Tây Ninh: Chi hội An toàn cho trẻ em ở thị trấn Dương Minh Châu

10/03/2020
Tháng 4/2019, Hội LHPN thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã xây dựng hai mô hình điểm “Chi hội an toàn cho trẻ em”.
Các chị trong chi hội An toàn cho trẻ em thị trấn Dương Minh Châu tặng quà cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn

Nhận thấy thời gian qua, trên địa bàn vẫn còn tình trạng trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ gia tăng do các em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, các bậc phụ huynh cũng thiếu thông tin và kiến thức bảo vệ con, tháng 4/2019, Hội LHPN thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã xây dựng hai mô hình điểm “Chi hội an toàn cho trẻ em”, mỗi mô hình gồm 07 thành viên là những người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tuyên truyền, vận động trong chi, tổ hội.

Sau khi thành lập mô hình, Hội LHPN thị trấn đã tổ chức 2 lớp tập huấn trang bị cho các thành viên về các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ an toàn cho trẻ em tránh nguy cơ bị xâm hại; đồng thời định hướng hoạt động, cách giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các nội dung theo kế hoạch đề ra.

Sau tập huấn, các thành viên đã nắm tình hình, tiến hành rà soát, lập danh sách các gia đình, nhất là trẻ em có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, trẻ em mồ côi, gia đình có bố mẹ mâu thuẫn, có nguy cơ vướng vào các vấn đề xã hội để có giải pháp hỗ trợ. Kết quả rà soát, có trên 50 em có nguy cơ cần được giúp đỡ, hỗ trợ (trẻ sống với ông bà do cha mẹ đi làm ăn xa; hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không có thời gian quan tâm đến trẻ, trẻ có cha mẹ ly hôn…). Tổ đã tiến hành phân loại các nhóm gia đình có nguy cơ và bàn bạc biện pháp giúp đỡ cụ thể.

Hội và các thành viên của mô hình Chi hội an toàn cho trẻ em đã gặp gỡ, giáo dục, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, giúp các em có khả năng nhận biết những dấu hiệu, chiêu trò, thủ đoạn của đối tượng có ý đồ xâm hại; các quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại như không ở trong phòng kín một mình với người lạ; không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không có sự cho phép của cha mẹ; không để cho người lạ đến gần; không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình...; cách xử lý khi bị xâm hại (nói chuyện với bố, mẹ, người thân về việc đã xảy ra; không giấu diếm mọi chuyện để tránh gây hại cho những bạn khác...). Qua đó giúp các em biết cách ứng phó trước những tình huống xấu, biết cách phòng tránh và tự bảo vệ khi bị xâm hại.

Cùng với đó, Ban Điều hành mô hình cùng với Hội phối hợp với các trường học, ngành văn hóa tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích; tổ chức các lớp học bơi cho trên 300 em học sinh để phòng, chống đuối nước; Vận động thầy cô giáo quan tâm hơn đến các em học sinh để kịp thời phát hiện, không để những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trẻ em bị bạo lực học đường, bị bạo hành gia đình mà nhà trường, thầy cô không biết.

Với những trẻ em có nguy cơ cao như gia đình khó khăn, cha mẹ không có thời gian chăm sóc; cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn; gia đình có thành viên (người cha) thường xuyên uống rượu...các thành viên phân công thay phiên đến nhà thăm hỏi, tư vấn, vận động gia đình không dùng bạo lực khi răn dạy con cái; tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ bằng cách không nên tin vào người lạ, hạn chế để trẻ ở nhà một mình, nhất là trẻ em gái; quan tâm, gần gũi để tạo điều kiện cho trẻ thường xuyên nói chuyện để giúp trẻ tin tưởng, an tâm chia sẻ mọi việc. Đã có trên 200 ông bố, bà mẹ được tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật quy định liên quan công tác bảo vệ trẻ em như Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò, nghĩa vụ của cha mẹ trong gia đình, trong việc chăm sóc, bảo vệ con cái....; Tổ chức Hội nghị giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các ông bố/bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, qua đó, tạo điều kiện để cha mẹ được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cách xử lý nếu con rơi vào tình huống bị xâm hại, phương pháp giáo dục, chăm sóc để con được đảm bảo nuôi dưỡng trong môi trường an toàn.

Bên cạnh đó, thành viên mô hình còn tham mưu Hội LHPN huyện hỗ trợ, giúp đỡ vốn cho 03 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/hộ để chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, có điều kiện chăm lo cho con em mình; trao 17 suất học bổng cho 17 con em của các hộ gia đình khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng để tiếp tục đến trường; trao tặng 10 thẻ bảo hiểm y tế cho 10 em học sinh nghèo với tổng số tiền 5 triệu đồng.

Qua gần 1 năm thực hiện mô hình Chi hội an toàn cho trẻ em, 100% trẻ em có nguy cơ và 70% trẻ em và ông bố/bà mẹ trên địa bàn thị trấn Dương Minh Châu được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại. Kết quả hoạt động của mô hình đã góp phần giảm đáng kể tình trạng trẻ em bị xâm hại so với các năm trước. Theo báo cáo của công an thị trấn, đến cuối năm 2019, trên địa bàn khu phố 2 nói riêng, thị trấn Dương Minh Châu nói chung không có trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc bị tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thư Trà

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video