Thanh Hoá: Nâng cao năng lực tài chính kế toán trong các tổ chức tài chính vi mô

27/09/2012
Từ ngày 17 – 21/9/2012, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Hội LHPN Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện dự án “Khởi đầu mới” của các tỉnh Lào Cai, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, Bến Tre và TP. Hà Nội.

Chương trình tập huấn nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực thực hiện chuyên môn về kế toán, tài chính cho cán bộ thực hiện dự án “Khởi đầu mới”. Nội dung khóa tập huấn gồm: nguyên tắc, chuẩn mực chung của kế toán, phương pháp hạch toán kế toán, phân tích báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động tín dụng, đặc biệt là hệ thống kế toán trong các tổ chức tài chính vi mô theo khuyến cáo tại dự thảo thông tư của vụ quản trị - kế toán thuộc ngân hàng nhà nước. Đặc biệt, học viên được chia nhóm để thực tập xử lý các bài tập nghiệp vụ kinh tế, tình huống phát sinh ngay trong thực tiễn của hoạt động tín dụng vi mô tại các tỉnh. Chương trình đã giúp học viên vận dụng được tối đa nguyên tác trải nghiệm thông qua các hoạt động giao lưu học hỏi, học trên lớp, học buổi tối, học qua trao đổi ngoài giờ…

Với sự tham gia, tương tác tích cực của học viên, khóa học đã đạt được những mục tiêu đặt ra và đáp ứng đúng sự mong đợi của học viên tham gia. Sau khóa học, các cán bộ kế toán dự án đã nắm vững kiến thức của khóa học, lập được báo cáo tài chính, hạch toán trên cân đối thử... 100% học viên có thể áp dụng các kiến thức vào trong công việc của mình và thống nhất báo cáo hàng tháng gửi Ban quản lý dự án TW Hội LHPN Việt Nam.

Được biết, chương trình tập huấn là hoạt động của dự án “Khởi đầu mới” do Quỹ Unilever Việt Nam tài trợ. Sau khóa tập huấn chung này, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa sẽ tiếp tục tổ chức các khoá tập huấn đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho cán bộ dự án từng tỉnh như: kỹ năng thành lập và duy trì hoạt động nhóm/cụm, bán hàng và chăm sóc khách hàng, thẩm định và quy trình thu/phát vốn, quản lý nợ chậm trả…

 

 

* Hội LHPN Châu Thành xây dựng, phát triển tổ chức Hội

Hội LHPN huyện Châu Thành, Tiền Giang xác định công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định, là nền tảng của tổ chức Hội, từ đầu năm 2012 đến nay, các cấp Hội LHPN huyện đã tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác này.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương Hội LHPN Việt Nam với phương châm hướng về cơ sở "ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội", Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Châu Thành đã phối hợp với các cấp ủy Đảng và tổ chức cơ sở Hội tập trung cho công tác củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng - nhất là những cơ sở Hội có biến động về tổ chức, nhân sự, hoặc biến động số hội viên tại các khu công nghiệp. Chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội tập trung khảo sát, rà soát nắm chắc số hộ có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện vào Hội, để mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 hội viên. Đến nay, có 14/23 cán bộ chủ chốt Hội đạt chuẩn về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, có 17 chủ tịch Hội cấp xã là Đảng ủy viên, 21 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội là đại biểu HĐND.

Xác định cán bộ là nhân tố quyết định thắng lợi cho mọi phong trào, Hội đã tranh thủ, làm tham mưu với cấp ủy Đảng thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chuyên trách từ huyện đến cơ sở. Đã có 474 lượt cán bộ Hội được bồi dưỡng nghiệp vụ, 740 lượt tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật. Tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ và tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, đến nay tỷ lệ đảng viên nữ chiếm 26,62% trong tổng số đảng viên của huyện, 15,5% tham gia cấp ủy huyện và 14,44% tham gia cấp ủy xã - thị trấn.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển tổ chức Hội và hội viên, đã phát triển thêm 1.083 hội viên, nâng tổng số lên 23.844 hội viên toàn huyện, chiếm tỷ lệ 69% số phụ nữ đủ điều kiện tham gia Hội; trong số này các cấp Hội cơ sở xây dựng được gần 6.000 hội viên nòng cốt, đạt 24,7%. Qua thống kê đến nay số phụ nữ đi làm ăn xa, không có mặt thường xuyên tại địa phương trên 8.000 chị. Hội đã củng cố 13 chi hội ở 3 xã Kim Sơn, Điềm Hy, Tân Lý Tây và thị trấn Tân Hiệp, củng cố và nâng chất lượng sinh hoạt 213 tổ, có 57% hội viên trực tiếp đóng hội phí, được gần 80 triệu đồng, Hội cơ sở đăng nộp lên huyện trên 13 triệu đồng đạt 60% chỉ tiêu.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, phát triển, củng cố tổ chức Hội ở huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Ban chấp hành Hội cần tập trung cho công tác này đạt kết quả cao hơn so với nhiệm kỳ trước, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, uy tín với quần chúng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phương pháp vận động phụ nữ, có nhiệt tình, tận tâm với công tác Hội vẫn là đòi hỏi chính đáng, cần thiết, cấp bách trong nhiệm kỳ 2011- 2016.

 

* Phụ nữ ấp Mỹ An B thoát nghèo từ mô hình nuôi chim cút

Năm 2011, ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang còn 15 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ do phụ nữ làm chủ hộ; đến nay đã có 5 hộ thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ vốn gắn với chuyển giao kỹ thuật nuôi chim cút do Hội LHPN xã phát động, điển hình là hai chị Bùi Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thùy Dung.

Trước đây, gia đình chị Bùi Thị Ánh Tuyết là hộ cận nghèo của xã do ít đất sản xuất, thiếu vốn, lại phải nuôi ba người con đang tuổi ăn học. Năm 2007, chị được Hội phụ nữ xã cho vay 03 triệu đồng từ Quỹ Phụ nữ giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế, chị đầu tư nuôi heo, sau đó chuyển qua nuôi gà ta, rồi nuôi bò, nhưng đều không thoát nghèo.

Đến năm 2010, Hội LHPN xã cho chị vay tiếp 5 triệu đồng và hướng dẫn cách nuôi chim cút. Ban đầu chị nuôi khoảng 1.200 con, thấy hiệu quả khả quan, chị vay thêm 10 triệu nữa tiếp tục phát triển đàn cút. Hiện tại, gia đình chị có trên 7.500 con cút đang cho trứng, mỗi ngày thu từ 5.000 - 5.500 trứng, thương lái đến tận nhà mua giá 4.200 đồng/chục, sau khi trừ đi chi phí, chị lời khoảng 400 ngàn đồng/ngày. Bên cạnh đó, chị Tuyết rắc mùn cưa trên phân cút hàng ngày, cứ 3 ngày chị vô bao bán cho những hộ dân trồng thanh long xung quanh, mỗi bao từ 8.000 -10.000 đồng. Từ một hộ thuộc cận nghèo, nhờ mô hình nuôi chim cút, giờ đây chị Tuyết đã có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học, sửa lại nhà cửa khang trang, vun đắp hạnh phúc gia đình.

Chị Nguyễn Thùy Dung cũng là hộ cận nghèo. Sau khi được hỗ trợ 3 triệu đồng nguồn vốn vay của Hội LHPN xã, chị đầu tư nuôi chim cút, ban đầu nuôi chỉ vài trăm con, đến nay phát triển đàn cút 2.600 con đang cho trứng, mỗi ngày lời khoảng 300 ngàn đồng tiền bán trứng cút. Đối với cút già, chị bán cút thịt 45-55 ngàn đồng/kg, khoảng vài tháng chị cho ra chuồng một đợt, nguồn thu này cũng trên 5 triệu đồng. Bên cạnh, chị nuôi thêm 1.000 con gà đẻ, khoảng 3 tháng nữa sẽ cho trứng; chị Dung còn tận dụng đất trống xung quanh nhà ương dừa giống để bán. Với nguồn thu nhập ổn định, chị đang tích lũy để xây dựng lại ngôi nhà khang trang.

Phụ nữ Ôn Trà làm theo gương Bác: "nuôi" 1.140 con heo đất tiết kiệm

Sau 5 năm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thực hành tiết kiệm theo gương Bác thông qua mô hình nuôi heo đất đã được cán bộ, hội viên các chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Phong trào được phát động từ tháng 3/2007 và triển khai đến từng hội viên thuộc 126 chi hội. Sau hơn 5 năm thực hiện, các chị đã nuôi được 1.140 con heo đất tiết kiệm. Qua các đợt khui heo đất, thu được trên 7,3 tỷ đồng, giúp cho trên 4.600 hội viên khó khăn thêm vốn phát triển sản xuất và 154 hộ do hội viên phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Gắn với phong trào tiết kiệm theo gương Bác, các chi tổ hội cơ sở phụ nữ ở huyện Trà Ôn còn phát động thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Mô hình câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3”; “Phụ nữ không có chồng con tham gia tệ nạn xã hội”; “Mô hình 5 không, 3 sạch”; “Phòng chống bạo lực gia đình”, hũ gạo tình thương; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học… Các phong trào và việc làm cụ thể do Hội Phụ nữ Việt Nam phát động ngày càng nâng cao vai trò của tổ chức hội, là chỗ dựa tinh thần đối với hội viên và các tầng lớp phụ nữ, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội.

* Tập huấn Luật Bình đẳng giới tại Châu Đốc

Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về công tác chính sách, luật pháp năm 2012 và được sự hỗ trợ của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, ngày 5-9, Hội LHPN tỉnh An Giang đã mở lớp tập huấn pháp luật tại thị xã Châu Đốc nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội cơ sở.

Nội dung lớp tập huấn nhằm phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Phòng, chống mua bán người.

Đối tượng tham dự lớp tập huấn là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, phường; Chi Hội Phụ nữ; Tổ trưởng, Tổ phó Phụ nữ và hội viên tiêu biểu.Mục đíchtrang bị kỹ năng cho cán bộ Hội cơ sở nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ tại địa bàn, nhằm thực hiện tốt Luật Bình Đẳng giới và phòng chống các hình thức bạo lực gia đình, tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

* Phụ nữ Châu Thành chung tay vì trẻ em nghèo

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, công tác chăm lo, bảo vệ và giáo dục trẻ em luôn được Hội LHPN huyện Châu Thành, tỉnh An Giang quan tâm, đặc biệt đối với các em có hoàn cảnh khó khăn. 

Điều đó thể hiện rất rõ thông qua những việc làm, hành động thiết thực góp phần chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, chung tay vì trẻ em nghèo là một trong những hoạt động thường xuyên của hội như: tặng sách vỡ, quần áo, xe đạp…cho những học sinh nghèo, các cấp hội LHPN trong huyện đã động viên, tiếp sức các em tiếp tục được đến trường.

 

Mới đây, hội LHPN huyện đã trao tặng 12 chiếc xe đạp và 2 suất học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện. Nhìn những ánh mắt ngập tràn niềm vui của các em học sinh nghèo trước sự quan tâm của các chị bên hội phụ nữ nhiều em không nén được niềm vui. Em Nguyễn Thị Ngọc Huyền, học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thố lộ: “Gia đình em có 5 thành viên, nhưng Mẹ thì bệnh nên không có khả năng lao động nặng, chỉ có mình cha đi làm thợ hồ để lo cho mọi chi tiêu trong gia đình và chi phí cho 3 chị em đi học, gia đình em gặp rất nhiều khó khăn, được các cô chú tặng chiếc xe đạp để đi học em rất mừng”. Khi Ngọc Huyền hay tin mình thi đậu vào lớp 10 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, em và gia đình vui mừng biết bao, nhưng bên cạnh niềm vui đó là nổi lo về quãng đường đi học của em lại xa hơn, không biết phải đi như thế nào, thì được Hội phụ nữ huyện tặng chiếc xe đạp làm phương tiện đi học, niềm vui của em mới thật sự trọn vẹn.

 

Không chỉ riêng hoàn cảnh của Ngọc Huyền mà còn không ít học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện nhiều năm nay cũng được Hội Phụ nữ các cấp tiếp sức cho các em thắp sáng những ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Năm nào các cấp hội LHPN huyện cũng đều vận động quyên góp trong hội viên Hội phụ nữ, huy động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm,  phối hợp với hội Khuyến học, hội từ thiện tặng sách vỡ, quần áo, học bổng… cho các em. Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, Trần Thị Thanh Thúy cho biết: “với những em có hoàn cảnh khó khăn, không tiền  mua sách vở, có thể sẽ bỏ học, hội phụ nữ cơ sở kết hợp với nhà trường đến tận gia đình xem xét hoàn cảnh, vận động các em tới trường, với những em quá khó khăn hội sẽ tặng quần áo cho các em”.

 

Trong đợt phát động công trình thi đua đặc biệt hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo năm 2012, sau thời gian phát động, hội LHPN huyện đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình của cán bộ Công nhân viên chức, hội viên phụ nữ từ huyện đến xã, thị trấn huy động được số tiền gần 73 triệu đồng để cất nhà “mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo và tặng học bổng cho học sinh nghèo trong huyện. Những suất học bổng đó đã thể hiện sự quan tâm chia sẻvới những hoàn cảnh khó khăn, đây cũng là sự động viên, khuyến khích tinh thần học tập của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bước vào năm học mới.

 

Chủ tịch hội LHPN huyện Trần Thị Thanh Thúy nói: “Mong muốn của hội là khích lệ, động viên tinh thần học tập của các em  học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, luôn xứng đáng là con ngoan trò giỏi và hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng”./.

 

* Hội LHPN xã Quảng Chu phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Hội Phụ nữ xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) đang tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nhằm nâng cao đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Quảng Chu đã thành lập được 10 tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua nguồn vốn vay uỷ thác với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chợ Mới, đã có trên 500 hội viên phụ nữ được vay vốn với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phụ nữ phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng như: Mô hình nuôi lợn thịt, trồng cây ăn quả nuôi vịt, nuôi gà… Bên cạnh đó, để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu qủa, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chị em chăn nuôi, sản xuất cũng được Hội Phụ nữ xã đặc biệt chú trọng.

Để giúp hội viên có thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, Hội Phụ nữ xã đã chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp với phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông huyện mở các lớp bồi dưỡng kiến thức trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, làm gia trại và kinh tế VAC cho các hội viên; hướng dẫn hội viên sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 180 hội viên tham gia.

Từ sự giúp đỡ và hướng dẫn của Hội, năm 2010 chị Ma Thị Thu ở thôn Bản Đén đã được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, đầu tư chuồng trại, chăn nuôi lợn, gà. Hiện nay gia đình chị đã xây dựng được một hệ thống chuồng trại quy mô với 2 con lợn nái, 30 con lợn thịt và hơn 100 con gà. Năm 2011, từ mô hình chăn nuôi này chị đã thu được trên 60 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay ban đầu và được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do xã tổ chức, gia đình chị đã có cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Có thể nói, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo thật sự là phong trào đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho hoạt động của Hội Phụ nữ Quảng Chu thêm phong phú hơn. Với các hoạt động cụ thể, Hội Phụ nữ xã không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên mà còn góp sức cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục đẩy mạnh  hoạt động vay vốn ủy thác thông qua các kênh, nhằm giúp đỡ nhiều hơn nữa để hội viên có thêm nguồn lực phát triển kinh tế.

Nhờ phát huy được hiệu quả từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hội viên phụ nữ xã Quảng Chu được nâng lên rõ rệt; ngày càng có thêm nhiều hội viên làm kinh tế giỏi và thoát nghèo bền vững./.

* 263 tỷ đồng vốn ủy thác cho phụ nữ vay

Theo Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu, trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 28.000 hộ là hội viên Hội LHPN vay hơn 263 tỷ đồng vốn ủy thác thông qua Hội LHPN.

Nhìn chung, các chương trình vay vốn ủy thác thông qua Hội LHPN đều phát huy hiệu quả. Nhiều hộ sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Từ đó, không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có nhiều hộ nợ tồn đọng kéo dài không xử lý được.

* Phụ nữ An Lão chung tay bảo vệ rừng

Từ đầu năm 2012 đến nay, Hội LHPN huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã thành lập được 5 CLB “Phụ nữ với công tác bảo vệ rừng” với gần 300 thành viên. Đây là một mô hình mới nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ ở miền núi trong việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ nâng cao hiểu biết và trách nhiệm trong việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Hội LHPN huyện An Lão đã nảy ra ý tưởng thành lập CLB “Phụ nữ với công tác bảo vệ rừng”.

Đầu năm 2012, CLB đầu tiên được thành lập tại điểm nóng về khai phá rừng làm nương rẫy là thôn 1, xã An Hưng với 96 thành viên, do Lơ O Thị Út, chi hội trưởng phụ nữ thôn 1 làm chủ nhiệm. Một tháng sau, CLB phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức hội thi tìm hiểu về kiến thức bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng thông qua hình thức hái hoa dân chủ, thu hút hơn 400 lượt người tham gia cổ vũ. Chị Đinh Thị Lén (thôn 1, xã An Hưng) tâm sự: “Từ ngày tham gia CLB, tôi biết thêm nhiều về tác hại của việc đốt, phá rừng làm nương rẫy. Các cán bộ đã nhiệt tình phổ biến các điều cần tránh để phòng cháy rừng”. Qua các buổi sinh hoạt này, các chị em được cung cấp những kiến thức chung về động vật hoang dã, về tài nguyên rừng, cách thức bảo vệ, phát triển rừng…. Các chị cũng được giới thiệu về thực trạng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép hiện nay, hậu quả của những hoạt động đó đối với đa dạng sinh học.

Chị Lơ O Thị Út cho biết: “Tuy mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng CLB đã không những giúp nâng cao kiến thức lâm nghiệp cho phụ nữ mà còn giúp các chị hình thành thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn với việc bảo vệ, phát triển rừng”.

Sau vài tháng triển khai thí điểm, ý thức và hành động bảo vệ rừng của các chị em đã thay đổi rõ rệt. Các chị tự giác đi đầu và vận động người thân trong gia đình, họ hàng, cộng đồng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương.

Sau thành công của mô hình thí điểm ở thôn 1 xã An Hưng, Hội LHPN huyện An Lão nhanh chóng triển khai thêm các CLB ở các xã gồm: thôn 3, xã An Hưng; thôn 8, xã An Trung; thôn 3, xã An Vinh; thôn 4, xã An Quang. Dự kiến, ngày 18.9 tới sẽ thành lập thêm CLB thứ 6 với 28 thành viên tại thôn 4, xã An Nghĩa.

Ngày ra mắt CLB tại thôn 8, xã An Trung, ông Đinh Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã An Trung cùng các thành viên của Ban chủ nhiệm CLB đã rất vui mừng. Ông Hải nói: “CLB được thành lập là tín hiệu vui nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ để nâng cao hiểu biết và trách nhiệm trong việc thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở thôn”.

Theo chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, thời gian đến, Hội sẽ chỉ đạo cho Hội LHPN các xã, thị trấn tiếp tục xây dựng các CLB mới và duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên theo quy chế của Ban chủ nhiệm CLB đề ra, với mục đích tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Hội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm về mô hình này với cơ quan kiểm lâm. Song, để các CLB hoạt động tốt hơn nữa, cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương và các chủ rừng trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, tư liệu… và nhân rộng mô hình này từ cấp thôn đến xã, các hội - đoàn thể khác để tác động sâu, rộng hơn tới nhận thức, hành động của người dân địa phương.

Quách Hồng Hạnh - Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hó
Theo báo Tiền Giang- Vĩnh Long – An Giang - Bắc Kạn - Bạc Liêu – Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video