Thanh Hóa: Phân loại rác, sản xuất phân bón vi sinh – hành động ứng xử thân thiện với môi trường

30/09/2021
Nhằm thực hiện mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” do TW Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa triển khai, góp phần nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ trong bảo vệ môi trường, năm 2019, Hội LHPN huyện Đông Sơn đã thực hiện thí điểm tại thị trấn Rừng Thông. Đây là việc làm cần thiết để giúp người dân có thói quen phân loại rác thải ngay tại gia đình, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa làm sạch môi trường.
Nhiều hội viên phụ nữ xã Đông Văn (Đông Sơn) sử dụng thùng phân loại rác thải để làm phân bón vi sinh, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường

“Hố ủ rác thành phân hữu cơ” được thực hiện thí điểm tại 2 hộ gia đình thuộc khu phố Xuân Lưu và được cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về địa phương hướng dẫn cách làm như: phân loại rác thải, đào hố, ủ và sử dụng phân thu được để bón cho cây trồng. Quy trình ủ khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng phi nhựa hoặc đào hố ủ với diện tích tùy theo số lượng rác sinh hoạt của gia đình. Rác thải hữu cơ được phân loại như: lá cây, thức ăn thừa, rau cỏ, trái cây hư... tất cả được cho vào hố ủ có nắp đậy nhằm tránh ruồi muỗi hay các con vật vào đẻ trứng. Rác thải sau khi được thu gom vào hố được trộn với chế phẩm vi sinh Emuniv (bán phổ biến) pha sẵn theo tỷ lệ 2 thìa vi sinh, 10 thìa đường, 1 lít nước sạch. Công đoạn này vô cùng quan trọng giúp quá trình ủ diễn ra nhanh chóng, bởi chế phẩm Emuniv không những thân thiện với môi trường, mà còn có tác dụng chuyển hóa lân khó tiêu (quặng phot phat, phot phat hữu cơ) thành dạng dễ tiêu mà cây trồng có thể hấp thụ được, sinh chất kích thích tăng trưởng thực vật, phân hủy nhanh bùn, bã hữu cơ, khử mùi hôi của rác thải, tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại.

Các hộ chia sẻ, trong phương pháp làm phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, bước đảo trộn và điều chỉnh độ ẩm là tiêu chí quan trọng. Sau khoảng 3 - 4 ngày, đảo trộn và kiểm tra độ ẩm, nếu bóp thấy rác dính chặt, không có nhiều nước rỉ ra thì độ ẩm đạt yêu cầu. Sau 30 - 40 ngày, lượng rác thải đã được ủ thành phân hữu cơ tơi xốp, màu đen không mùi sử dụng bón cho các loại cây cảnh, cây ăn quả.

Nhận thấy phương pháp làm đơn giản mà hiệu quả, nhiều hộ làm nông nghiệp trên địa bàn thị trấn đã chủ động làm theo, trong đó có nhiều hộ trồng hoa và cây cảnh. Từ những kết quả đạt được của mô hình, Hội LHPN huyện Đông Sơn đã phát động các đơn vị lồng ghép với thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng đạt huyện nông thôn mới, tiến tới huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Để mô hình phát huy hữu ích trong cuộc sống, năm 2021 Hội LHPN huyện đã xây dựng thành Đề án “Phân loại và xử lý rác thải làm phân bón vi sinh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và triển khai thực hiện tại 14/14 xã, thị trấn, đồng thời tổ chức thực hành, hướng dẫn cán bộ hội các cơ sở cách phân loại rác thải đầu nguồn và quy trình làm phân bón triển khai hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ tại đơn vị. Tổ chức cho cán bộ hội cơ sở đến tham quan thực tế tại hộ gia đình bà Lê Thị Điểm, thôn Nghè Tiên, xã Đông Khê trong việc ứng dụng phân bón vi sinh bón cho các loại cây ăn quả; tặng một số tài liệu tuyên truyền cho mô hình tại một số xã, tặng thùng đựng phân loại rác thải, giúp các hộ duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình...

Hiện nay, Hội LHPN huyện Đông Sơn đang chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng mô hình gắn với phong trào “Nhà sạch - vườn đẹp”, “Nhà sạch vườn mẫu”, “Tường rào xanh” và được đông đảo hội viên hưởng ứng tích cực, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

Văn phòng Hội LHPN tỉnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video