Thái Nguyên: Tích cực hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn trước dịch tả lợn Châu Phi

10/06/2019
Sáng ngày 6/6, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cùng với MTTQ và các đoàn thể tỉnh đã tổ chức Chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với hưởng ứng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cùng đại diện các sở, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại 15 cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tham gia chương trình hưởng ứng.

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho người chăn nuôi, với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông... vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút. Theo thống kê, đến nay cả nước đã có 53 tỉnh, thành công bố ổ dịch. Lực lượng chức năng và người dân phải thực hiện tiêu hủy trên 2 triệu con lợn, với hơn 100.000 tấn, thiệt hại lên đến trên 3.600 tỉ đồng.

Tại tỉnh Thái Nguyên, bệnh dịch xuất hiện từ ngày 5/3, đến nay có 116 xã thuộc 9 huyện, thành phố và thị xã đã xuất hiện ổ dịch, số lợn phải thực hiện tiêu hủy gần 27.000 con, với hơn 1.600 tấn; kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên 84 tỷ đồng, trong đó 54 tỷ đồng chi hỗ trợ cho các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Bệnh tả lợn Châu Phi không gây bệnh cho người, kể cả khi ăn thịt lợn hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, khi tiếp xúc với lợn bệnh cũng như thịt lợn nhiễm bệnh, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên bệnh tả lợn Châu Phi có tác động đến kinh tế, xã hội nghiêm trọng đối với chăn nuôi, kinh doanh các sản phẩm từ lợn nói riêng, an ninh lương thực, thực phẩm nói chung. Ở Việt Nam, thịt lợn vẫn là nguồn cung cấp protein quan trọng cho con người. Tuy nhiên, trước dịch tả lợn, đã có nhiều người từ chối, quay lưng lại với loại thực phẩm này, kể cả sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh. Điều này đã gây thêm khó khăn cho với người chăn nuôi lợn.

Chính vì vậy, chương trình hưởng ứng ủng hộ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyễn là một hoạt động rất ý nghĩa. Ngay tại chương trình, đã có gần 250 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh đăng ký mua hơn 5 tấn thịt lợn. Toàn bộ số lợn thịt do các hộ chăn nuôi trong tỉnh cung cấp và được cơ quan chức năng thực hiện kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

Thông qua chương trình nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống và khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng, xã hội trên địa bàn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn.
Tạ Dung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video