Tháng tư nhớ về đất nước Triệu Voi

09/04/2007
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng được dòng nước sông Mê Kông tưới mát và bồi đắp.

Tình nghĩa thuỷ chung sâu sắc của hai đất nước, hai dân tộc anh em do lãnh tụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Cay-xỏn Phôn-vi-hản và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp mấy chục năm qua ngày càng thêm bền chặt. Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp cũng như hợp tác song phương về kinh tế, văn hoá, xã hội trong thời hội nhập càng thể hiện và củng cố quan hệ thuỷ chung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

 

Xa nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long

 

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được thiết lập từ năm 19ó2 và ngày càng được tăng cường. Đoàn thanh niên hai nước cũng đã tiến hành nhiều cuộc giao lưu gặp gỡ như Gặp gỡ Thanh niên thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn, Giao lưu thanh niên các tỉnh có chung đường biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Lào...

 

Hàng năm cứ đến tháng Tư, tôi lại nhớ đến ngày Tết của dân tộc Lào anh em. Tết cổ truyền của người dân Lào được gọi là Bun Pi-mày hay Bun Pi-mày hốt-nặm, được xem là lễ hội lớn nhất trong năm. Bun Pi-mày diễn ra cùng thời điểm với Tết của người Thái và Cam Pu Chia. Lễ hội Bun Pi-mày hốt-nặm diễn ra vào khoảng ngày 13 đến 15 tháng Tư dương lịch hàng năm. Thời gian lễ hội có thể kéo dài hơn ở một số vùng trên đất nước Lào, thậm chí có nơi người Lào ăn Tết đến hết tháng Tư.

 

Thực chất của Bun Pi-mày hốt-nặm là lễ hội cầu mưa nên người ta lấy nước làm trọng tâm của lễ hội, đặc trưng của lễ hội này là té nước. Người Lào cho rằng ai té được nhiều nước sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, nước sẽ gột sạch mọi điều không may mắn trong năm cũ. Tuy nhiên, để tránh bất tiện cho khách, đặc biệt là người nước ngoài, người Lào đôi khi dùng nước hoa để rắc lên người khác coi như lời chào Năm Mới, cầu phước lành và may mắn cho khách và chính bản thân họ.

 

Những ngày tháng Tư này, chắc hẳn bạn bè tôi nhiều người nhớ đến lễ hội Bun Pi-mày. Khi còn là sinh viên, vào dịp Tết của các bạn Lào chúng tôi thường cùng nhau hát những bài hát mà nhiều thế hệ thanh niên Việt-Lào biết đến như "Hoa đẹp Chăm pa", "Việt-lào Xa ma ki", "Hà Nội - Viêng Chăn", "Lào - Việt là hai anh em", "Lăm tơi ải noọng"... và còn cùng nhau múa Lăm-vông. Bạn gái cùng lớp tôi - Khăm-lạ Nọ-kẹo nói, người Lào ai ai cũng biết múa Lăm-vông, như con chim rừng sinh ra để bay nhảy, dâng tiếng hót cho đời; như con cá suối sinh ra để bơi lội. Tiếng Lào lăm có nghĩa là múa, khắp có nghĩa là hát. Lăm-vông là hình thức múa tập thể cả nam lẫn nữ theo vòng tròn. Điệu múa Lăm-vông dễ học, dễ biểu diễn, thể hiện sự đoàn kết, thân ái. Các điệu lăm khi đi kèm các điệu khắp càng thêm quyến luyến, sôi động.

 

Từ thuở bé, nước Lào đã in đậm trong ký ức tôi, bởi nơi tôi sinh ra có chung đường biên giới với Lào. Khi còn là học sinh tiểu học, trường tôi đã nhiều lần được đón các phái đoàn thầy cô giáo và học sinh Lào sang thăm, được xem các điệu múa Lăm-vông, nghe các giai điệu khắp trữ tình. Khi bà nội tôi còn sống, nước Lào luôn là nơi bà hướng về mảnh đất thiêng hiển hiện trong tâm trí bà ở từng bữa ăn, giấc ngủ. Bà thường nhắc đến đất nước Lào, đến cánh đồng Chum với một tình cảm thiêng liêng khó tả, bởi nơi đó hai người chú ruột của tôi, hai chiến sĩ tình nguyện Việt Nam - liệt sĩ Dương Đình Phẩm, Dương Đình Chất đã anh dũng hy sinh. Hài cốt của các chú hiện chưa tìm được, nhưng gia đình tôi tin rằng các chú luôn được đất nước Lào, người dân Lào che chở.

 

Và cuối cùng, để chia sẻ niềm vui với ngày Tết cổ truyền - lễ hội Bun Pi-mày của người dân Lào nói chung và các bạn cựu lưu học sinh đã cùng chúng tôi học tập dưới mái trường Đại học Ngoại thương nói riêng, tôi xin bày tỏ cảm xúc bằng một bài thơ. Âu đó cũng là tình cảm của thanh niên Việt Nam dành cho các bạn Lào anh em:

Tình năm tháng


Anh và em cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn

Cùng uống nước từ dòng sông Mè Nặm-khoỏng (*)

Tình yêu chúng mình lớn dần theo năm tháng

Qua bao gian lao vẫn chung thuỷ đến không ngờ

 

Anh bên này nghe tiếng sóng vỗ bờ

Tưởng như tiếng lòng em thổn thức

Và nỗi nhớ trào dâng lồng ngực

Ứơc gì em được làm con sóng sông Mê-kông

Em bên đó nhớ anh lắm phải không?

 

Luổng Phạ Băng núi Chàng, núi Nàng soi bóng

Đất nước em có núi Đôi trường tồn cùng năm tháng

Tình Việt Lào sống mãi với thời gian

 

Cầu chúc em luôn được bình an

Tuy xa xôi nhưng chúng ta là một

Chàng trai Triệu Voi xin nói lời tạm biệt…

Hẹn gặp lại em - cô gái Tiên Rồng.


Ghi chú: (*) Sông Mê-Kông

Dương Kim Anh - Trường Cán bộ phụ nữ T.W

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video