Thái Bình: Biến đất hoang thành vùng dược liệu bạc tỷ

22/08/2020
Với những nỗ lực không mệt mỏi cải tạo những khu đất bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người thành vùng dược liệu theo hướng hữu cơ, chỉ trong năm đầu tiên, THT Gồ Trại lãi ròng hơn 300 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Duyên, tổ trưởng THT Gồ Trại giới thiệu vệ giống bạc hà Đài Loan.

Dù có một công việc ổn định với mức lương khá trên thành phố, nhưng chị Bùi Thị Duyên (32 tuổi) ở thôn 2 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy (Thái Bình) vẫn quyết định bỏ về quê, thành lập THT Gồ Trại, phát triển vùng dược liệu theo hướng hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu sạch, thu hút các công ty, doanh nghiệp thu mua số lượng lớn.

Từ những khu đất bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người, các thành viên của tổ hợp tác (THT) Gồ Trại đã cải tạo thành vùng nguyên liệu bạc tỷ. Với những nỗ lực không mệt mỏi, chỉ trong năm đầu tiên, THT lãi ròng hơn 300 triệu đồng, giúp các thành viên ổn định cuộc sống.

Trồng dược liệu an toàn, thân thiện với môi trường

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng dược liệu giả, kém chất lượng tuồn vào thị trường theo đường biên giới. Các doanh nghiệp trong ngành dược liệu ráo riết tìm kiếm các vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Nắm bắt tình hình đó, THT Gồ Trại phát triển vùng nguyên liệu với tổng diện tích 1ha, trồng chủ yếu các loại cây dược liệu, gia vị như bạc hà, điền thanh, hương nhu, hoắc hương, húng chanh, diếp cá, ngải cứu, tía tô…

Cây dược liệu được trồng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng nhiều kỹ thuật xử lý vi sinh để cải tạo và bổ sung dinh dưỡng cho đất. Thay vì, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, trừ sâu, THT làm cỏ bằng phương pháp thủ công, coi “cỏ là tài nguyên” bởi khả năng che phủ, giữ đất không bị thoái hóa bạc màu.

Thay vì sử dụng phân bón hóa học, THT bổ sung phân chuồng ủ hoai hoặc ủ cỏ, rơm rạ với men vi sinh, tạo ra chất mùn hữu cơ cho đất. Chị Bùi Thị Duyên, tổ trưởng THT Gồ Trại cho biết: “Người làm nông nghiệp hữu cơ thì không sợ cỏ. Chúng tôi yêu đất, yêu cỏ, biết cách tận dụng cỏ trở thành vàng ròng”.

Hiện nay, 50% diện tích dược liệu của THT dành để trồng cây bạc hà. Cây bạc hà cho năng suất cao, các thành viên có thể tận dụng lá để làm bột bạc hà, mật ong bạc hà; thân, lá làm lá thơm xông tắm, mỹ phẩm; rễ bán làm giống. Mỗi năm, cây bạc hà cho thu 2 vụ, sản lượng khoảng 2 tấn/vụ. Sản phẩm bột bạc hà có giá trị 1,6 triệu đồng/kg.

Hiện nay, 50% diện tích dược liệu của THT dành để trồng cây bạc hà.

Chính bởi chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm uy tín nên nguồn cung không đủ cầu. Thị trường tiêu thụ của vườn dược liệu chủ yếu được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua nguyên liệu tươi để làm dược phẩm. Bên cạnh đó, THT cũng chế biến một số sản phẩm từ thảo dược như: bột bạc hà, lá thơm xông tắm, lá thơm ngâm chân, mỹ phẩm thảo dược… bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Xuất phát điểm với 3 thành viên, đến nay THT đã thu hút thêm 4 thành viên, đa phần là người trẻ có bằng đại học, cao đẳng. Tiêu chí phát triển của THT là sản xuất nông nghiệp sạch gắn liền với bảo vệ môi trường. Những chiến dịch truyền thông, bán sản phẩm luôn gắn liền với thông điệp 3R (Reuse – Recycle – Return, nghĩa là Tái sử dụng – Tái chế - Trả lại cho nhà sản xuất).

Mỗi “bước đi” của các sản phẩm đều được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế tối đa rác thải ra môi trường, không sử dụng nilon, nhựa khó phân hủy, tận dụng các vật liệu an toàn như giấy, lọ thủy tinh…

Mong muốn được hỗ trợ quỹ đất để phát triển

Cây dược liệu tuy cho giá trị cao nhưng đòi hỏi người dân dày công chăm sóc, “đầu tắt, mặt tối”, cả ngày phơi mưa nắng ngoài cánh đồng. Bởi, cây dược liệu tuy dễ trồng, nhưng cũng có những đặc thù riêng. Đơn cử như giống bạc hà chocomint là loài “ưa ẩm nhưng không ưa úng”. Vùng sản xuất dược liệu của THT nằm trong vùng đất trũng, hệ thống tưới, tiêu hạn chế. Do đó, chỉ cần gặp đợt mưa kéo dài mấy hôm, hai máy bơm chạy hết công suất nhưng thoát nước không kịp, gần 1 tấn bạc hà giống bị ngập úng, thối rễ, chị Duyên tâm sự.

Ruộng trũng nên việc chăm sóc và thu hoạch gặp không ít khó khăn hơn.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đề xuất những đơn hàng lớn nhưng THT còn nhiều vướng mắc, chưa tự tin tiếp nhận đơn hàng. Anh Đào Hữu Nghị, thành viên THT cho biết, do diện tích trồng vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, vùng nguyên liệu xa khu dân cư, cở sở hạ tầng còn hạn chế, hệ thống tưới tiêu chưa ổn định, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa.

Mô hình trồng cây dược liệu tại xã Thụy Văn là mô hình mới, có tiềm năng, giải quyết việc làm cho 6 lao động cố định với mức lương 4,5 – 5 triệu đồng/tháng và 10 – 15 lao động thời vụ. THT đã hoàn thành các giấy tờ, thủ tục để nâng cấp lên HTX.

Hệ thống sấy còn thô sơ, công suất 50 - 80kg dược liệu tươi/lần.

Tuy nhiên, chị Bùi Thị Duyên chia sẻ: “Hiện nay, vùng nguyên liệu cung không đủ cầu. Quỹ đất của THT chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích canh tác, đáp ứng đầu vào cho sản xuất. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ về quỹ đất để phát triển, mở rộng sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện nâng cấp lên mô hình THT lên HTX để việc vận hành được hiệu quả hơn và các sản phẩm có đủ cơ sở pháp lý đưa vào thị trường lớn.”

Rõ ràng, mô hình trồng dược liệu sạch của THT Gồ Trại đã chứng minh hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, đây là hướng đi đúng đắn nhằm phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý, góp phần vào công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người Việt.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video