Thanh Hóa: Phân loại rác thải tại hộ gia đình - cách làm thiết thực của phụ nữ huyện Thiệu Hóa

03/07/2022
Trong lộ trình xây dựng NTM, vai trò của phụ nữ Thiệu Hóa trong bảo vệ môi trường ngày càng thể hiện rõ nét hơn, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, vừa tiết kiệm nhiều chi phí từ rác thải.
Giảng viên Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng khoa học - kỹ thuật Trường Đại học Hồng Đức hướng dẫn các hộ xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện Thiệu Hóa quan tâm, vào cuộc tích cực. Đặc biệt, trong lộ trình xây dựng đạt huyện nông thôn mới (NTM), vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường ngày càng thể hiện rõ nét hơn, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, vừa tiết kiệm nhiều chi phí từ rác thải.

Xác định vai trò, trách nhiệm của hội LHPN các cấp góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đã xây dựng Đề án “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, giai đoạn 2022-2025” được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua và sớm triển khai thực hiện bài bản, khoa học ngay từ đầu năm 2022.

Mục tiêu được hội đề ra trong năm 2022 đó là, trong 6 tháng đầu năm triển khai thí điểm tại 6 xã đăng ký xây dựng xã NTM nâng cao, 10 thôn đăng ký thôn NTM kiểu mẫu năm 2022, mỗi thôn chọn 5 hộ tham gia thực hiện mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình và xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ; 6 tháng cuối năm sẽ triển khai đồng loạt tại tất cả các thôn của 6 xã nêu trên. Tham gia đề án, mỗi hộ dân được hỗ trợ men vi sinh, nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ, thùng chứa rác hữu cơ và tập huấn hướng dẫn cách làm.

Để thực hiện đề án đạt hiệu quả, Hội LHPN huyện đã triển khai nội dung đề án trong hệ thống hội, đồng thời chọn 6 xã làm điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng, gồm: Thiệu Nguyên, Thiệu Viên, Thiệu Phúc, Minh Tâm, Thiệu Long và Thiệu Phú. Sau khi tiếp thu các nội dung của đề án, các đơn vị được lựa chọn làm điểm đã báo cáo cấp ủy, tổ chức hội nghị ban chấp hành triển khai nhiệm vụ, cách thức thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các hộ chuyển biến nhận thức và hành động tích cực trong thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình.

Bên cạnh đó, từ tháng 2 đến tháng 4, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng khoa học công nghệ, Trường Đại học Hồng Đức tổ chức 7 lớp tập huấn về phân loại và xử lý rác thải cho các hộ tại 6 xã tham gia đề án. Kết hợp giữa lý thuyết với thực hành và bám sát cơ sở “cầm tay chỉ việc”, chỉ sau thời gian ngắn, cán bộ hội và hộ tham gia mô hình của các đơn vị đã tích cực bắt tay vào việc, làm đúng quy trình. Mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào các thùng riêng biệt. Đối với rác thải hữu cơ các hộ xử lý làm phân bón cho cây trồng (những hộ có diện tích đất vườn, hội vận động xây bể chứa rác hữu cơ để xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây trồng; hộ không có vườn thì mua thùng chứa rác để xử lý rác hữu cơ); các loại rác tái chế: chai lọ nhựa, giấy, kim loại... được thực hiện mô hình “Đổi rác thải lấy cây xanh”; rác thải còn lại được tập kết để đội thu gom của xã đưa về bãi chôn lấp theo quy định.

Chị Nguyễn Thị Hằng, chi hội phụ nữ Ngọc Tỉnh, xã Thiệu Phúc, cho biết: “Sau khi được tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, gia đình tôi có vườn rộng nên xây hố rác ngoài góc vườn, toàn bộ rác hữu cơ là những vỏ, lá cây, quả, rau xanh hỏng... được ủ với men vi sinh. Sau 40 – 45 ngày gia đình có một lượng phân bón dùng bón cho cây trồng rất tốt. Cách làm này thân thiện với môi trường, tiết kiệm được nhiều chi phí so với trước đây”.

Chị Nguyễn Thị Tải, thôn Đoán Quyết, xã Thiệu Phú phấn khởi chia sẻ thêm: “Các hộ chúng tôi hào hứng bắt tay vào làm ngay bởi mô hình dễ làm, mang lại lợi ích cho chính mình. Cùng với phân loại rác thải làm phân hữu cơ, chúng tôi cải tạo vườn tạp, quy hoạch trồng các loại cây có giá trị tại vườn, nguồn phân hữu cơ làm được dùng bón cho cây trồng rất tơi xốp, cây phát triển nhanh”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ hội từ huyện đến cơ sở luôn giám sát, đôn đốc từng hộ dân trong việc phân loại rác thải và áp dụng quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Sau 5 tháng, từ 30 hộ làm điểm đã được nhiều hộ học hỏi, làm theo và đã có trên 500 hộ tham gia, tạo hiệu ứng tích cực trong các chi hội phụ nữ, thu hút thêm nhiều hộ dân tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu như xã Thiệu Phú, Thiệu Nguyên, Thiệu Phúc.

Chị Tạ Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Mô hình đưa vào thí điểm và nhân rộng đã góp phần khắc phục tình trạng rác thải sinh hoạt chưa được phân loại, xử lý triệt để. Trong khi lượng rác hữu cơ chiếm khoảng 60% tổng khối lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày là nguồn nguyên liệu để làm phân bón hữu cơ rất hữu ích, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, mô hình đã mang lại lợi ích cho người dân và chính quyền địa phương. Người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe; địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, sơ kết đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình để nhân rộng ra các thôn, tiểu khu, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương.

baothanhhoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video