là con sẽ giận mẹ", chị Quỳnh Mai tâm sự.

 

Hiện tại, tôi chỉ ước ao được mặc váy. Chiếc váy mua để diện Tết vẫn treo một góc vì những ngày này phải mặc quần áo để chạy cho nhanh”.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai

 

"Mọi người thường nhắc đến danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" nhưng cán bộ Phòng thí nghiệm Cúm chỉ dám nhận Giỏi việc nước", chị Mai nói vui. Công việc khiến các chị phải từ bỏ những sở thích rất phụ nữ như để móng tay, sơn vẽ móng tay bởi "móng tay, móng chân của chúng tôi lúc nào cũng phải cắt cụt lủn".

 

9 nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, gồm: PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai; TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus; PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus; ThS. Lê Thị Thanh; ThS. Ứng Thị Hồng Trang; ThS. Nguyễn Phương Anh; ThS. Trần Thị Thu Hương; cử nhân Phạm Thị Hiền; cử nhân Hoàng Thu Hương.

 

Hiện tại, 100% thành viên Phòng thí nghiệm Cúm đều đã lập gia đình. "Tôi mừng lắm vì làm việc ở Phòng thí nghiệm khó có cơ hội quen biết với người khác giới. Công việc lặng lẽ, khả năng giao tiếp xã hội không giỏi. Những người chấp nhận lấy vợ ở Phòng thí nghiệm cúm đều xứng đáng được phong là anh hùng bởi bất cứ lúc nào vợ cũng có thể làm việc qua đêm ở Phòng thí nghiệm, ngày thường giờ giấc cũng lung tung, thời gian dành cho gia đình, chồng con không nhiều. Những thành tích mà chúng tôi có được phải chia cho bạn đời đến 80%, mình chỉ dám nhận 20% thôi", chị Quỳnh Mai bày tỏ.

Tiếp nối truyền thống

Khi biết Phòng thí nghiệm Cúm đoạt giải Kovalevskaia năm 2019, nhiều đồng nghiệp ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thấy rất mừng. Đây là giải thưởng mà năm 1999, tập thể nữ ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng từng nhận được. "Giải thưởng này càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi đã nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, tiếp bước những người thầy của mình. Đó là điều chúng tôi thấy tự hào và rất trân trọng", PGS.TS Quỳnh Mai hào hứng chia sẻ.

 

Hồi các con còn nhỏ, tôi không nghĩ nhiều về công việc mình đang làm. Nay con đầu chuẩn bị vào cấp 3, khi nói chuyện đến nghề nghiệp mà con muốn làm trong tương lai, con bảo không muốn theo nghề của mẹ vì quá nguy hiểm!”

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng

Chị Quỳnh Mai có 31 năm gắn bó với công việc, chị Khánh Hằng cũng đã 21 năm, người trẻ nhất trong nhóm là Ứng Thị Hồng Trang cũng có hơn 10 năm... "Chúng tôi đã cùng nhau trải qua mấy đợt dịch nên giờ cảm thấy yên tâm hơn trong hành trình chiến đấu với virus", chị Khánh Hằng nói.

 

Theo thông tin từ TƯ Hội LHPN Việt Nam, Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 19/5/2020 nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội). Ngoài tập thể khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 còn được trao cho 1 cá nhân. Đó là PGS.TS.Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video