Tây Ninh: Phát huy vai trò của phụ nữ Khmer trong xây dựng nông thôn mới

30/06/2022
Hoà Hội là xã biên giới của huyện Châu Thành, có hơn 800 hộ dân, trong đó có 35 hộ dân tộc Khmer với hơn 130 nhân khẩu, tập trung ở ấp Bố Lớn là 32 hộ, sinh sống bằng nghề làm thuê.
Một buổi sinh hoạt của Chi hội phụ nữ ấp Bố Lớn.

Trong thời gian qua, Đảng uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer nhằm xây dựng đời sống ấm no, gia đình hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Hội cho biết, xác định đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân cư của xã. Hội Phụ nữ xã cùng với chính quyền địa phương tích cực chăm lo đời sống, quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em và phát động phong trào phụ nữ Khmer chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng những việc làm cụ thể thiết thực.

Theo bà Keo Ônl - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn, để công tác xây dựng NTM đi vào nề nếp, trở thành nếp nghĩ, thói quen hằng ngày của chị em dân tộc, Chi hội Phụ nữ ấp thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ, hội để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với các hoạt động tham gia xây dựng NTM ở địa phương.

Chi hội còn xây dựng các mô hình thực hiện các cuộc vận động, phong trào của Hội, tập trung vào các tiêu chí “Gia đình không đói nghèo” và “Gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” vun đắp tình làng nghĩa xóm làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Hội cho biết thêm: “Do tập quán sinh hoạt và điều kiện kinh tế khó khăn, các gia đình người Khmer không có nhà vệ sinh nên việc vận động xây nhà vệ sinh là điều cần thiết để bảo vệ sức khoẻ, giữ gìn môi trường. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu, Hội LHPN xã còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 10 triệu đồng xây nhà tắm, nhà vệ sinh kiên cố.

Sắp tới, Hội sẽ vận động mạnh thường quân sửa chữa nhà vệ sinh hư hỏng cho các hộ có nhu cầu. Từ mô hình trên, toàn ấp có 80% gia đình hội viên đạt tiêu chí “Gia đình 5 không 3 sạch”, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích hạn chế sử dụng túi ni-lông khi đi chợ, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”.

Chị Dốt Xà Mon, ngụ tổ 4, ấp Bố Lớn được địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng xây nhà vệ sinh kiên cố. "Từ xưa đến nay tôi không nghĩ đến việc làm nhà vệ sinh. Khi Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động mới thấy rõ lợi ích vì nó giữ gìn vệ sinh, hạn chế dịch bệnh"- chị Dốt Xà Mon nói.

Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn trao quà cho trẻ em dân tộc trong ấp.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn tổ chức cho các tổ nuôi heo đất tiết kiệm mỗi người từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/ngày và góp vốn xoay vòng không tính lãi, mỗi chị góp mỗi tháng 500.000 đồng. Với số tiền tiết kiệm, các chị không chỉ có vốn mua sắm đồ dùng gia đình mà còn sử dụng mua bảo hiểm y tế cho chị em, đến nay tỷ lệ mua bảo hiểm y tế của Chi hội đạt trên 80%.

Chị Keo Óch chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, cuộc sống chỉ đủ ăn với số tiền làm mướn. Được Chi hội tổ chức nuôi heo đất và góp vốn xoay vòng hỗ trợ được mua bảo hiểm y tế, tôi mừng lắm, bây giờ có thẻ bảo hiểm y tế khi đau bệnh lên bệnh xá khám và lấy thuốc theo bảo hiểm y tế, đỡ đi phần nào chi phí sinh hoạt trong gia đình”.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho chị em đồng bào Khmer, Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn còn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn chị em phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số và các kỹ năng nuôi dạy con cái không vi phạm nạn tảo hôn.

Chị Keo Runl- Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn vui vẻ nói với chúng tôi: “Được Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động, đến nay các hộ gia đình người Khmer trong ấp đều cho con em trong độ tuổi đến trường đạt 100% theo chỉ tiêu. Bà con người Khmer nói chung và phụ nữ dân tộc nói riêng ngày càng tin tưởng, tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống gia đình góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Mỗi năm, đồng bào Khmer có nhiều lễ hội, được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã hướng dẫn, bà con đã tổ chức lễ hội trên tinh thần an toàn, tiết kiệm”.

 “Điều đáng mừng của chúng tôi là cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc Khmer trong ấp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong tham gia xây dựng NTM, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xã được công nhận đạt xã NTM vào năm 2018. Đến ấp Bố Lớn, bạn sẽ cảm nhận được sự thay da, đổi thịt của làng quê. Con đường nhỏ hẹp, lầy lội ngày nào được thay bằng đường bê tông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây được nâng lên đáng kể”- chị Phạm Thị Mai Chi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Hội nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hiếu- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hội khẳng định, công tác chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương quan tâm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tình hình an ninh trật tự ổn định, các hủ tục ma chay, cưới hỏi và các tệ nạn xã hội không còn, con em đồng bào được đến trường, không vi phạm pháp luật.

Với những đóng góp trong phong trào xây dựng NTM, đồng bào Khmer nói chung, cán bộ, hội viên phụ nữ người Khmer nói riêng ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong tham gia xây dựng NTM. Từ đó góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vững mạnh.

baotayninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video